73 tuổi - độ tuổi bên kia sườn dốc, theo bài sai của chủ chăn, cha Thành về Nhà nghỉ dưỡng linh mục giáo phận Phú Cường và tiếp nhận trách nhiệm trùng tu, xây dựng nhà hưu cho khang trang hơn để đón tiếp các anh em linh mục vào tuổi xế chiều. Trong tiếng ầm ĩ của máy khoan, máy cắt, vị mục tử ngắm nhìn công trình dang dở mà vầng trán phủ đầy ưu tư vì việc thì nhiều mà khó khăn cũng lắm. Chúng tôi hỏi cha một vài cảm nghiệm về đời linh mục, ngài cười xòa: “Đã hết đời đâu mà có cảm nghiệm gì. Vẫn còn sống là vẫn còn nhiều cái phải lo. Tôi chỉ mong mình làm được việc để san bớt gánh nặng cho Đức cha, chứ một mình ngài làm sao cho xuể”. Có lẽ, cũng chính vì tâm tình ấy mà trái tim ông cố luôn cháy rực ngọn lửa nhiệt tâm hành động, lôi cuốn và lan tỏa cho những ai gặp gỡ ngài.
Mục vụ vùng ngoại biên
Tân Biên, Tân Châu là hai huyện nằm phía bắc tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia. Thập niên 1970, 1980, dòng người từ khắp mọi miền đất nước về đây xây dựng vùng kinh tế mới. Họ sống rải rác khắp vùng, lao động và gầy dựng tất cả từ số không. Tất nhiên, trong số họ có cả những người Công giáo. Đất mới, điều kiện mới, tương lai mới, những tín hữu ấy ngày ngày lo sinh kế nhưng vẫn đau đáu khôn nguôi bởi không thể duy trì sinh hoạt tôn giáo đều đặn như ngày trước. Không nhà thờ, không mục tử, họ như những con chiên không người chăn dắt, không tìm được hướng đi.
Sau khi chịu chức năm 1973 và khoảng 2 năm làm linh mục phó xứ Phong Cốc - một xứ đạo nằm gần trung tâm thành phố Tây Ninh - trong tâm khảm của ông cố khi ấy luôn hừng hực niềm khao khát được đi đến những vùng đất mới. Và, như một lời đáp từ Thiên Chúa, ngài được Giám mục giáo phận lúc ấy là Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên sai đến giáo xứ Thánh Mẫu (huyện Tân Biên) làm chánh sở. Cùng với người bạn đồng hành là chiếc xe cũ kỹ, cha đi tìm, quy tụ những con chiên không có điều kiện đến Nhà Chúa vì đường xa cách trở, phương tiện đi lại hạn chế… để chăm lo mục vụ cho họ. Cha lập một giáo điểm cách nhà thờ hơn 10 cây số, mượn phần đất của giáo dân và cùng cộng đoàn dựng nên ngôi nhà nguyện tạm để họ có chốn nguyện cầu sớm hôm. Giáo điểm ấy ngày nay đã được nâng lên thành giáo xứ Thánh Linh, hiện có hơn 1.700 giáo dân.
Ông cố ngày còn trẻ trong buổi dâng lễ cùng con chiên nơi dàn nguyện đơn sơ - ảnh tư liệu |
Về làm cha sở tiên khởi của họ đạo Tân Nghĩa (huyện Tân Châu) năm 1990, vị mục tử lại tiếp tục ra đi tìm gặp và gom góp đoàn chiên từ khắp nẻo đường miền biên giới. Cái thuở ấy, đường sá chưa thuận tiện, ngày nắng bụi đất giăng mờ lối, hôm mưa thì lộ trơn trợt chạy xe lo té nhào, nhất là gặp những đoạn đường đầy “ổ gà”, “ổ vịt”, thậm chí là “ổ voi”, vậy mà ông cố vẫn “một mình một ngựa” đi không ngơi nghỉ. Ngày Chúa nhật, cha chạy vòng 6 xã để gặp gỡ đoàn chiên. Có lần, đang trên đường đi đến một giáo điểm thì xe bất ngờ cán phải chướng ngại vật. Xe đổ, cha bị thương phải quay về chạy chữa. Vết thương lành, ngài lại tiếp tục đi. Trong những tháng ngày tuổi trẻ miệt mài truyền giáo ấy, cha đặt nền móng hình thành hai giáo điểm Suối Dây, Tân Hội, để rồi đến nay, hai nơi này đã phát triển thành xứ đạo với nề nếp hoạt động ổn định. “Những ngày đầu đó, nếu không có cha giúp thì chúng tôi dù là người có đạo nhưng cũng chỉ biết làm ăn và sinh sống vậy thôi. Nhờ ngài lặn lội tìm đến và tụ họp mọi người lại sinh hoạt chung mà cộng đoàn có được đời sống đạo sinh động như bây giờ”, ông Nguyễn Ngọc Thơ - một giáo dân giáo xứ Suối Dây xúc động kể.
Vị mục tử ngắm nhìn công trình nhà nghỉ dưỡng linh muc còn dang dở mà vầng trán phủ đầy ưu tư vì việc thì nhiều mà khó cũng lắm - ảnh: Mai Lan |
“Vậy mà Chúa dẫn đi đến hôm nay”
Những ai tiếp xúc với cha Thành đều có chung nhận xét ngài là một người rất thẳng thắn. Trong những cuộc chuyện trò, thảo luận, khi cảm thấy có gì đó chưa ổn thì gần như lập tức cha sẽ lên tiếng góp ý, dẫu điều đó có thể gây ra sự khó chịu. Cha bảo: “Nếu mình thấy không đúng thì phải nói ý kiến của mình cho anh em biết rồi cùng xem xét, chứ cứ giữ trong lòng thì chẳng xây dựng được gì cả. Mình cứ mạnh dạn nói lên rồi lắng nghe và tiếp thu mọi lời góp ý là được. Đã là anh em với nhau thì phải thẳng thắn, quanh co lòng vòng mình thấy bất an, còn người khác thì chẳng biết đâu mà lần”. Sự bộc trực ấy có thể sẽ khiến những cuộc gặp đầu không mấy suôn sẻ nhưng dần dần lại kéo gần hai bên bởi chất chứa trong đó là tình cảm chân thành. “Ngày xưa, tôi toàn được biết đến vì nóng tính, lại hay nói thẳng, tưởng không đi tu được nữa. Vậy mà Chúa dẫn đi đến hôm nay”, cha vừa cười vừa kể.
Có thời gian được cộng tác với ngài trong vai trò phó xứ Tân Nghĩa trước đây, linh mục Đaminh Nguyễn Thế Trường - Chánh xứ Suối Dây chia sẻ: “Được sống và hoạt động cùng với cha Thành là khoảng thời gian tôi được học hỏi rất nhiều trong việc mục vụ. Hình ảnh cha vâng lời bề trên, phục vụ quên mình, ăn nói chững chạc… đi vào lòng tôi và rất nhiều người dân vùng Tân Châu. Ngài đã sống tinh thần cộng đoàn, sống phục vụ mọi người, bất kể trong hay ngoài Công giáo. Tôi cũng đã và đang noi theo tinh thần ấy của ngài khi đi coi sóc giáo xứ”. Đối với cha Giuse, truyền giáo là sống chan hòa với hết mọi người, là đến với người cần dù họ là ai đi nữa. Có bữa nọ, một người nữ tín hữu Cao Đài vô nhà xứ xin cha trái dừa về làm thuốc. Nhà xứ chẳng có ai, ông cố leo cây hái rồi chẳng may bị té. “Gãy vài cái xương thôi, chẳng sao cả, băng bó xong lại lành”, ngài nhẹ tênh.
Giờ đây, cha đã về hưu, tạm biệt những nẻo đường dọc ngang vùng biên giới, nhưng bóng cha như vẫn ẩn hiện trong tâm thức của nhiều người. Ngày cha rời Tân Nghĩa về nhà hưu giáo phận, có những đôi mắt đã hoen mờ vì phải chia tay người mục tử kính yêu.
MAI LAN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc