Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh trước giờ bị hành hình. |
Năm 12 tuổi, ngài được linh mục Duệ xứ Bạch Bát giúp giới thiệu vào học trong chủng viện. Ngài chăm học, ham đọc sách nên hiểu biết rộng và có ý tưởng thích đời sống ẩn tu như thánh Antôn. Vì vậy, ngài tập ăn chay hãm mình, ngủ dưới đất, hàng ngày lén cất ít cơm đưa phơi khô để dùng sau này. Ngài bí mật bỏ chủng viện trốn lên rừng Bạch Bát và tìm được cái hang yên tĩnh để cầu nguyện. Ngài tự trồng khoai, sắn để sinh sống. Đức cha Havard cho người đi tìm mãi không thấy nên cấm không được linh mục nào giải tội cho ngài. Lễ Phục sinh năm đó, ngài tìm về làng để xưng tội nên bị phát giác và dẫn đến trình Giám mục. Biết ý định của ngài cũng tốt lành là chỉ muốn dấn thân phục vụ nên Đức cha Havard không phạt mà tiếp tục cho ngài theo học thần học. Ngài được phái đi Ma Cao, Trung Quốc để mang đồ tiếp tế cũng như đưa thừa sai ngoại quốc vào Việt Nam hai lần. Có lần cũng bị cướp đánh lấy hết tiền bạc. Trong một đêm nằm ngủ, ngài thấy một phụ nữ xinh đẹp hiện ra nói với ông: Con sẽ được ơn phúc tử đạo tại An Nam. Ngài hỏi lại bằng cả tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Pháp: Cô là ai? Người phụ nữ đáp: Ta là Đức Maria. Song ngài không tin và cho đó là kế mỹ nhân đến dụ dỗ ông mà thôi.
Năm 1837, ngài được sai đi truyền giáo tại Bái Thượng, giáp biên giới Lào. Vùng này lúc đó có rất nhiều cọp dữ. Có lần phải ngủ giữa rừng cùng vài người bạn. Ngài lấy cây làm thành 4 Thánh giá dựng quanh chỗ nằm để xin Thánh giá Chúa che chở bình an. Sáng ra, ngài thấy nhiều vết chân cọp dẫm nát cỏ quanh chỗ nằm. Công cuộc truyền giáo đang tiến triển tốt, ngài về xin Đức cha Retord cho thêm người nhưng Đức cha lại phái ngài đi Ma Cao vì ngài đã quen lối đi. Trở về, ông tiếp tục đi dạy giáo lý ở Kẻ Đầm và bị bắt năm 1841. Lính đánh ngài dã man, nhưng ngài lo sợ phải chết trước khi vua ban án tử hình nên khôi hài rằng: Các anh đánh như gãi ghẻ thỉ ăn nhằm chi. Quan thấy lạ cho dừng tra tấn ngài. Ngài bị tuyên tù 7 năm khổ sai. Dù bị xiềng xích, đánh đập nhưng ngài luôn lạc quan, hài hước. Năm 1843, ngài bị giải đi Bình Định. Khi qua Huế, người nhà quan lớn Nguyễn Đình Tân biết ngài là tu sĩ Công giáo nên khẩn khoản xin ngài chữa bệnh cho quan vì quan bị mù đã lâu. Ngài cầu xin Chúa chữa lành và truyền lấy cao dán lên mắt. Quan Nguyễn Đình Tân sáng mắt trở lại vô cùng cảm tạ ngài. Cuối năm 1848, vua Tự Đức lên ngôi ân xá cho các tù nhân. Ngài được tha trở về Kẻ Vĩnh. Đức cha Retord đã truyền chức linh mục cho ngài lúc ông đã 56 tuổi.
Năm 1849, cha được cử làm Giám đốc chủng viện Kẻ Vĩnh. Cha soạn nhiều sách để hướng dẫn giáo dân sống đạo sốt sắng. Được thời gian yên tĩnh tạm lắng, vua Tự Đức lại cấm đạo. Cha bị bắt lần hai ở Kẻ Vĩnh. Biết tin, quan lớn Nguyễn Đình Tân hết sức chạy cho cha khỏi án tử với điều kiện cha phải bỏ đạo. Cha nói: quan lớn thương thì đừng bắt tôi làm thế. Xác này tôi bỏ bao nhiêu lần cũng được nhưng linh hồn tôi phải giữ. Bị giam 38 ngày, vua ra lệnh chém đầu cha. Ngày 6/4/1857 cha bị đưa ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định thi hành án. Giáo dân đã xin thi hài cha đưa về an táng tại Kẻ Vĩnh.
Ngày 2/5/1909, Đức Piô X đã phong chân phước cho cha Phaolô và ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho cha. Một nhạc đoàn Công giáo thành lập tháng 7/1945 là nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã rất thành công cả trong đạo, ngoài đời.
Đền thờ thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. |
Tại quê hương cha thánh, dưới thời cha Micae Trịnh Ngọc Tứ đã khởi công xây dựng đền thánh to lớn kính thánh nhân. Đền thánh khởi công năm 2012 và hoàn thành năm 2014. Đền thánh có kích thước 37x13,50m, tháp cao 30 m và trở thành Trung tâm hành hương các thánh tử đạo Thanh Hóa. Ngày 27/11/2014, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã làm lễ cung hiến Đền thánh này.