Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn có công lớn trong việc xây dựng lại di tích đền Đô (Bắc Ninh). Ảnh: Nguyễn Thảo |
Nhà giáo nhân dân - Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (SN 1940, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) - tác giả của phong trào “Nghìn việc tốt” luôn tâm niệm: “Làm nghìn việc tốt, cùng trừ việc xấu, cộng nhân thương, chia niềm thông cảm” để những điều tốt đẹp mãi vang xa”. Năm nay dù đã 79 tuổi, là người khuyết tật, từng bị căn bệnh phong quái ác đầy đọa, nhưng Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn vẫn say mê với “nghìn việc tốt”.
Người phát động phong trào “nghìn việc tốt” Là một trong 20 cá nhân điển hình được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen trong chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”, nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn giản dị chia sẻ, việc làm tốt xuất phát từ tâm. Mỗi ngày ông đều học ở những người tốt, việc tốt xung quanh và thi đua với chính mình.
Những câu chuyện hay đều được ông Thìn ghi chép, chia sẻ và lan tỏa với cộng đồng về những điều tốt đẹp, về những tấm gương bình dị mà cao quý trong cuộc sống.
Ông Thìn nhớ lại, năm 1963, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, ông cùng học trò đi trồng cây. Xuất phát từ đó, ông chính là người khởi xướng, phát động phong trào “Làm nghìn việc tốt” để nhân rộng những việc làm tốt đẹp cho quê hương, cho đất nước. Sau đó, phong trào tiếp tục lan tỏa ra thiếu nhi miền Bắc, rồi thiếu nhi miền Nam. Ông đã đi từ Cao Bằng tới Cà Mau để nhân rộng phong trào.
“Nghìn việc tốt đã nở hoa, kết quả. Tôi càng hạnh phúc hơn, đó là ngày mùng 4 Tết Đinh Mùi năm 1967, ngôi trường thân yêu nơi tôi công tác được đón Bác Hồ về thăm và phát biểu tại sân trường Tam Sơn - nơi tôi là Phó Bí thư Chi bộ, Tổng phụ trách đội, Bí thư Chi đoàn, giáo viên dạy môn Văn - Lịch sử. Bác khen các thầy, cô giáo làm nghìn việc tốt, thế là rất tốt.
“Tôi kính yêu Bác Hồ và muốn được làm theo lời Người nhiều lắm” Thế nhưng, khi đang phơi phới sự nghiệp, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn bị mắc bệnh phong, chân tay co rút, dị tật suốt đời, di chứng còn lại trên cơ thể ông đến tận hôm nay. Mắc bệnh phong ở tuổi 30, trong 1.461 ngày điều trị tại Bệnh viện Phong Quỳnh Lập (Nghệ An), đôi bàn tay ông đã hoàn toàn không cảm giác, không còn xòe ra được.
Nhưng có lẽ, bằng một nghị lực thép, ông Thìn đã trở thành một tấm gương đối mặt với những nỗi đau, vượt lên số phận, chiến thắng với bệnh tật và tiếp tục lan tỏa phong trào “nghìn việc tốt” trong cộng đồng. Ông Thìn vẫn cầm bút gõ máy tính và tiếp tục sáng tác thơ, văn và viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương.
Từ khi về hưu, phát huy những năm tháng say mê sáng kiến, sáng tạo, phát huy tinh thần nhiệt huyết khi còn là đoàn viên công đoàn và là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ở tỉnh, ở huyện, ông không cho mình được phép ngừng nghỉ. Ông đã viết và in được 3.000 trang sách, hàng trăm bài báo.
Năm 1991, ông Thìn được giao làm Trưởng Ban tuyên truyền, vận động xây dựng lại đền Đô.
Với mong muốn làm tốt trọng trách được giao phó, ông hăng say viết sách, làm phim, hướng dẫn, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên. Bởi theo ông, “một lời nói với du khách tới là truyền cả hồn quê, hồn nước, tình người, niềm tin yêu con người vào cuộc sống, để vinh danh hào khí Thăng Long, thời đại Hồ Chí Minh”.
Hãy làm nhiều việc tốt hơn nữa để cái tốt bừng lên, để cái xấu phải co lại. Hãy “làm nghìn việc tốt, cùng trừ việc xấu, cộng nhân thương, chia niềm thông cảm” để những điều tốt đẹp mãi vang xa”.
VƯƠNG TRẦN