Tôi ghé thăm cha Giuse Nguyễn Hữu Triết sau ngày giỗ 10 năm cha Phêrô Trương Bá Cần, nguyên Tổng biên tập báo Công giáo và Dân tộc, một người anh, người bạn tri âm của cha về nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong lúc chờ cha như đã hẹn, ngó cảnh quan khuôn viên nhà xứ Tân Sa Châu, tôi như lạc vào khu vườn cổ tích với những pho tượng, phù điêu. Có chiếc khung xe thổ mộ thế kỷ XIX, dãy tủ kính đặtnhững chiếc đèn cổ. Có cả di tích của người theo tín ngưỡng Phồn Thực (Linga, Yoni) nguyên bản tạc bằng đá xanh.
Tiếp tôi tại bộ bàn ghế đơn sơ ngoài hiên nhà, tự tay thêm nước từ chiếc ấm nhỏ không còn mới, cha thân tình: “Ông ngồi đây cho mát, uống nước vối nhé. Nước lá vối vừa mát vừa bổ”. Sau vài lời giới thiệu, biết tôi cũng là bổn đạo ở xứ gầnbên, cha hỏi thăm về công việc, về gia đình một cách thân thiết, như đã quen từ lâu. Tôi thưa với ngài, bản thân là cộng tác viên của báo Người Công giáo Việt Nam. Cha rất vui và cũng tự giới thiệu: “Mình vẫn viết cho báo đấy chứ! Gần đây, do công việc nhiều nên tạm gián đoạn một thời gian. Anh Vũ Thành Nam, Tổng biên tập của báo, một người bạn trẻ nhưng còn là một nhà sưu tập đồ cổ, mới vào thăm tôi hôm rồi, cũng quẩn quanh chuyện mấy cái bình cổ ngoài Bắc”. Cha nhắc tôi: “Ông cố gắng cộng tác với báo, miễn là Đức Kitô được rao giảng” mà!
Do có hẹn trước nên tôi được dịp hàn huyên tâm sự lâu giờ với ngài. Cha Triết nay đang là chánh xứ Tân Sa Châu, Hạt Chí Hòa, một giáo xứ có bề dày truyền thống trong Tổng giáo phận Saigon-TPHCM. Cha còn đảm nhiệm Trưởng Ban Mục vụ Văn hóa giáo phận. Biết cha đã lâu nay mới có dịp nghe cha kể chuyện cuộc đời của vị mục tử với tuổi đời 74.
Năm 1972 cha thụ phong linh mục, về nhận Phó xứ Gia Định (Bà Chiểu), giúp mục vụ và quản lý Trường Trung học Công giáo Thánh Mẫu, đến năm 1975 thì chuyển giao cho nhà nước. Hỏi về cơ duyên nào cha đến với việc sưu tập cổ vật, cha vui vẻ: “Năm 1993, tôi được Bề trên giáo phận cho chuyển về giáo xứ Tân Sa Châu làm chánh xứ, thay thế cha cố Thịnh, nghỉ hưu. Thời gian đó tại nhà xứ có cha Đa Minh Đinh Cảnh Thụy, bạn cùng lớp với cha cố dưỡng bệnh tại đây. Cha cố Thịnh về nhà hưu, tôi vẫn mời cha Đa Minh tiếp tục lưu lại để giáo xứ chăm sóc. Năm 1994, ngài qua đời và được giáo xứ lo tang lễ chu đáo. Sau khi xong công việc, tôi cho dọn lại căn phòng của ngài thì phát hiện ra ngài để lại 6, 7 chiếc đèn dầu cổ xưa. Tự nhiên tôi nhớ đến ông cụ thân sinh ngày xưa, từng là một ông đồ nho, kiêm thầy lang bốc thuốc chữa bệnh cho dân làng. Cụ thông thạo chữ Hán, rất thích văn học cổ. Một lần kia, trong lúc chữa bệnh, cụ nghe được người bệnh giới thiệu có người muốn bán chiếc điếu bát bằng gốm đời Đạo Quang cổ xưa (Trung Quốc ), cụ tôi tìm đến xem thì thấy bát điếu có vẽ sự tích “Hứa Do-Sào Phủ “, một câu chuyện rất hay trong văn học cổ Trung Hoa mà cụ rất thích thú khi kể lại điển tích này. Mua được chiếc điếu, rồi lần hồi cụ mua được một bộ ấm chén men Lam. Cụ tôi rất nâng niu coi như báu vật, khi nào có khách thân tình mới đem điếu, bộ ấm chén ra pha trà tiếp đãi. Những ngày đó, tôi còn nhỏ, là con út trong nhà nên khi có khách, tôi có bổn phận bưng nước, bưng điếu ra hầu các cụ. Ấn tượng những ngày thơ ấu sống bên ông cụ với thú thanh tao, nghe cụ kể chuyện cổ, chiêm ngắm đồ cổ trỗi dậy trong tôi. Thế là từ mấy chiếc đèn cha cố Đa Minh để lại, tôi đã cất công sưu tầm đến nay, năm 2013 kiểm kê đã có trên 1400 chiếc, kể cả đèn cổ và đèn xưa, được làm từ rất nhiều chất liệu: đồng, bạc, gang, thủy tinh, antimoan, nhôm, sắt, sứ, gốm, đất nung, hoặc có bầu đèn làm bằng gỗ. Về niên đại thì cái cổ nhất là cái đèn Sa Huỳnh đã 2.500 năm. Đèn có xuất xứ từ 14 quốc gia, màu sắc phong phú tuyệt đẹp. Cái đất nung thô màu gạch, thủy tinh nhiều màu, gốm sứ đủ hình vẽ đa dạng. Dáng dấp đủ hình đủ kiểu, tuyệt vời lắm, đặc biệt là chiếc đèn Sa Huỳnh”. Cha Triết như lạc đi vào thế giới của những chiếc đèn cổ, ngài say sưa: “Cây đèn Sa Huỳnh ấy có dáng vẻ rất đơn giản, giống cái lọ, cho mỡ động vật vào thắp sáng, tim đèn làm bằng vỏ cây. Tôi có được nó nhờ mua cả cái mộ chum Sa Huỳnh, bên trong có cả các hũ, lọ, chậu hoa, được chôn dưới đất hàng ngàn năm. Mộ chum thì tôi quen lắm, người ta giới thiệu là tôi biết liền”.
Cha Giuse Nguyễn Hữu Triết giới thiệu trưng bày “Ấn phẩm Kitô giáo, đóng góp cho nền văn hóa dân tộc” do Ban Mục vụ Văn hóa Tổng giáo phận Tp. HCM tổ chức. Ảnh: Liên Giang |
Khi được hỏi về những chiếc đèn cổ cha sưu tầm được mang ý nghĩa gì về mặt đức tin và văn hóa, cha Triết nhắc tôi đến cụm từ “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium), là tên của một Hiến chế do Công đồng Vatican II đã ban hành năm 1965. “Từ gợi hứng của văn kiện này của Giáo hội khiến tôi rất thích thú. Tôi đi tu, đọc Thánh Kinh từ bé cũng thấy nhắc nhiều tới đèn, nó biểu tượng cho đời sống thánh thiện, minh bạch.”Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Thánh vịnh 108,105). Chúa Giêsu cũng nói: “các con là ánh sáng thế gian...” (Lc, 22-40), rồi “Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá để soi cho cả nhà” (Lc 8, 16-18). Hay dụ ngôn “Mười cô trinh nữ mang đèn đi đón chàng rể” (Mt 25, 1-13)
“Ca dao tục ngữ cũng vậy, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; thông minh gọi là sáng dạ... Từ văn học, đời sống, cho đến Thánh kinh, tục ngữ ca dao... Tôi thấy cây đèn có nhiều ý nghĩa quá, sách đi đôi với đèn, nó còn là ánh sáng trí tuệ. Trước hết là nhờ vào văn học. Nào là Tắt đèn, Ngọn đèn dầu lạc, truyện thời danh Lục Vân Tiên “Trước đèn đọc truyện Tây Minh”. Truyện Kiều nhắc nhiều tới đèn, sách hay, đọc dưới đèn, cảo thơm lần giở trước đèn...”
Nói tới truyện Kiều, cha nổi tiếng nhờ việc sưu tầm sách cổ với hai giải nhất trong cuộc thi “Những cuốn sách vàng”, có năm nhận tới sáu giải. Từ bản Truyện Kiều khắc ván in từ thế kỷ XIX độc đáo, dường như nay đã “quần tụ” thành một bộ sản phẩm ngày càng đồ sộ. Bên cạnh gần hai mươi bản Truyện Kiều chữ Nôm rất quý, cổ xưa, cha đã sưu tầm thêm được 200 bản Truyện Kiều in tiếng Việt và tiếng Pháp, Anh, Đức, Rumani, Hàn Quốc. Có cả bản chữ nổi cho người khiếm thị. Rồi khoảng 700 đầu sách nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du, hơn 700 tờ báo và tạp chí viết về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Có 50 bức tranh vẽ Kiều. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm như chén, thống, tượng sứ, guốc sơn mài có hình vẽ Kiều, rất nhiều cuốn băng ngâm Truyện Kiều, toàn những tác phẩm “thứ dữ”, tạo nên một bộ tác phẩm vẫn đang được làm giàu, sưu tập thêm. (Theo Doanh Nhân Saigon )
Thú sưu tầm cổ vật chỉ là một mảng trong đời sống của một vị linh mục mà trọng tâm của ngài là hoạt động Mục vụ. Là cha sở của xứ đạo với gần 5000 giáo dân, với 26 năm coi xứ. Công việc chính của cha hiện nay là chăm lo về mặt đức tin và loan báo Tin Mừng. Giáo xứ Tân Sa Châu, sau ngày đất nước thống nhất, tầng trệt nhà thờ vẫn được được sử dụng làm trường tiểu học cho cư dân trong phường. Khi nhà trường chuyển ra địa điểm mới, giáo xứ tu bổ lại thành hội quán giáo xứ, dành cho các sinh hoạt như dạy giáo lý, tổ chức các lớp Hôn nhân gia đình, hội họp... Năm 2008 nhận thấy khuôn viên nhà thờ trưa đến, nhiều người lang thang cơ nhỡ, bán vé số, thu mua ve chai, người khuyết tật đi nạng, đi xe lăn... ghé nghỉ, ăn bữa trưa với thức ăn là những ổ bánh mì đi xin được, bịch bún, hộp cơm thừa gom lại của khách ăn hàng quán. Cha bàn với Ban Truyển giáo của giáo xứ tổ chức bữa cơm nhân ái, ngày 19/10 /2008 khai trương. Lúc đầu chỉ vài ba chục người rụt rè đến ăn, về sau, thông tin được mở rộng trong giáo dân, nhiều vị hảo tâm xa gần cùng chung tay góp sức. Người cho mỗi tháng tạ gạo, người giúp thịt cá, rau củ quả, nước mắm, dầu ăn... Các đoàn thể Công giáo trong xứ cử người thay nhau phụ trách nấu ăn, phân công dọn bàn ghế, rửa chén bát. Ông Trần Viết Hợp, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ, cũng là trưởng Ban Truyền giáo, người trực tiếp điều hành cho biết, đến nay mỗi ngày “Bữa cơm nhân ái” phục vụ cho trên dưới 100 người đến ăn tại chỗ, hơn 200 suất cơm được giao cho Caritas Tổng giáo phận và hạt Chí Hòa chuyển đến các người nghèo khó, bệnh tật tại nhà; các bệnh nhân nghèo tạicác bệnh viện hoàn toàn miễn phí. Điều gây ấn tượng nơi giáo dân là cha sở cũng cùng ngồi ăn với những người cơ nhỡ. Từ tháng 4/2019, giáo xứ lại tổ chức bán điểm tâm cho người lao động, mỗi ngày 200 phần với giá tượng trưng 2000 đồng một phần ăn sáng, mỗi người được mua một phần, như xôi các loại, hoặc bánh chưng, bánh giò, bánh bao, bánh mì thịt, cá... Tháng 5/2019, giáo xứ mở thêm quầy tiếp nhận quần áo còn tốt đã qua sử dụng, với phương châm: “Ai cho thì nhận, ai thiếu đến lấy”. Rất nhiều người đến cho và cũng không ít người nghèo, người lao động đến nhận. Sân nhà thờ xưa tĩnh lặng, nay ngày ngày nhộn nhịp, kẻ đi người đến như một trung tâm sinh hoạt bác ái từ thiện giữa một thành phố ồn áo náo nhiệt.
47 năm của cuộc đời linh mục với nhiều kỷ niệm, cha nhớ mãi ngày đi nhận chức phó xứ Gia Định. Một xe đạp lọc cọc chở chiếc vali, đi từ chợ Cầu - Gò Vấp về Gia Định, không người tiễn đưa, không ai ra đón, như cô dâu tự về nhà chồng. “ Người đầu tiên tôi gặp là một ông thầy tên Tế phụ trách văn phòng của trường Thánh Mẫu, có tới 1.300 học sinh. Ông thầy Tế hỏi: “Ông đi đâu đây?”. Tôi đáp: “Tôi là cha phó đến nhận nhiệm vụ”. “Vậy à, cha sở có gửi chìa khóa đây”. Rồi chưa kịp chào, cha sở đã mời ra ngay nhà thờ làm công tác mục vụ, ban phép hòa giải cho người tới xưng tội. Vào việc liền, âm thầm, đơn giản, hợp với bản chất nông dân của tôi, thuở bé chăn trâu bò ngoài đồng, quen với đời sống đơn giản. Tiệc tùng tôi sợ lắm”. Cha hồi tưởng.
Gần đây cha Triết chuyển sang viết sách, cha gửi tặng tôi 17 cuốn “Những suy nghĩ vẩn vơ”, sách khổ nhỏ với nhiều suy tư về Giáo hội, về cuộc sống. Cha đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi sinh, qua thông điệp Laudato’ Si của Đức Thánh Cha Phanxicô. Cha nhắc: “nếu được, báo Người Công Giáo Việt Nam nên mở mục giới thiệu, tìm hiểu nội dung thông điệp này hàng tuần trên báo. Mình rất sẵn sàng hỗ trợ, hầu mưu ích được cho nhiều người”.