Thường trực ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội vừa đi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác với tỉnh bạn để học hỏi việc làm hay, những cách làm tốt.
Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi có tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo vào bậc nhất của cả nước. Chỉ ít ngày sau khi chúng tôi gửi công văn đi, anh Phước - Phó Chủ tịch ủy ban thành phố đã gọi điện thoại lại cho tôi hỏi rõ lịch trình, kế hoạch của đoàn Hà Nội. Anh nói, chính anh sẽ ra sân bay đón đoàn. Anh Hai Viên cũng báo, anh được phân công đưa đoàn đi thăm thành phố và chào Tòa TGM. Có lẽ đây là văn phòng ủy ban qui mô đứng đầu cả nước. Biên chế cho 3 người, ủy ban ký hợp đồng thêm 8 người với chế độ như nhau để có đủ cán bộ cho 5 ban chuyên môn. Tôi hỏi linh mục Phan Khắc Từ - Phó Chủ tịch Thường trực của ủy ban thành phố: Tiền đâu ra để chi trả cho các nhân viên ký hợp đồng? Cha nói: ủy ban tự túc được khoảng 50% số kinh phí hoạt động hàng năm. Tôi hỏi tiếp: Nguồn ở đâu ra? Cha cười: Thành phố đầu tư một lần cho ủy ban xây dựng một số công trình ví dụ như khách sạn Đại Kết đó. Thế là ủy ban cứ thu dần…
Như vậy sự quan tâm của thành phố với ủy ban là rất thiết thực. Tôi cũng đã nhiều lần vào thành phố Hồ Chí Minh nên biết lãnh đạo ở đây rất hiếu khách. Không chỉ là bữa liên hoan gặp mặt, không chỉ là món quà lưu niệm mà là thái độ chân tình. Chủ nhà luôn đưa ra lời mời hấp dẫn như chương trình thăm quan, nghỉ ngơi kể cả những địa chỉ xa như Trường Sa chẳng hạn. Anh Hai Viên nói nhỏ với tôi, anh nghỉ hưu, về làm Chủ tịch hội đồng giáo xứ nhưng thành phố muốn anh ở lại giúp ủy ban. Vậy là ngoài phụ cấp ký với ủy ban, thành phố còn trợ cấp thêm hàng tháng. Chiếc xe máy anh đang đi, điện thoại anh đang dùng, máy tính anh đang sử dụng, cũng thành phố sắm cho cả. Thế thì sao mà các anh không hết mình với phong trào được?
Nhưng ủy ban cũng thực sự làm việc chứ không chỉ làm báo cáo. Chỉ nói riêng lĩnh vực từ thiện thôi, ủy ban cũng có hàng chục chương trình bề thế. Chúng tôi đi thăm 2 cơ sở Thiên Phước của cha Từ. Nơi nào cũng chỉ mươi nữ tu mà chăm sóc cho mấy chục người tật nguyền là nạn nhân của chất độc da cam, bệnh HIV/AIDS… Cha Từ nói, tháng 7 sẽ đưa một đoàn bệnh nhân này đi biểu diễn văn nghệ ở bên Hoa Kỳ. Đây không chỉ là đi vận động sự quan tâm của bè bạn mà là dịp giới thiệu hoạt động của ủy ban. Nữ tu TS Kim Chi phụ trách cơ sở 2 Thiên Phước đang tĩnh tâm, nhưng xin về để đưa một em đi khám bệnh, cho chúng tôi biết. Không chỉ trong nước mà nước ngoài cũng giúp đỡ trung tâm. Từ những máy trị liệu hàng chục ngàn đô la đã được lắp đặt để phục vụ chữa trị cho các em cho đến bao rau, mớ cá hàng ngày… người ta cứ tự động đưa đến. Cha Từ nói, sắp khởi công cơ sở 3 của Thiên Phước rộng hơn, quy mô hơn.
Điều chúng tôi cảm phục là sự hiệp thông của các Đấng bậc trong Tổng giáo phận với ủy ban rất chặt chẽ. Cha Chủ tịch Nguyễn Công Danh mời chúng tôi nán lại tối 5-6, chính Đức TGM Phaolô sẽ dâng thánh lễ cầu nguyện cho đất nước bình an theo đề nghị của chính ủy ban ĐKCG. Trong số ủy viên của ủy ban khóa VII này có tới 30 linh mục, 23 tu sĩ/ 90 vị. Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác thật ao ước mong được phần con số đó. Hôm đoàn chúng tôi tới, rất tiếc, Đức TGM có chương trình trước nên đã cử linh mục GB Võ Văn ánh, đại diện Giám mục ra tiếp. Cha GB. ra tận cửa đón đoàn, mời đoàn vào phòng khách. Không khí thật đầm ấm. Cha cứ tấm tắc khen bức tranh thêu do cha Antôn Dương Phú Oanh thay mặt đoàn gửi tặng. Khi tôi đứng dậy phát biểu. Cha đề nghị tôi cứ ngồi, nếu không cha lại phải đứng. Khi đi thăm nhà sách Đức Bà, anh Hai Viên mua cả chồng sách. Tôi cứ nghĩ anh mua cho mình. Hóa ra, anh mua tặng từng người trong đoàn. Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành đi Cần Thơ, anh còn chạy xe máy theo tặng thêm những cuốn sách mới của anh vừa phôtô, cầm vẫn còn nóng tay. Thật là hiếu khách quá.
Đoàn chúng tôi đi Cần Thơ nhưng lo không đạt mục tiêu vì cha Chủ tịch ủy ban thành phố Phan Đình Sơn mà tôi quen lại đi Hàn Quốc. TS Trần Hữu Hợp-Trưởng ban Tôn giáo thành phố, tôi biết cũng đã chuyển công tác. Nhưng cha Sơn bảo đừng lo, mọi chuyện đâu vào đấy cả rồi. Vậy là cứ đi. 4h30 sáng đầu tiên, anh Trần Đức Hiếu, Phó Chủ tịch ủy ban ĐKCG Cần Thơ đến khách sạn đón đoàn đi dự lễ ở nhà thờ chính tòa. Cha Nguyễn Tấn Lợi là cha sở giới thiệu đoàn rất trịnh trọng trước lễ. Cha Chủ tịch ủy ban Hà Nội cùng đồng tế với cha sở và được đề nghị chia sẻ Tin Mừng. Dù là “bị bỏ bom” nhưng cha Antôn có bài giảng ngẫu hứng rất hay. Mấy nữ tu và chủng sinh ngồi dưới nghe hào hứng lắm. Mở đầu bài giảng, cha Antôn ngập ngừng mãi vì không nhớ ra tên nhà thờ của giáo phận nào. Nhà thờ ào ào tiếng nhắc. Ra nhà thờ, tôi hỏi cha: Cha hồi hộp quá sao mà quên tên nhà thờ? Cha nói: đấy là thủ thuật sư phạm để thu hút sự chú ý đấy chứ. Tôi thấy trong nhà thờ có treo nhiều màn hình. Khi hát ca nhập lễ, hiệp lễ, kết lễ, khi đọc đáp ca…màn hình hiện chữ. Thật tiện và lịch sự không phải ghi ra bảng hay giấy như các nơi khác. Sau lễ, cha sở mời chúng tôi chụp ảnh lưu niệm và uống cà phê do tay cha tự pha. Cảm động quá nên ai cũng uống, dù trước đây có phải kiêng khem.
Hôm gặp lãnh đạo thành phố Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Hai - Chủ tịch MTTQ thành phố không ngớt lời khen ngợi sự đóng góp công của của người Công giáo Cần Thơ với các phong trào của địa phương. Ông cũng cho biết, các nhu cầu của người Công giáo như xây nhà thờ, lập giáo xứ cho những người di cư đều được chú ý xem xét, giải quyết. Thành phố cũng chi 5 tỷ đồng để xây dựng trụ sở ủy ban ĐKCG thành phố và hy vọng lần sau vào thăm, chúng tôi sẽ được đến cơ sở hoành tráng này.
Sáng hôm sau, đoàn tới chào thăm Đức cha Stephano Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ. Đức cha ra tận cửa xe đón đoàn đưa vào phòng khách. Trên bàn, bày đủ cả hoa quả, bánh kẹo. Đức cha nói, đoàn gặp may, hôm qua có mấy nữ tu biếu mấy trái sầu riêng nên bữa nay đưa ra đãi khách Hà Nội. Ngài mời chúng tôi loại rượu ngài tự chế và đố chúng tôi ai đoán được rượu nấu từ nguyên liệu gì sẽ có thưởng. Rượu thì đậm đà lắm có chút men ngọt như mật ong. Mấy người đoán, sai cả. Ngài bảo, ngoài Bắc không có cây này. Đó là cây tràng ruột, để lên men có tác dụng tiêu hóa và nhuận tràng rất tốt. Mấy ông Tây đến đây thích hơn uống rượu Tây. Bất ngờ, ngài hỏi: ai có thuốc cho xin điếu? Một người vội vàng đưa cha rồi cũng xin phép hút luôn. Mấy người nữa cũng bật lửa phì phèo. Ngài bảo: tôi không hút thuốc nhưng không hút làm sao mấy vị dám hút? Thật hòa đồng quá.
Tôi quan sát thấy cả nhà thờ chính tòa và Tòa Giám mục đều xưa cũ và nhỏ bé chứ không hoành tráng như vài nơi tôi đã tới. Ngài bảo, thứ nhất do điều kiện, nơi đây kinh tế còn khó khăn mà rất nhiều việc phải làm. Giáo hội chỉ dùng 50% kinh phí có, còn lại phải chi cho anh em ngoài Công giáo. Họ cũng là con cái Chúa. Hơn nữa, nhà thờ xây to cũng lãng phí vì giáo dân đến đọc kinh, xem lễ 1 tiếng rồi khóa cửa về chứ ai ở đấy cả ngày. Hơn nữa đây là các công trình có tính lịch sử, văn hóa của cha ông. Ví dụ, ngôi nhà các vị ngồi đây là của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình - vị Giám mục đầu tiên của Cần Thơ mua lại của một tư nhân, làm sao mà dỡ bỏ được?
Đúng là đi một ngày đàng học sàng khôn. Năm ngoái, khi chúng tôi gặp Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri của Đà Nẵng cũng nghe ngài nói một ý tưởng hay. Ngài bảo, đừng cho ủy ban ĐKCG vai trò trung gian. Tôi có số điện thoại của ông Bí thư thành phố. Ông ấy cũng vậy. Cần gì chúng tôi gọi thẳng cho nhau. ủy ban nên tìm vai trò phù hợp như giáo dục, y tế, từ thiện hay phản biện xã hội.
Chuyến đi này chúng tôi cũng được thăm nhiều di tích lịch sử, văn hóa của các địa phương bạn như dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, địa đạo Củ Chi, hầm Thủ Thiêm, chợ nổi Cái Răng… Đất nước mình vừa bất khuất vừa xinh đẹp lạ lùng.