Suy tư - Chia sẻ

Hạt giống cần có người gieo

Cập nhật lúc 08:59 01/08/2017
Thiên Chúa đã trở nên con người phàm đến trong thế gian, Người là Ngôi Lời của Chúa Cha đã ban cho Giáo hội.
Từ khi, Ngài xuống thế làm người cho đến khi chịu chết trên Thập giá, Phục sinh và lên trời để mang lại ơn cứu độ cho con người. Chính Người đã để lại cho Giáo hội kho tàng là Lời Hằng Sống. Lời Người luôn bền vững đời đời và cũng chính là Tin Mừng đã được loan báo cho chúng ta. Bởi vì, chính sự sống đã hiện diện nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng chính Lời Hằng Sống đến cho muôn người.

Phụng vụ của Giáo hội hôm nay đã nói với chúng ta về Lời Chúa. Lời Chúa như hạt giống đã được gieo vào lòng thế gian và trong linh hồn mỗi người chúng ta. Lời Chúa đã gặp biết bao thử thách và trở ngại, nhưng nó có một năng lực lạ lùng nên cuối cùng đã đem lại một vụ mùa bội thu. Thế nên, đó không phải là lý do để chúng ta không làm gì cho Lời Chúa được phát triển, hoặc tệ hơn nữa, để chúng ta tự do cản trở Lời Thiên Chúa. Bởi vì, Lời Chúa vẫn cần còn có một mảnh đất tiếp nhận. Mảnh đất càng tốt thì hoa trái của nó càng trở nên xum suê trái ngọt.Chúng ta nguyện xin Chúa nâng đỡ chúng ta dọn dẹp tâm hồn khỏi mọi thứ gai góc, sỏi đá và cỏ dại để đón nhận và ra đi loan báo Lời Chúa. Lời Chúa là chính Đức Giêsu Kitô đang đến với chúng ta trong đời sống và nhất là nơi Bí tíchThánh Thể hằng ngày, Người muốn biến đổi và vun xới đám đất cuộc đời chúng ta nên mảnh đất tươi tốt phì nhiêu.

Ý muốn của Thiên Chúa

Bài đọc I cho chúng ta được biết về Lời Chúa như là mưa và tuyết rơi xuống mặt đất, thấm dần vào đất làm cho nó nên phì nhiêu, bao hạt giống nẩy mầm và đâm chồi, kết trái. Lời Chúa ban xuống cho loài người cũng luôn luôn mong muốn đạt được điều tốt lành đến với con người.Lời Chúa luôn kêu gọi sám hối để đón nhận Lời và làm cho phát triển mạnh mẽ nơi trần gian này. Điều đó nhấn mạnh đến tính hiệu năng của Lời Thiên Chúa, Đấng sẽ luôn luôn thực hiện lời hứa cứu độ của Ngài. 

Dầu vậy, con người hãy đón nhận Lời Chúa với tất cả lòng tin và lòng mến để cho Lời ấy biến đổi lòng mình.Cuộc đời Kitô hữu bắt đầu ở trần gian này cùng với Đức Giêsu Kitô, đang diễn ra trong đau khổ, để rồi chắc chắn được kiện toàn trong vinh quang. Điều chúng ta mong đợi đó đang được thực hiện, cho dù bất chấp những gì như có vẻ đang đi ngược Lời Chúa.

Thế nhưng không phải chỉ có chúng ta sẽ được giải phóng mà thôi. Cả thế giới vật chất này cũng liên kết với ta, cũng sẽ được tham dự vào cuộc giải phóng đó và hiện nay cũng đang trải qua những nỗi đau khổ làm phát sinh sự sống, như người mẹ sắp sinh con. Một thế giới đang hình thành và sẽ kiện toàn khi Đức Giêsu Kitô trở lại theo ý muốn của Thiên Chúa.

Người gieo giống của Chúa luôn lắng nghe và hiểu

Tin Mừng nói về dụ ngôn người gieo giống. Lời Chúa chính là Đức Giêsu Kitô “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Đức Giêsu Kitô” (Dt 1,1). Qua dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu kể về chính mình. Người đã đến trong cánh đồng là thế giới, Người đã bị hiểu lầm, đã gặp bao thất bại… nhưng sau khi bị chôn vùi vào lòng đất như hạt giống, Người đã nảy mầm và sinh hoa trái dồi dào.

Dụ ngôn này cũng là câu chuyện về Lời Tin Mừng đang được rao giảng qua các thế hệ trên khắp thế gian. Cách hành động của người gieo giống có vẻ coi thường các quy luật trồng cây cách khôn ngoan; thế nhưng chúng ta hãy biết rằng tại Palestin, thời Chúa Giêsu, người ta gieo vãi trước khi cày bừa; thành thử vì chủ ý chứ không vì chểnh mảng mà người nông phu gieo giống trên đường đi và trong bụi gai, bởi vì sau đó lưỡi cày sẽ cày tất cả và đồng thời chôn vùi hạt giống. Còn nơi đá sỏi, ông ta khó lòng mà tránh được trên một mảnh đất cằn cỗi như thế. Vì ta thấy sau phần miêu tả dài dòng việc gieo vãi, thình lình tác giả gợi lên cảnh mùa gặt, biểu tượng thường được dùng để nói về vương quốc Thiên Chúa đến (x. Is 9,2; Ge 4,13 ; Tv 126,6).

Giáo hội cũng gặp nhiều khó khăn thất bại, như thiếu phương tiện, bị bách hại, đời sống kém cõi, người rửa tội càng ngày càng ít đi trong một thế giời duy vật và thần học hoá… nhưng không có gì được phép làm cho người tông đồ và con cái Giáo hội nói chung phải nghi ngờ hay thất vọng về sứ mạng của Giáo hội. Hạt giống Lời Chúa có thể bé nhỏ như hạt cải, nắm men trong bột (x. Mc 4,30-32; Lc 13,20-21). Người gieo giống có thể bị cư xử tàn tệ nhưng năng lực của hạt giống là vô hạn. Không phải là qua những thành công huy hoàng bề ngoài mà là Chúa Giêsu cứu độ nhân loại. Chúa đã trách hai môn đệ trên đường Emmau: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao” (Lc 24,25-26). Bởi thế, người môn đệ chỉ thực sự được hạnh phúc khi được thấy và nghe, vì có nhiều người muốn mà không thể nghe, không thấy được (x. Mt 13,16-17).

Lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy sự chênh lệch đến ngạc nhiên giữa phương tiện sử dụng với mục đích theo đuổi cũng như với kết quả cuối cùng! Quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối của con người. Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này và gieo vào đó hạt giống Lời của Người. Thế gian trước kia là khô cằn và đang chờ mong ơn cứu độ, từ đây có thể trở nên phì nhiêu và sinh hoa trái. Lời Người soi chiếu cho ta hiểu Thiên Chúa, hiểu tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, hiểu số phận của chúng ta và bao nhiêu thực tại khác… Lời Người soi chiếu, thì đồng thời cũng phân chia, phê phán (phải trái, thật giả, tốt xấu, trắng đen…) đảo lộn các trật tự giả tạo như  các thang giá trị của con người tội lỗi. Mỗi người Kitô hữu được Chúa mời gọi lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày để sống và trở thành những ngôn sứ cho Lời Hằng Sống.

 
PHÊRÔ VŨ MINH TUẤN
Thông tin khác:
Khiêm nhường: Con đường dẫn đến cứu độ (31/07/2017)
Hòa bình trong đời sống (26/07/2017)
KHIÊM NHƯỜNG: Con đường dẫn đến cứu độ (24/07/2017)
Môn đệ đích thực (17/07/2017)
Đức Mẹ ở bên tôi (13/07/2017)
Đấng luôn quan phòng (05/07/2017)
Những cảm nhận về khóa thường huấn (03/07/2017)
Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (26/06/2017)
Viếng thăm và chào chúc (23/06/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log