Khi “dọn đường” tâm hồn cho các thính giả, Gioan kêu gọi “Hãy sám hối”. Người ta hỏi lại “Vậy chúng tôi phải làm gì ?”. Gioan đã chỉ cho họ những việc bác ái cụ thể phù hợp với tình trạng cuộc sống của họ.
Bài Tin Mừng thuật lại việc Thánh Gioan tiền hô khuyên bảo những người đến với ông về cách thức phải làm để chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế.
Đối với dân chúng, Gioan tẩy giả là con người mẫu mực về đời sống thánh thiện, chính ông đã rao giảng về sự ăn năn hối cải để trở về với Thiên Chúa. Ông hướng dẫn người ta đến với Thiên Chúa, chứ không rao giảng về chính mình. Chính vì lẽ đó nên dân chúng tuôn đến với ông để lãnh nhận phép rửa và đã sốt sắng hỏi ông cách thức thi hành lời ông giảng dạy. Đáp lại lòng sám hối của dân chúng, ông đã chỉ cho họ phải thực thi đức bác ái bằng cách chia sẻ vật chất cho người nghèo khó. Khi những người thu thuế tội lỗi đến với ông và tỏ lòng sám hối, muốn cải thiện đời sống. Gioan không buộc họ phải đổi nghề, chỉ đòi họ phải thực hiện sự công bằng; không ăn chặn, bóp chẹt người khác. Lời khuyên của Gioan có vẻ ôn hòa khoan dung và nhẹ nhàng hơn lời khuyên của Đức Giêsu sau này (Mt 5,10; Mc 6,29). Điều này chứng tỏ lời khuyên của Gioan chỉ nhằm làm nổi bật lòng thống hối chứ chưa phải lòng tin.
Những lời rao giảng của Gioan tẩy giả đã khơi dậy trong lòng mọi người sự mong chờ ơn cứu chuộc. Vì Gioan thuộc dòng tư tế, không phải gốc dòng dõi Đavit nên dân chúng thắc mắc, hồ nghi không biết ông có phải là Đấng Cứu Thế chăng? Để trả lời thắc mắc của dân chúng, Gioan đã xác định ông không phải là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang mong đợi; ông chỉ là người tiền hô mở đường cho Chúa Cứu Thế đến.
Để xác định vai trò của Đấng Cứu Thế, Gioan trình bày Đấng Cứu Thế không những là Đấng “Sẽ rửa các ngươi trong Thánh Thần và lửa” mà Người còn là quan án nữa. Vai trò quan án của Đấng Cứu Thế được Gioan trình bày dưới hình ảnh “Cầm nia trong tay mà sẩy lúa” để phân biệt thóc mẩy và thóc lép. Thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt: nói lên sự xét xử có tính cách quyết định vĩnh viễn. Gioan muốn gợi lên cho dân chúng phải có lập trường dứt khoát đối với Đấng Cứu Thế và phải thống hối để đón nhận Ngài.
Theo gương thánh Gioan tẩy giả, mỗi người chúng ta trước hết hãy có lòng khiêm nhường trước mặt tha nhân: nhìn nhận mình là; không ham chỗ danh vọng và trước mặt Thiên Chúa: luôn luôn nhận mình là thụ tạo để biết lệ thuộc vào Chúa, nhận mình là tội nhân để tỏ lòng thống hối, nhận mình là con để yêu mến Chúa.
“Tôi phải làm gì đây ?” Sống mùa vọng không phải chỉ là thụ động chờ đợi, mà phải tích cực làm một điều gì đó cụ thể. Điều cụ thể đó cũng phải có liên hệ tới cách sống hiện tại: thiếu sót chỗ nào thì phải sửa đổi chỗ đó. Thiếu sót của tôi có thể là: ích kỷ không chia sẻ, lỗi đức công bình, hà hiếp người khác …
Trên chuyến xe lửa hướng về Paris, một sinh viên ra vẻ khó chịu khi thấy một ông già luôn miệng lẩm bẩm và lần xâu chuỗi trên tay. Sự khó chịu hiện rõ trên khuôn mặt cậu ta, nhưng ông dường như không để ý đến người đối diện mà vẫn lim dim đôi mắt và lần hạt. Chàng sinh viên không thể chịu đựng hơn nữa liền lớn tiếng hỏi ông: sống trong một thế giới văn minh hiện đại như thế này mà ông còn tin vào sâu chuỗi này sao? Ông bình thản cười tươi cho qua chuyện. Chàng ta được nước liền ra vẻ hiểu biết và giảng giải cho ông nhiều phát minh khoa học, nhiều tiến bộ của thế giới khoa học kỹ thuật… Xe lửa dừng lại một ga dọc đường. Ông cúi đầu cám ơn chàng sinh viên nhiệt tình và chào tạm biệt. Trước khi xe lửa tiếp tục lăn bánh, ông không quên gửi cho cậu sinh viên tấm carvisis. Khi xe đã dần xa ông già, chàng sinh viên mới mở ra đọc, trong đó ghi: Paster viện trưởng viện hàn lâm Paris.
Hãy chia sẻ với anh em một cách chân thành và luôn nhận ra sự yếu kém của bản thân để chuyên cần rèn luyện và hoàn thiện mình. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.