Thánh Phaolô như nói thay cho mỗi người chúng ta rằng: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Việc phục vụ Lời Chúa đòi ta phải có một số thái độ tinh thần như: sự hợp nhất, tính trung thực, lòng khiêm nhường và đặt mình trong Chúa Thánh Thần. vì Người là sức mạnh và là điều kiện khả thi cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.
1. Sự hợp nhất các tín hữu
Trong bài đọc 1 sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy mọi sinh hoạt của cộng đoàn tín hữu thời sơ khai. Cộng đoàn tín hữu thể hiện niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh khi sống thành một cộng đoàn phụng vụ, một cộng đoàn bái ái, huynh đệ, đồng tình, hiệp thông trong phẩm trật, trong chia sẻ, trong của cải và trong Đức Kitô.
Các Tông đồ đã giảng dạy và giải thích Kinh Thánh cho những tín hữu đầu tiên dưới ánh sáng của Đức Kitô Phục sinh. Do tác động của Thánh Thần các tín hữu luôn đồng tâm nhất trí với nhau trong cầu nguyện: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 20,42).
Trong niềm tin, các tín hữu đã ý thức được mối tương quan giữa họ với cộng đoàn, để cố gắng xây dựng cộng đoàn trong tình hiệp thông huynh đệ trong tinh thần và vật chất: “Tất cả các tín hữu đều hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2, 44-45). Hằng ngày các tín hữu họp nhau tại tư gia để cùng nhau cử hành Bí tích Thánh Thể: “Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,46). Điều này rất quan trọng vì chỉ những ai tin vào Đức Giêsu mới cử hành lễ bẻ bánh. Trong niềm tin cộng đoàn đã không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời ca tụng, vì mỗi ngày cộng đoàn có thêm những người được cứu độ nhờ Đức Kitô lôi kéo: “Họ ca tụng Thiên Chúa, và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
2. Niềm tin của các môn đệ được củng cố
Đức Kitô sống lại đem bình an và niềm vui cho các môn đệ “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì đã được thấy Chúa” ( Ga 20,19).
Đức Kitô sống lại sai các môn đệ ra đi, “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Như thế, sứ mạng của các môn đệ phát xuất từ biến cố Phục sinh và trong một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giêsu bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha.
Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người để ban cho con người sự sống, thì nay Đức Kitô sống lại cũng thổi Thần Khí vào các môn đệ để ban cho các ông Thánh Thần của Người, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Các môn đệ nhận lãnh Thánh Thần của Người, để các ông ra đi thông truyền quyền năng sự sống của Thánh Thần cho những ai tin vào Người. Đó là công cuộc tạo thành mới do Đức Kitô thực hiện nhờ Thánh Thần trong và qua các môn đệ.
Tôma một người trong nhóm 12 đã không có mặt khi Đức Kitô hiện đến lần thứ nhất với các môn đệ trong phòng họp, những người có mặt ở đó đã nói với ông, “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Đây vừa là lời tuyên xưng đức tin vừa là lời làm chứng về Đức Kitô Phục sinh. Nhưng ông Tôma không chịu tin lời mọi người nói, ông chỉ tin khi nào mắt thấy, tai nghe và tay chạm vào Người: “Nếu tôi không thấy đấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).
Tám ngày sau cũng tại căn phòng đó, Tôma đã được nhìn thấy Đức Kitô hiện ra, Người đứng giữa các ông, với lời mời gọi yêu thương dành cho Tôma: “Người bảo ông Tôma: Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Ngay lập tức ông được biến đổi từ sự nghi nan sang ngời sáng niềm tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Chính cái đụng chạm của Tôma vào Đức Kitô Phục sinh đã một lần nữa niềm tin của các môn đệ được củng cố thêm.
Với lời chúc phúc của Đức Kitô Phục sinh “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29) dành cho chúng ta. Vậy chúng ta đã sống và làm chứng về Tin Mừng Phục sinh của Đức Kitô như thế nào?
3. Chứng nhân ngày nay
Chúng ta sống và làm chứng về Tin Mừng Phục sinh cho thế giới bằng một niềm tin “Chúng tôi đã thấy Chúa” như các môn đệ xưa kia: “Khi Đức Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,7)
Chứng nhân bằng lời ca tụng như trong bài đọc 2: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (1Pr 1,3).
Chứng nhân bằng niềm vui: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1Pr 1,6).
“Phúc cho ai không thấy mà tin”, như muốn dặn dò. Chúng ta muốn thấy điều mình tin hãy bắt đầu bằng cách tin điều mình không thấy. Và cũng có lời ước hẹn: Tin điều mình không thấy sẽ thấy diều mình tin. Mỗi người chúng ta hãy vững tin rằng chúng ta sẽ thấy điều mình tin, để chúng ta nói lên được rằng: “Tôi đã thấy Chúa” và “Chúng tôi đã thấy Chúa”.