Suy tư - Chia sẻ

Dư âm cõi thế

Cập nhật lúc 14:01 05/03/2020


Ngày xuân thưởng thức hai số báo Người Công giáo Việt Nam mừng lễ Chúa Giáng sinh 2019 và năm mới Canh Tý (2020), cả nhà tôi cảm thấy thú vị lắm. “Lời Phi lộ” mở đầu nhẹ nhàng, ngắn gọn, đi vào trọng tâm, gây ấn tượng: “Đón mừng Giáng sinh và Năm mới là dịp chúng ta được quy tụ bên gia đình, chia sẻ hơi ấm, tình thương, cùng chào đón Chúa Hài Đồng tới trần gian… Điều đó đã trở thành một nét văn hóa, cách riêng của người Kitô hữu” (số báo mừng Chúa Giáng sinh). “Một mùa xuân mới đến với bao điều mới lạ. Đất trời vào xuân làm cho mọi sự rộn ràng hơn, lòng người bâng khuâng, náo nức hơn. Với người Việt Nam, mùa xuân là mùa đoàn tụ, mùa mang lời chúc may lành, mùa mang tình thương Thiên Chúa trùm lên quê hương đất nước…” (số báo chào xuân Canh Tý). 
Nối tiếp “Lời phi lộ” là những trang báo gợi “Thiện tâm mà Chúa muốn”. Đức Giám mục GB Bùi Tuần bàn chuyện Đạo và Đời gắn bó: “Khắp nơi đang rộn ràng đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Tôi cũng bận rộn theo. Chính trong tình trạng đó, Đức Mẹ nhắn nhủ tôi một điều quan trọng: Các con đừng để ý đến việc đón mừng lễ Chúa Giáng sinh. Nhưng hãy để ý đến việc đón Chúa Giáng sinh vào tâm hồn mình. Thực vậy, Chúa Giêsu đến, không phải để được sống trong hang đá, nhưng là để được ở trong tâm hồn từng người. Ngài muốn vào lòng từng người để cứu họ. Chúa cứu họ theo cách của Ngài. Nghĩa là bằng sự khiêm hạ của Ngài, sự nghèo khó của Ngài, những đớn đau của Ngài, những tiếng khóc và nước mắt của Ngài, tình yêu của Ngài. Ngài muốn những kẻ đón Ngài cũng hãy chia sẻ sự khiêm hạ của Ngài, nhất là tình thương của Ngài”.
Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc bày tỏ “Dư âm cõi thế”: Tôi tự hỏi: Dư âm cõi thế có phải là “bình an dưới thế cho người thiện tâm” không nhỉ? Câu trả lời hiện lên rất nhanh: Đó là lời chúc của thiên thần trong đêm Giáng sinh, đâu phải dư âm của trần thế. Vậy trần thế có gì là của mình đây? Suy nghĩ miên man, tôi tìm Thánh nhạc Giáng sinh. Bài “Hang Belem” của Hải Linh và do chính thầy Hải Linh từng làm ca trưởng được phát lại trên mạng ngày 14/2/2012, khiến tôi chú ý. Bài hát chú trọng tới nội dung và là bài hát duy nhất trên mạng không có dàn nhạc hòa âm. Tôi chìm mình chiêm niệm theo lời bài hát để mường tượng trong một khung cảnh đã cách đây hơn 2000 năm: “Đêm đông lãnh lẽo/ Chúa sinh ra đời/ Chúa sinh ra đời, nằm trong máng lừa/ Trong hang Bêlem ánh sáng tỏa lan tưng bừng/ Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng”. Một tia sáng cũng vừa vụt tới trong tôi. Tôi bất giác vỡ òa trong niềm vui ơn thánh. Dư âm cõi thế đây rồi: “Đàn hát réo rắt tiếng hát xướng ca dư âm vang xa/ Đây Chúa Thiên tỏa Giáng sinh vì ta”. 
Linh mục Gioan Nguyễn Hưng để tâm vào truyền thống đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” trùng hợp với những điều Thiên Chúa dạy, đã bày tỏ trong bài “Kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ”: Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội Việt Nam chọn ngày mồng Hai Tết để kính thờ ông bà tổ tiên. Đây là sự suy tư chín mùi từ hai chữ Đạo Hiếu, là ơn Khôn Ngoan của Thánh Thần đã ban cho để chúng ta, những con cháu của các bậc anh hùng tiền nhân nhớ đến những công lao khó nhọc và ngay cả đến xương máu các ngài đổ ra để chúng ta được ngày hôm nay. “Uống nước nhớ nguồn”. Cội nguồn chúng ta là ở nơi Thiên Chúa và được trải dài nối tiếp nơi tổ tiên, tiền nhân, ông bà. Hôm nay, chúng ta đón mừng xuân mới trong hạnh phúc cũng là nhờ công lao của tổ tiên để lại. Chúng ta cùng nhau xin dâng một nén nhang, một lời cầu nguyện và một tấm lòng hoài niệm lên hương hồn của các thánh tử đạo Việt Nam, ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân, các bậc cha mẹ, những vị ân nhân… đã suốt đời vì đạo Chúa, đạo làm người mà trở nên gương mẫu cho con cháu noi theo trong việc gìn giữ đức tin của mình”. 
Sôi động biết bao không khí Giáng sinh và Tết Canh Tý bừng lên khắp mọi vùng đất nước. Nhà báo Phan Ngọc Thương miêu tả: Tây Nguyên bước vào mùa xuân trong cảnh vươn vai thức dậy. Dòng điện 500kV xuất hiện được nối tiếp từ Đắk Glei vươn sang Biển Hồ có làn nước trong vắt, đến Chư Sê với bạt ngàn cao su, tới Ban Mê Thuột trập trùng hoa trắng cà phê, rồi kéo dài mãi về phía nam. Mảnh đất “Hoàng triều cương thổ” hấp dẫn người dân từ đồng bằng kéo lên xây làng, lập phố, mở hội. Người nước ngoài đến đây du lịch và cả tìm cơ hội đầu tư, trải thêm thảm xanh cây trái…
Cộng tác viên Phạm Phương kể về Tết Canh Tý ở Mường Khương thuộc vùng cao Tây Bắc Tổ quốc đậm màu sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Nào hội Cúng rừng, lễ mừng Cơm mới, nào trò chơi dân gian ném pao, kéo co, đẩy gậy, nào múa khèn, múa sinh tiền, hát then, hát giao duyên… Thú vị biết bao là những phiên chợ Tết. Bà con 14 dân tộc trong huyện trang phục truyền thống, quây quần bên nhau, tạo nên bức tranh đa màu sắc sống động và quyên rũ. 
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An nêu bật mùa xuân Nam Bộ gắn với mùa trái cây: Ngắm nhìn “Mâm ngũ quả” trên bàn thờ Tiên tổ của bà con Sài Gòn nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung thật trân trọng và vui mắt. 5 loại qủa: dưa, đu đủ, mảng cầu, sung, xoài sum vầy bên nhau ngụ ý “cầu sung vừa đủ xài”. Người dân miền đất trù phú Nam Bộ quan niệm: Tết đến trong gia đình mà không có cặp dưa hấu đỏ thì thì bất thành Tết. Quả dưa tròn đầy, căng mọng tượng trưng cho no đủ, màu đỏ của dưa tượng trưng cho tài lộc, may mắn. Ngày đầu năm, mọi người hồi hộp bổ quả dưa hấu. Nhìn ruột dưa đỏ tươi, ăn miếng dưa ngọt thanh, ai ai cùng mừng vui, kỳ vọng công việc làm ăn cả năm vươn theo ý muốn…  
Tiến sĩ Phạm Huy Thông diễn tả niềm vui của giáo dân Thủ đô khá chi tiết: “Đi qua các xứ trên địa bàn Hà Nội dịp Tết Canh Tý, chúng tôi rất mừng là nhiều nơi có nhà thờ, nhà mục vụ mới. Giáo họ Văn Quán (Bắc Từ Liêm) chỉ 300 nhân danh mà đã xây được ngôi nhà thờ hơn 5 tỉ đồng và đang hoàn thành nhà mục vụ bằng kinh phí ấy. Giáo họ Chu Chàng (Ba Vì) cũng có nhà thờ mới khang trang. Đến thăm giáo xứ Cao Bộ của linh mục Giuse Nguyễn Đức Chỉnh (Thanh Oai), chúng tôi chiêm ngưỡng nhà thờ giáo xứ có kiến trúc khá bắt mắt với những pho tượng lớn trên mái theo kiểu châu Âu đang được hoàn thiện. Cha Chỉnh vui mừng nói: “Ngôi nhà thờ này, ai cũng nói phải trên chục tỷ đồng mới làm được. Thực ra chỉ mới hơn 500 triệu. Bởi chỉ đạo việc thiết kế và thi công do cha đảm nhiệm, mọi khâu công việc khác được giáo dân góp của, góp công. Lúc khởi sự việc xây dựng nhà thờ, ông Nguyễn Văn Cửu – Trưởng ban Tôn giáo thành phố Hà Nội đã mời trưởng các ban ngành cấp thành phố và cấp địa phương cùng nghe nguyện vọng của giáo dân. Do vậy, nhà thờ là công sức cả cộng đồng”. 
Chung nhịp vui trên các trang bài là các trang tin, được mạng lưới cộng tác viên có mặt khắp các tỉnh, thành gửi về tòa soan: Các Caritas Hà Nội, Hải phòng, Nam Đinh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… tổ chức đón mừng lễ Giáng sinh và Tết dân tộc trong niềm vui thương yêu, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, và cùng toàn dân dành nhiều thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. 
Góp phần tô đẹp cho các trang tin và bài là gần 200 bức ảnh minh họa về đức tin và phản ánh toàn diện mọi mặt cuộc sống của giáo dân trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cộng đồng các quốc gia trên thế giới: Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và chúc mừng Giáng sinh Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên và Tổng giáo phận Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm và chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Giám mục Cần Thơ, Khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niện 170 năm thành lập (1850-2020) tôn vinh Mẹ La Vang, Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn điểm du lịch nổi tiếng, Tu viện dòng Thánh Phaolô Sài Gòn dấu ấn kiến trúc ông Nguyễn Trường Tộ…
Trang thơ của cả hai số báo Giáng sinh và Tết Canh Tý gây nhiều cảm xúc xuân cho bạn đọc qua các bài: “Tết gọi xuân” của Cao Xuân Quế, “Mùa xuân hoa dã quỳ” của Nguyễn Trọng Đồng, “Hội làng của Bùi Vũ Liêm, “Xao xác… tiếng gà” của Nguyễn Việt Tiến, “Mùa thu bạn gái” của Phạm Hồ Thu, “Đêm Noen” của Bùi Vũ Liêm, “Vua tình yêu” của Bích An. Theo sắc hương mùa xuân, Dương Quang Minh có bài “Thắm xuân đời” kính tặng mọi người đang vươn lên trong mọi lĩnh vực, tạo sức xuân cho báo Người Công giáo Việt Nam: 
Tết đến tôi xin được gửi lời
Kính chúc Quý vị thắm xuân đời
Về hưu không để mình hiu hắt
Tài đức như xưa vẫn rạng ngời
Chúc các bạn trẻ thêm tiến tới
Học học hành công việc chẳng
hề vơi
Tinh hoa cuộc sống thu hái được
Hiến dâng việc Đạo lẫn việc Đời 
Chúc mọi gia đình thêm an khang
Đời như sách quý viết thêm trang
Việc nhà việc nước đôi vai gánh
Công tư trọn ven cả đôi đàng… 

MINH VÂN
Thông tin khác:
Vượt qua giọt đắng đầu năm (05/03/2020)
Quà tặng từ Thiên Chúa (18/02/2020)
Tuyên xưng đức tin dịp đầu năm (17/02/2020)
Lời chúc Tết (06/02/2020)
Kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ (30/01/2020)
Cầu nguyện cho năm mới (30/01/2020)
Lễ giao thừa (30/01/2020)
Đức thánh Giáo hoàng đến thăm tôi (07/01/2020)
Sự công chính hướng về Thiên Chúa (27/12/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log