Suy tư - Chia sẻ

Đức thánh Giáo hoàng đến thăm tôi

Cập nhật lúc 14:11 07/01/2020
Tôi không đến với ngài. Nhưng chính ngài đến với tôi.
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ảnh: TL
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ảnh: TL
1.
Thời gian này tôi rất mệt. Đau cả trong thân xác lẫn trong tâm hồn. Chính lúc xuống dốc trầm trọng như thế, tôi đã gặp Đức Gioan Phaolô II. Tôi không đến với ngài. Nhưng chính ngài đến với tôi.

2.
Ngài không làm cho tôi hết đau. Nhưng ngài cho tôi sức mạnh để chịu đau. Tôi xin chia sẻ điều đó một cách vắn tắt.
Mọi sức mạnh ngài cho tôi đều lớn. Tất cả đều thuộc lĩnh vực thiêng liêng.

3.
Trước hết là tinh thần cầu nguyện.
Vừa gặp ngài, tôi lập tức có cảm nghiệm ngài đang ở trong Chúa. “Như con ở trong Cha, và như Cha ở trong con. Xin cho họ cũng nên một trong chúng ta.” (Ga 17,33).
Ở trong Chúa tức là một cách cầu nguyện thân mật.
Đức thánh Giáo hoàng không khuyên tôi cầu nguyện. Ngài chỉ nêu gương. Tôi được lôi cuốn theo gương ngài.
Tôi kết hợp với Chúa. Chúa cho tôi nếm được phần nào sự bình an của Chúa.
Bình an của Chúa không cất đi khỏi tôi những đớn đau. Đau đớn vẫn còn, nhưng tôi được nâng đỡ nhờ cầu nguyện theo gợi ý của Đức thánh Giáo hoàng. Cảm nghiệm về cầu nguyện nơi tôi là rất mạnh.

4.
Cảm nghiệm thứ hai trong tôi khi gặp Đức thánh Giáo hoàng là tôi nếm được phần nào tình yêu thương và sự khiêm nhường của ngài.
Tình yêu thương và sự khiêm nhường toát ra từ Đức thánh Giáo hoàng một cách đơn giản hồn nhiên. Chỉ là nét mặt, chỉ là cái nhìn, chỉ là thái độ nghiêng mình, thế mà toả ra biết bao tình thương, biết bao khiêm nhường.

5.
Tình thương ấy và khiêm nhường đó không là những quyền lực, nhưng lại đi sâu vào hồn tôi, để biến đổi tôi đi theo Chúa Giêsu là “Đấng hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

6.
Tình thương và khiêm nhường của Chúa Giêsu trong tôi giúp tôi gần gũi và nhạy cảm với những khổ đau của những người khác. Tức là nhờ tình thương và khiêm nhường của Chúa trong tôi, tôi sẽ tránh được tính vô cảm là tính xấu rất ghê tởm đang phổ biến hiện nay.

7.
Những gì Đức thánh Giáo hoàng đang làm tại Long Xuyên cho tôi đang đau bệnh, cũng là những điều ngài đã làm tại Vatican xưa khi tôi tới đó thăm ngài.

8.
Thực vậy, lúc còn tại chức và khỏe mạnh, năm nào tôi cũng đi Vatican để được gặp Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

9. 
Được ở bên ngài, tôi cảm được thế nào là chiều kích tâm linh thực chất của Phúc âm. Đó là cầu nguyện, yêu thương, khiêm nhường và tỉnh thức.

10. 
Riêng về tỉnh thức, tôi nhận thấy Đức thánh Giáo hoàng rất quan tâm đến những dấu chỉ của thời đại. 
Ngài tỏ ra rất cảm thương những khổ đau của con người hôm nay. Chính ngài cũng khổ đau như mọi người và có thể hơn mọi người.

11.
Một lần nọ, tôi hỏi ngài: “Đức Thánh Cha có đau khổ không?” Ngài thưa: “Tôi đau khổ nhiều lắm. Nhưng tôi quen rồi.” Quen với đau khổ, tức là đau khổ thường xuyên, đau khổ như thân phận bình thường vốn đi kèm với sứ vụ của ngài. Có lúc ngài tâm sự với tôi về những đau khổ do nội bộ gây ra cho ngài.

12.
Ở bên ngài, tôi thấy ngài hay thở dài. Có lúc ngài buột miệng kêu bằng tiếng Đức: “Lạy Chúa tôi”. Chứng tỏ ngài đau đớn nhiều lắm. Đau thì kêu, đó là thái độ đơn sơ. Đơn sơ hơn nữa là thái độ của ngài đối với Đức Mẹ. Đức thánh Giáo hoàng rất sùng kính Đức Mẹ. Ngài tỏ ra vui mừng nhìn thấy tôi cũng rất đơn sơ phó thác mình cho Đức Mẹ.

13.
Mấy ngày nay, được Đức thánh Giáo hoàng đến thăm, tôi rất xúc động. Ngài đã lên trời, ở nơi cực lạc, mà ngài còn nhớ tới người con thiêng liêng của ngài dưới thế gian. Không những nhớ tới, mà còn tới thăm. Tuy thăm một cách thiêng liêng vô hình, nhưng rất thực, còn hơn là hữu hình.

14.
Ngài không nói gì với tôi. Nhưng ngài đã dạy tôi rất nhiều điều cao quí. Đây là một sự hiệp thông và hiệp nhất rất cần cho Hội Thánh Việt Nam lúc này.

15.
Ngài không nói gì với tôi. Nhưng ngài đã lôi cuốn tôi đi theo Đức Giêsu, sống khiêm nhường và bé nhỏ, một Đức Giêsu sống động, gần gũi, mà tôi luôn gắn bó như “cành nho với thân cây nho” (Ga 15,7).
 
ĐGM GB Bùi Tuần
Thông tin khác:
Sự công chính hướng về Thiên Chúa (27/12/2019)
Thiện tâm mà Chúa muốn (26/12/2019)
Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại (18/12/2019)
Để Chúa hiện diện trong cuộc đời ta (13/12/2019)
Cầu xin Chúa cứu (12/12/2019)
Tin vào Lời Chúa (11/12/2019)
Tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa (29/11/2019)
Đôi chút về xót thương và khiêm nhường (28/11/2019)
Đức Giêsu Kitô cứu chuộc đời ta (22/11/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log