“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Mc 10, 51). Ảnh: TL |
Theo trình thuật của Thánh Maccô thì anh Batimê không có ý định tìm Đức Giêsu và ước muốn được Người chữa lành mặc dầu anh đã ít nhiều nghe biết về quyền năng và tình thương của Đức Giêsu. Niềm tin và lòng khát khao của anh chỉ bừng lên khi anh nghe biết Đức Giêsu đi ngang qua.
“Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình” Một cái ngang qua tình cờ nhưng lại thay đổi một con người cả thể chất lẫn tinh thần. Từ nay, anh có thể vững vàng bước đi mà không phải lo sợ các chướng ngại vật sẽ làm anh té ngã như trước; từ nay anh có cơ hội làm môn đệ của Đức Kitô, làm một chứng nhân sống động về tình yêu của Thiên Chúa thay vì làm một kẻ ăn xin bên vệ đường, một kẻ bị xã hội loại trừ, bỏ rơi. Thực ra trong Tin Mừng có nhiều người đã ghi tên mình vào “Sổ Hằng Sống” nhờ cái ngang qua tình cờ của Đức Giêsu. Như ông Mátthêu (x. Mt 9,9), ông Dakêu (x. Lc 19,1-10) là những người thu thuế; hay các ngư phủ như: Phêrô, Gioan, Giacôbê và Anrê (x. Mt 4,18-23); rồi cả những người bị quỷ ám, những người tội lỗi... Còn mỗi người chúng ta? Chúng ta đã, đang và sẽ như thế nào sau mỗi lần gặp gỡ Đức Kitô? Phải chăng lòng chúng ta trào tràn hận thù và tâm trí toan tính nhiều chuyện xấu xa như những người kinh sư (Lc 19,47)? Hoặc chúng ta thấy phấn khởi và kinh ngạc như đám đông dân chúng nhất là khi họ chứng kiến những dấu lạ Người làm (Mt 15,31; Mc 1,27...). Đã có lần nào chúng ta trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn sau khi gặp Đức Kitô hay chưa? Hay chúng ta chưa một lần gặp Người, chưa một lần cảm nhận được sự hiện hữu của Người trong cuộc đời chúng ta? Những câu hỏi đó cật vấn mỗi người và chúng ta tự trả lời trong mối tương quan với Đức Giêsu.
“Gặp gỡ Đức Kitô, đón nhận ơn tái sinh” Với anh Batimê sau lần gặp gỡ tình cờ ấy cuộc đời của anh đã bước qua một trang mới. Bây giờ anh đã có một chỗ dựa mới, một chỗ dựa bảo đảm là Đức Kitô chứ không phải chiếc áo choàng rách nát mà anh đã ẩn mình mỗi đêm. Từ nay Lời của Đức Giêsu là niềm vui của anh chứ không phải những của bố thí mà anh nhận được mỗi ngày. Anh đã dứt khoát và cương quyết bỏ đi tất cả những gì mình có mà phiêu lưu cùng với Đức Kitô. Với anh, đây là một cuộc tái sinh thực sự. Một cuộc tái sinh không bởi tay con người nhưng bởi quyền năng Thiên Chúa. Cái gặp tình cờ nhưng mang lại cho anh một giá trị, một ý nghĩa và đặc biệt một niềm hy vọng mới. Ngồi bên vệ đường anh đã gặp quá nhiều người từ những con người thoáng qua cho tới những con người anh tỏ ra kính trọng vì thế giá của họ. Tất cả không mang lại cho anh niềm hy vọng thậm chí là nỗi đau xé lòng, vì ai cũng nghĩ anh bị Thiên Chúa giáng phạt, rồi còn bị hắt hủi và tách ra khỏi cộng đồng. Trong lúc tuyệt vọng cánh cửa hy vọng mở ra với anh qua việc gặp gỡ Đức Kitô, dù chỉ trong chốc lát. Dù ngắn ngủi nhưng từng đó đã thay đổi hoàn toàn con người của anh. Đức Giêsu là thế. Người đến để mở cửa hy vọng cho những ai tuyệt vọng.
“Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh” Anh theo Đức Giêsu như một tôi trung theo Vua của mình vì anh đã tuyên xưng rằng: Đức Giêsu là con Vua Đavít (Mc 10,47). Trong đám đông dân chúng, hỏi có mấy người theo Đức Giêsu vì lòng mến? Đám đông theo Người không phải vì miếng ăn (Ga 6, 26) thì cũng chỉ để giải trí khi chứng kiến những dấu lạ Người làm (x. Lc 10,13-16). Còn các môn đệ miệng thì nói bỏ mọi sự mà theo Người nhưng lòng lại toan tính đủ điều: nào là chức quyền danh vọng (Mc 10,37), nào là tiền bạc vật chất (Ga 12,6). Thế mà thật lạ lùng, dẫu Đức Giêsu biết rõ lòng dạ mỗi người nhưng Người lại không từ chối một ai muốn đến với Người ngay cả những kẻ muốn tìm cách hại Người. Vì sao?
Đức Giêsu xuống thế làm người để mạc khải cho nhân loại biết về tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa như một người Cha nên sẽ không muốn cho con cái mình phải diệt vong nhưng muốn nó bỏ đường tà để được sống. Vì thế mà sau khi đã sai biết bao sứ giả đến với nhân loại thì nay chính “Thiên Chúa Nhập Thế” để dẫn dắt dân về “Miền Đất Hứa”. Đức Giêsu không chỉ dùng Lời của mình mà dẫn dắt dân nhưng Người còn dùng cả việc làm, dùng những hành động yêu thương để cảm hóa dân nên Người đã không từ chối một ai nhưng ngược lại Người kiên nhẫn chờ đợi họ hoán cải nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Và phương pháp ấy của Ngài đã phát huy tác dụng vì khi Đức Giêsu chưa lên tiếng thì dân chúng như là những người vô cảm chỉ biết quát mắng, ngăn cản anh mù gặp Đức Giêsu. Nhưng khi Đức Giêsu gọi anh lại thì họ đã an ủi và khích lệ anh. Thật là một phép lạ vì không một lời nói nhưng một bài học đã được loan đi. Chỉ một hành động yêu thương mà Đức Giêsu đã làm tan chảy tấm lòng của đám đông. Đó cũng là một phương pháp hữu hiệu cho thời đại chúng ta. Trong thời đại hôm nay con người cần những chứng nhân hơn là thầy giảng.
Ước mong Lời Chúa của Chúa nhật này giúp mỗi người chúng ta biết quan tâm, biết đồng cảm với những anh chị em đang gặp khó khăn. Và biến chúng ta trở nên khí cụ tình yêu để giúp nhau tìm về bên Chúa chứ không phải là chướng ngại cho những ai đang tìm kiếm Người.