Trên đường đi Emmau, hai môn đệ bàn về cuộc khổ nạn của Chúa, còn ngược lại trên đường đến Caphácnaum, các tông đồ tranh luận về công danh, chia chác ghế ngồi trong Nước Chúa.
Các tông đồ có thể bắt đền Chúa Giêsu, vì Ngài có hứa các ông bỏ mọi sự theo Chúa, thì sẽ được ngự trên 12 tòa mà xét xử 12 chi tộc Israel (Mt 19,28), nên các ông mới hí hửng xem ai ở tòa nào. Các ông biết một mà không biết hai, vì không hiểu rằng phải gắn bó với Thầy giữa lúc gặp thử thách gian nan (Lc 22,28), phải uống chén đắng của Thầy trước đã (Mt 20,23), rồi mới được “đồng bàn ăn uống với Thầy và ngự tòa xét xử 12 chi tộc Israel” (Lc 22,30). Nói một cách nho nhã là “Tiên ưu, hậu lạc”, chứ không phải là “Ưu tiên, lạc hậu”.
Bắt chước Chúa Giêsu, một vị minh quân họp quần thần, đặt trên bàn một vương miện và một thanh kiếm. Nhà vua hỏi thái tử sẽ chọn món nào. Cậu mon men gần đến vương miện, thì vua cha chận lại, phán bảo: “Con hãy chọn thanh kiếm để chiến đấu, rồi kẻ thù sẽ đội triều thiên cho con!”.
Đúng là các tông đồ chưa thuộc lời dạy của Chúa, nên mới có chuyện đàn ngang cung. Cách ứng xử của Chúa làm chúng ta phải suy nghĩ vì ngài biết mọi ý nghĩ (Mt 9,4) và biết rõ mọi sự (Ga 21,17), nay trước cảnh vô cảm và vô tâm, thế mà “không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (Mt 12,19), nhưng bình tâm và tế nhị, không làm mất thể diện nơi công cộng, có gì sẽ phân giải sau. Còn chúng ta thì phản ứng nhanh, phải răn đe và đốp chát cho khiếp sợ, chứ không phải như “Chúa chậm bất bình và rất mực khoan nhân” (Tv 102,8). Ngài đã hạ mình xuống như người phàm để dạy chúng ta “Hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Để phá đổ cái kiểu ăn trên ngồi trốc, Chúa Giêsu dùng phép đảo ngữ khéo léo: “Người đứng đầu phải làm người rốt hết” (Mc 9,35) và làm sáng tỏ cung cách phục vụ “mọi người”, không phải chỉ phục vụ người giàu và người lớn, mà ưu tiên người nghèo và trẻ nhỏ. Service - phục vụ - xuất xứ chữ La tinh “Servus” là người đầy tớ. Đức Giáo Hoàng được mệnh danh là “Servus servorum Dei - Tôi tớ của các tôi tớ Chúa”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiêm tốn thực hiện đúng như thế, từ thủ đô Buenos Aires đến giáo đô Rome. Chữ “Tôi” của Việt Nam thật tuyệt, luôn trung dung và bình đẳng trong thế giới phẳng: không như là “Ta” ở đẳng cấp cao, cũng chẳng phải hạ thấp là “Con”. “Tôi” còn hàm nghĩa khiêm tốn như là tôi tớ, nhắc mình phải phục vụ anh em, mới thực sự mình vì mọi người, cũng chẳng mong mọi người vì mình. Hãy noi gương Chúa “Thầy ở giữa anh em như một người tôi tớ” (Lc 22,28).
Thánh Martinô, cựu võ quan Rome, đã xé áo choàng tặng một nửa cho người đói lạnh bên đường, không ngờ đã mặc áo cho chính Chúa. Thánh Christôphôrô, người khổng lồ chân dài (cao 2m30, theo truyền thuyết), đưa người qua sông sâu, không ngờ lại ẵm được hài nhi Giêsu. Thánh Têrêsa Calcutta và biết bao nhà hảo tâm đã giúp đỡ những người cùng khổ, “vì mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Một em bé ở giữa Chúa và các tông đồ như gợi nhớ có một hài nhi ngày nào tại Bêlem, Ai Cập, Nagiarét và Giêrusalem… đã được cha mẹ chăm sóc giữ gìn như thế nào, để các bậc cha mẹ tôn trọng và bảo vệ trẻ em. Những người nghèo khổ bị lãng quên và các trẻ em thuộc dạng thấp hèn “không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,21), thế mà được đón tiếp như chính Chúa, thì đối với bao người khác, chúng ta phải đối xử như thế nào. Mang danh Kitô hữu là người tin theo Chúa, chúng ta cần phải đồng hành trên con đường theo Chúa, để phục vụ và loan báo Tin Mừng.
Lm Giuse PHẠM BÁ LÃM, Chánh xứ Hòa Hưng - TGP TPHCM
(cgvdt)