Suy tư - Chia sẻ

Đức tin gieo trong tình yêu

Cập nhật lúc 16:27 07/07/2023
Chúa nhật XV, Thường niên, năm A; Bài đọc 1: Is 55, 10-11; Bài đọc 2: Rm 8,18- 23; Tin Mừng: Mt 13, 1-23
Xin ban cho chúng con trí hiểu biết, tâm cảm nghiệm về Lời của Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày.
Xin ban cho chúng con trí hiểu biết, tâm cảm nghiệm về Lời của Chúa và đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày.

Đức tin là một cái gì đó mà chúng ta phải tự hỏi, sống đức tin có cần phải thấy để tin hay không? Tại sao cần được vun đắp và xây dựng đức tin? Vì sao đức tin được ví như hạt giống được gieo vào nơi đất tốt? Và một khi hạt giống đức tin không có vun đắp thì sẽ như thế nào? Đó có phải là khi chúng ta biết chấp nhận mục nát như hạt giống, để sinh hoa kết quả? Vậy chúng ta hãy gieo đức tin vào trong tinh yêu như chính Đức Giêsu Người đã làm gương và sống trọn vẹn mầu nhiệm tự huỷ nơi Ngài “nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13, 8). Mầu nhiệm này bắt đầu bằng việc Nhập Thể và kéo dài trong suốt cuộc đời. Sự tự huỷ trước hết, là sự vâng phục hoàn toàn trước Thánh Ý Chúa Cha, “sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 11). Lời ở đây có thể hiểu theo ý nghĩa sâu xa hơn là Ngôi Lời. Chúa Giêsu là Lời phát xuất từ Thiên Chúa ngay từ khi tạo dựng trời đất và sẽ không trở về với Thiên Chúa cho tới khi hoàn tất việc cứu chuộc con người.
Tâm tình vâng phục đó; Đức Giêsu cũng tỏ lộ cách cụ thể qua lời Ngài thưa với Chúa Cha: giờ Con Người được tôn vinh “Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy” (Mt 13, 14). Vì lòng chai đá mà họ không tin vào tình yêu của Đức Kitô là Thiên Chúa Ngôi Hai mang ơn cứu độ xuống cho họ.
Mặc dù Đức Giêsu vâng lời luôn đặt ý Chúa Cha trên hết mọi sự, nhưng trong bản tính của một con người, đứng trước con đường thập giá và những cực hình tra tấn, Đức Giêsu cũng không khỏi sợ hãi. Ngài sợ hãi đến nổi mồ hôi lẫn máu chảy ra vì trước mắt, thập giá chính là một điều điên rồ đối với dân ngoại và là một cớ vấp phạm cho người Do thái’. Vì thế, khi biết sắp đến giờ Ngài xin Chúa Cha nếu được xin cất chén đắng này, và “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12, 27). Khi nghe được lời tâm sự tha thiết từ đáy lòng của Đức Giêsu, chúng ta thấy được rằng: sống vâng phục không phải là điều dễ dàng, cần phải có một đức tin tín thác vào Chúa. Sự vâng phục này đòi hỏi một sự cố gắng, kiên trì để vượt qua bản thân, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn Thiên Chúa gởi đến từng ngày trong cuộc sống, “muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy” (Rm 8, 20), hay nói một cách khác, cũng phải học để có thể sống vâng phục, “là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 21). Vì thế, chính nhờ tình yêu và sự vâng phục trọn vẹn, Đức Giêsu hoàn tất chương trình, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chúng ta.
Con người không phải đợi đến Ngày Phán Xét mới nhận được vinh quang cứu độ từ Thiên Chúa, họ đã cảm nghiệm được điều đó ngay từ đời này. Thánh Phaolô diễn tả thực tại này như sau: “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” Lãnh nhận Thánh Thần là xác nhận quyền làm con để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Ngài đã gieo vào lòng chúng ta những ân huệ của Thánh Thần để chúng ta có thể sống nhân đức như những người con của Thiên Chúa ngay từ đời này.
Đi con đường tự huỷ, Đức Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý: ‘Chết là con đường đưa tới sự sống’. Thật vậy, với kinh nghiệm thường ngày cho chúng ta thấy, để nhận ra. Mỗi khi chúng ta mở bàn tay cho đi là lúc chúng ta có thể nhận được tình yêu, và sẽ trở nên phong phú, trở nên chính con người thật của mình, “kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23). Còn nếu chúng ta cứ nắm bàn tay giữ cho chính mình, thì đồng thời cũng không thể đón nhận được bất cứ điều gì, “hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ được gieo bên vệ đường” (Mt 13, 19). Đức tin được gieo vào trong tình yêu cho đi, thì nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt. Còn ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Cảm nghiệm sâu sắc chân lý từ mầu nhiệm tình yêu của Đức Giêsu, thánh Phanxicô, trong lời kinh Hoà Bình, đã ca lên: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Với việc sống mầu nhiệm tình yêu nơi Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc Vượt Qua: vượt qua cái hữu hình để đạt đến cái vô hình, vượt qua cái chết để đến sự sống đời đời, đưa con người đạt đến mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa từ trong con tim yêu thương; “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống cho người đói có bánh ăn” (Is 55,10). Thực hiện cuộc vượt qua tình yêu này, Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm trọn vẹn điều mà ngôn sứ Giêrêmia đã báo trước: “Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Một đức tin biến tình yêu thành con đường cứu chuộc, trong một thế giới đầy biến động và biết bao cuộc vui làm cho chúng ta lầm đường lạc lối.
Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm tình yêu để đem lại ơn cứu độ, cứu cả nhân loại khỏi rơi vào con đường tội lỗi là sự chết. Đồng thời, Người đã liên kết đôi bên, dân DoThái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét cho chúng ta đi con đường tự huỷ, “ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (Ga 3, 36). Thế nhưng, trong thực tế, chúng ta thường chỉ nghĩ cho riêng mình mà quên đi người khác, “có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay vì đất không sâu” (Mt 13, 5). 
Giữa một thế giới như thế, chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Và để sống mầu nhiệm tự huỷ cách cụ thể, chúng ta phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv. 20, 35). Vì trong đời sống, nếu từng người luôn biết cho đi yêu thương, nghĩa là biết quên mình để nghĩ đến người anh chị em và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của nhau: thì dù cuộc sống vật chất có vất vả, khó khăn, nhưng tin rằng; chúng ta sẽ có niềm vui, hạnh phúc và bình an trong Chúa. Và cuối cùng, chúng ta sẽ được quý trọng như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai phụng sự Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12, 26).
Tu sĩ Gioan Baotixita Ngô Văn Đức
Thông tin khác:
Sống trong bình an của Chúa (07/07/2023)
Sống hiền hậu - Khiêm nhường (01/07/2023)
Hãy đến mà xem (01/07/2023)
Đón tiếp tha nhân như chính Chúa (26/06/2023)
Làm chứng cho Chúa bằng sự dịu dàng (26/06/2023)
Hãy tín thác vào Chúa (23/06/2023)
Đi vào cõi sau (23/06/2023)
Sứ mạng sai đi (14/06/2023)
"Thầy sẽ ở cùng các con..." (14/06/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log