Suy tư - Chia sẻ

Gặp gỡ Chúa Phục sinh

Cập nhật lúc 13:23 28/03/2024
Suy tư của Đức Giám mục GB. Bùi Tuần
Chính Đức Kitô đã củng cố niềm tin Phục Sinh cho các Tông đồ.
Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.
1.
Những ngày tháng này, hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy tình hình bất ổn, bất an đang diễn tiến xấu trong xã hội, trong Giáo hội, trong gia đình, và ngay trong các tâm hồn, trong đó có tôi.
Tình hình như thế là rất nguy hiểm. Lo sợ của tôi càng lúc càng tăng. Tôi cầu nguyện thiết tha với Chúa. Bằng nhiều cách, Chúa trả lời tôi là:
"Con hãy gặp gỡ Chúa Phục sinh".

2.
Tôi đi tìm Chúa Phục Sinh ở trong chính nội tâm tôi. Trong thinh lặng, tôi nghe được tiếng Chúa rất nhỏ nhẹ: "Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy" (Kh 3,20).
Đúng là phải rất thinh lặng, mới nghe được tiếng Chúa Phục sinh gõ cửa lòng mình.
Đúng là Chúa Phục sinh đã bước vào lòng tôi một cách rất nhẹ nhàng, thân mật.

3.
Lời đầu tiên Chúa Phục sinh nói với tôi là: "Bình an cho con. Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai con". Lời chào đó cũng chính là lời chào, mà Chúa Phục sinh đã nói với các môn đệ của Người, khi Người mới sống lại. (x.Ga 20,21).
Nghe được lời chào chúc: "Bình an cho con", do chính Chúa Phục sinh nói với tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc trào lên trong tôi.

4.
Nhìn Chúa Phục sinh, tôi thấy Người còn mang các dấu đanh ở tay chân, nhất là lỗ đâm ở trái tim, tôi hiểu Người đã yêu thương nhân loại đến thế nào. Chính Người, với tình yêu thương xót ấy, đang đem lại cho tôi sự cứu rỗi và bình an.

5.
Chúa ban tặng sự bình an vô cùng cao quý. Nhưng tôi phải biết đón nhận sự bình an đó.
Đón nhận thế nào? Tôi rất cần được biết rõ. Nên tôi xin Chúa thương dạy tôi. Chúa dạy tôi là hãy đón nhận bằng đức tin.

6.
Trước hết, hãy tin là Chúa Giêsu đã đem lại sự bình an cho nhân loại nhờ sự Người vâng lời Chúa Cha, mà yêu thương tự hạ đến mức sau cùng, như lời thánh Phaolô quả quyết:
"Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Người lại còn tự hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập giá" (Pl 2,6-8).

7.
Xét mình trước mặt Chúa, tôi thấy tôi thường tin lời thánh Phaolô trên đây một cách thuộc lòng. Chứ trong thực tế, tôi vẫn hay muốn tin khác. Nghĩa là tôi nhìn Chúa và Hội Thánh Chúa như những quyền lực: Quyền lực về của cải, về tổ chức, về chiến thắng. Để rồi tôi cũng muốn tỏ ra mình cũng là một thứ quyền lực nào đó. Thực tế xấu đó là rất phản lại niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã cứu tôi chỉ bằng tình yêu thương xót khiêm nhường tự hạ.

8.
Nhận thức về mình như thế, tôi nói với Chúa một lời rất chân thành này: "Đức tin của con thực sự non yếu lắm. Xin Chúa giúp con thêm lòng tin" (Lc 17,5).

9.
Chúa gọi tôi là "kẻ kém lòng tin", như xưa Người đã nhiều lần nói như thế với các môn đệ của Người (Mt 8,26).
Nghe Chúa bảo tôi là kẻ kém lòng tin, tôi rất cảm tạ Chúa, tôi hiểu Chúa không mắng tôi. Chúa thương tôi, nên nói lời đó, để khích lệ tôi là hãy xin Chúa thêm đức tin cho tôi.
Thực sự, chỉ Chúa mới ban đức tin cho tôi được.

10.
Với một chút lòng tin, mà Chúa ban, tôi thấy ứng nghiệm lời Chúa hứa xưa. "Đức tin cho dù bé như hạt cải, cũng sẽ được Chúa dùng để làm nên cây lớn" (Lc 17,5-10).
Thực sự, tôi đã thấy rất nhiều người bị chìm trong những cảnh thất vọng, tưởng như đã chết, nhưng đã được Chúa cho sống lại. Nhờ tin vào Chúa, cho dù niềm tin chỉ như hạt cải.
Chính tôi cũng đã nhiều lần chìm trong cảnh bi đát thê thảm, tưởng chừng đã chết, nhưng đã được Phục sinh cho sống lại cách lạ lùng, nhờ tin vào Chúa, cho dù niềm tin đó rất bé nhỏ, nhưng rất chân thành.

11.
Tin vào Chúa Phục sinh là thế nào? Tôi chỉ xin nói lên đôi chút theo kinh nghiệm của tôi.
Tôi tin vào Chúa Phục sinh là tôi tin sự cứu độ của Chúa Phục sinh hệ tại ở Người yêu thương, tự hạ. Nhờ vậy, Người làm cho tôi sống lại. Tôi cộng tác vào tình yêu thương tự hạ của Người, đó là một cách tôi đón nhận ơn cứu độ ban sự bình an của Người.

12.
Tôi tin vào Chúa Phục sinh là tôi tin chính Chúa mới là Đấng cứu độ, chứ không phải những công trình của Chúa.
Bởi vì, trên thực tế, tôi hay bị cám dỗ coi những công trình của Chúa sẽ cứu tôi và cứu nhân loại. Công trình của Chúa có thể là rất huy hoàng, oai phong, hoành tráng, linh đình, sang trọng. Nhiều khi tôi dốc hết sức mình vào những công trình đó, coi đó như những công trình có sức cứu độ. Nhưng Chúa Phục sinh dạy tôi là đừng bị lôi cuốn vào những ảo tưởng đó, nhưng hãy tập trung vào chính Chúa Phục sinh. Công trình của Chúa có thể cần một phần nào như một số điều kiện cho sự cứu rỗi, nhưng có lúc sẽ bị mất hết, tôi chỉ còn Chúa Phục sinh mới là Đấng cứu độ mà thôi.

13.
Những gì tôi vừa chia sẻ, đã được tôi cảm nghiệm từ lâu, nhưng nay đang được Chúa làm mới lại một cách đặc biệt. Lý do là vì tôi rất yếu đuối và tội lỗi. Tôi không ngại nói về mình lời thánh Phaolô xưa: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Tôi thật là kẻ khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi? Tạ ơn Chúa, chính nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 7,19-24).

14.
Chúa Giêsu Phục sinh đang cứu tôi. Người đang ban cho tôi niềm tin tràn đầy bình an.
Niềm tin mà Chúa ban cho tôi đúng là một kho tàng quý báu. Người ban cho tôi là kẻ yếu đuối hèn hạ khó nghèo tội lỗi. Xin hết lòng cảm tạ Chúa Phục sinh.
Thông tin khác:
Đấng bị đóng đinh đã sống lại (27/03/2024)
Cha khát (27/03/2024)
Đau khổ dẫn đến ơn cứu độ (20/03/2024)
Yêu thương và hy sinh (20/03/2024)
Đôi nét về Kinh cầu Thánh Giuse (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (07/03/2024)
Trở nên gánh nặng (07/03/2024)
Chết đi để nảy sinh sự sống mới (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (04/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log