Suy tư - Chia sẻ

Hãy loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Cập nhật lúc 10:56 18/04/2019
Phụng vụ Chúa nhật hôm nay, thánh sử Luca cho chúng ta cảm nghiệm một cách sâu xa lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa đối với con người.
Như người cha mong mỏi đứa con lạc lối trở về, Thiên Chúa cũng luôn quảng đại, rộng mở đối với từng người chúng ta, mỗi khi chúng ta phạm tội. Thật không sai khi thánh Gioan Tông đồ đã định nghĩa cho chúng ta biết: Thiên Chúa là Tình yêu. 

Chúa nhật IV Mùa Chay còn gọi là Chúa nhật hồng vì con người cảm nghiệm được tình yêu thương sâu xa, dạt dào của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Điều này khiến con người tin yêu, phó thác, can đảm dấn thân theo Chúa trong cuộc hành trình đức tin của mình đến đồi Canvê.

Lòng thương xót của Thiên Chúa tha thứ tất cả

Sách ngôn sứ Giôsuê thuật lại cho chúng ta niềm vui mừng của con cái Ixraen sau khi được vào đất hứa. Suốt 40 năm chạy trốn người Aicập, giờ đây dân đã được hoàn toàn tự do như lời Đức Chúa phán với ông Giôsuê: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Aicập” (Gs 5,9a). Cái ô nhục mà do sự bất tuân lệnh Đức Chúa của dân Ixraen. Hình phạt cho sự bất tuân đó là khiến họ phải làm nô lệ cho người Aicập. Giờ đây, Thiên Chúa đã phục hồi lại phẩm tính cho họ, cho họ được quyền tự do canh tác trên miền đất tràn trề sữa và mật.

Có thể thấy rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa không bỏ sót một ai, Ngài yêu thương hết tất cả mọi người. Như trong bài Tin Mừng hôm nay, người tội lỗi và người thu thuế, hai hạng người thường bị nhóm Pharisêu lên án. Trước những lời chỉ trích của nhóm Pharisêu về thái độ của Đức Giêsu đối với người tội lỗi, Đức Giêsu nhấn mạnh đến niềm hân hoan của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi; Người cũng mời gọi người Pharisêu chia sẻ niềm vui đó; biết mở rộng tâm hồn và niềm nở đón tiếp những người tội lỗi sám hối ăn năn. Thiên Chúa luôn muốn đón nhận người tội lỗi biết hoán cải ăn năn trở về.

Dụ ngôn người cha nhân hậu như một hình ảnh gần gũi nhất diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong đó, Chúa Giêsu đã mặc khải bản tính của Thiên Chúa như một Người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi nào thực hiện được việc tha thứ tội lỗi và chế ngự thái độ cự tuyệt bằng sự cảm thông và lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa chính là điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ. (Misericordae Vultus, số 9).

Trong dụ ngôn, người thanh niên trở về với những lý do không phải là cao thượng. Anh ta trở về vì một lý do đơn giản: anh ta đói. Tuy nhiên, dụ ngôn không tập trung ở việc hối cải của đứa con, mà ở tình thương của người cha. Người cha không đợi cho đứa con nói hết “bài phát biểu” mà anh ta đã chuẩn bị trước, nhưng đã cắt ngang lời anh bằng những hành động quảng đại và thứ tha: mặc cho cậu chiếc áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào ngón tay, đeo dép vào chân cậu. Chiếc nhẫn là biểu tượng của quyền bính; dép chỉ dành cho người tự do, nô lệ không được mang. Vậy mà, những thứ đó người cha đã chuẩn bị sẵn sàng cho cậu từ lúc nào.

Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót

Hình ảnh người cha nhân hậu như là một biểu tượng về chính Thiên Chúa. Tình thương vô điều kiện và lòng thương xót của Ngài được tỏ ra không những đối với người tội lỗi hoán cải mà cả đối với kẻ chỉ trích vì không hiểu biết và thiếu thông cảm. Thiên Chúa mời gọi mọi người hoan hỷ khi người tội lỗi trở lại. Bởi vì lời mời gọi này được Đức Giêsu truyền đạt, và chính Người đã đón tiếp những người tội lỗi. Nếu dụ ngôn nói với chúng ta về niềm vui của Thiên Chúa, thì lại chính là Đức Giêsu phác ra trong dụ ngôn đó cách thức hành động của chính Người. Có một sự đồng hóa ngầm giữa hành vi của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu chính là Đấng đã diễn tả niềm vui và lòng thương xót của Thiên Chúa ra cho loài người.

Trong thời đại ngày nay, trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa của Giáo hội, lòng thương xót thực sự cần thiết trong việc canh tân các hoạt động mục vụ. Rao giảng Tin Mừng không gì khác là sống và làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Mọi lời nói, cử chỉ của chúng ta cần phải thông truyền lòng thương xót. Như thế, Tin Mừng mới có thể đến với trái tim con người và giúp họ gặp được đường dẫn về Chúa Cha.

GB Nguyễn Duy
Thông tin khác:
Tôi được Chúa an ủi (10/04/2019)
Lời kêu gọi hoán cải (04/04/2019)
Tôi được Chúa thương ban cho những tấm lòng (03/04/2019)
Hãy biến đổi để trở nên giống Chúa (26/03/2019)
Tôi được Chúa yêu thương (22/03/2019)
Phấn đầu theo gương Chúa (20/03/2019)
Tâm sự của một Giám mục hưu (19/03/2019)
Kho tàng tốt từ Thiên Chúa (13/03/2019)
Chút tâm tình trước Đức Mẹ (12/03/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log