Hãy sám hối hoán cải tâm lòng. Ảnh: CTV |
Chúa Giêsu mời gọi hoán cải là bước ra khỏi tội lỗi, can đảm chống lại những khuynh hướng xấu của bản thân và sống theo những đòi hỏi của Tin mừng. Mùa Chay là thời gian điều chỉnh, lập lại trật tự nội tâm và nghiêm túc khám phá những giá trị làm cho con người thăng tiến. Cần phải xác tín, lên đường không chần chừ với tất cả nổ lực để hoán cải, canh tân cuộc sống.
Thiên Chúa đã thấy cảnh khốn khổ của dân Ngài trên đất Ai Cập. Sau khi tỏ mình cho ông Môsê trên núi Sinai, Thiên Chúa trao phó cho ông sứ mạng giải phóng Itraen khỏi kiếp nô lệ Ai Cập và dẫn đưa về miền Đất Hứa. Với mỗi người Kitô hữu, hình ảnh bụi gai bốc cháy gợi lên trong cuộc sống mỗi người niềm tin tưởng và hi vọng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Ngài ở cùng chúng ta, Ngài giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, biến chúng ta trở nên người tự do đích thực.
Hoán cải, một cái nhìn mới về thực tại nhân sinh. Trước những biến cố đau thương của người khác, người ta dễ bị cám dỗ giải thích một cách thiếu bác ái. Như trường hợp những người bị Philatô giết chết, thì mọi người dễ dàng quy kết do bởi họ có tội nên bị án phạt như thế; hay trường hợp của anh mù bẩm sinh được Chúa Giêsu chữa sáng mắt cũng vậy, người ta cho rằng đó là hậu quả tội lỗi của anh hoặc của cha mẹ anh. Là người Kitô hữu, khi giải thích một điều gì thì cần phải biết theo lời dạy của Chúa Giêsu: biết dựa vào biến cố xảy ra để mà hoán cải không ngừng. “Đừng tưởng những người đó tội lỗi hơn các người khác. Không phải thế đâu. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải thì tất cả cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”. Quả vậy, nhìn người mà ngẫm đến ta, người ta bị như thế, tôi không bị phải chăng là hồng ân Chúa dành cho tôi? Người ta bị như thế có ý nghĩa gì và nhất là mang lại bài học gì cho tôi? Để rồi chấp nhận rằng tôi chẳng tốt lành hơn ai, chính tôi phải hoán cải, phải thay đổi nếu không thì còn tệ hơn ai hết. Như thế, hoán cải giúp mở ra một cái nhìn mới về những thực tại nhân sinh để thông cảm hơn, quảng đại hơn với tha nhân và nghiêm khắc sửa đổi bản thân mình hơn.
Hoán cải, một cái nhìn của hi vọng. Sau lời mời gọi phải hoán cải, Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn về cây vả không sinh trái, ông chủ muốn chặt đi nhưng người tá điền xin cho thời gian để chăm sóc tốt hơn, hi vọng hoa trái. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài luôn yêu thương mở rộng cửa để đón nhận mọi người quay trở về với Ngài; vấn đề là con người có đáp trả tình yêu thương của Thiên Chúa hay không để mà sám hối, quay trở về. Thiên Chúa không kết án, Thiên Chúa chỉ mời gọi hoán cải, nên hoán cải là một niềm hy vọng. Vì nhờ hoán cải, con người được sống và sống tốt hơn trong tình yêu Thiên Chúa. Hoán cải không chỉ đau buồn hối tiếc vì tội lỗi của mình, nhưng còn là một niềm hy vọng được sống, được làm lại cuộc đời. Hoán cải là một cái nhìn của hy vọng.
Hoán cải, một cái nhìn thăng tiến. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô đã khuyến cáo đừng ỷ lại, đừng tự phụ hãy ý tứ kẻo sa ngã. Lời nhắc nhở của thánh tông đồ hàm ý nhắc nhở phải nhận ra sự yếu đuối, mỏng giòn của bản thân để nổ lực cậy trông, bám vào ơn Chúa mà tiến tới. Và từ đó cũng giúp hiểu thêm một cách nhìn mới về sự hoán cải. Thánh nhân khuyên nhủ đừng chiều theo dục vọng, đừng than trách mà bị diệt vong, nhưng hãy biến đổi. Không chiều theo dục vọng để tâm hồn thanh thoát vươn lên theo đường lối và thánh ý Chúa, nghĩa là phải sống một đời sống mới trong đời sống ân sủng của Thiên Chúa. Từ bỏ hay không chiều theo tính xác thịt để sống đời sống mới trong Đức Kitô, đó chính là hoán cải, là đổi đời. Như thế, hoán cải là một sự thăng tiến đời sống.
Thánh Phaolô cảnh tỉnh những người tự mãn, tự phụ cho rằng mình có sức mạnh không thể sa ngã trước những cám dỗ. Gợi nhớ lại những bất trung của dân Do Thái và không đếm xỉa đến sự tốt lành của Thiên Chúa, Thánh Phaolô cho thấy cần phải thận trọng trong cuộc sống, đừng ỷ lại, đừng tự phụ. Người Kitô hữu ngày nay, cần phải biết nhận ra sự yếu đuối của mình để đặt niềm tin vào Thiên Chúa, vào ân sủng của các bí tích và tránh xa sự tự mãn, chỉ biết cậy dựa vào sức mạnh cá nhân.