Chúa bắt đầu nói với chúng ta về chính Người qua bài sách Dacaria. Để chúng ta noi theo vào gương sáng của Người, Người khuyên nhủ chúng ta đi vào đường lối Người đã đi. Và nếu chúng ta chấp nhận, Người sẽ ban Thần Linh của Người đến giúp đỡ.
Khuôn mặt của Chúa
Nhiều ngôn sứ đã được sai đến nói với loài người về Thiên Chúa. Ðặc biệt trong những giai đoạn bi thảm của lịch sử Dân Chúa. Dần dần người ta đã biết chờ mong một vị Thiên sai cứu thế. Người sẽ cứu Dân như đã làm trong lịch sử, đặc biệt khi đưa Dân ra khỏi Aicập. Hơn nữa, lần cứu độ này sẽ có tầm mức rộng lớn. Chúa sẽ thi hành Lời hứa với tổ phụ Abraham và đưa mọi dân tộc vào hạnh phúc vô tận của dòng dõi được tuyển chọn.
Vào thời đó, người ta tin Chúa sẽ đến cứu họ, nhưng Người sẽ cứu với cánh tay mạnh mẽ của Ðấng uy hùng. Người sẽ đến như Ðấng công chính, hay nói đúng hơn, với tư cách của Vị đến để xét xử công minh, phân biệt dứt khoát người lành-kẻ dữ. Người cũng sẽ đến như Ðấng cứu độ của Thiên Chúa.
Nhưng Dacaria có vẻ đã bắt đầu đi xa quan niệm của người ta và đi ngược với suy nghĩ của họ khi mô tả thêm: Cứu Chúa sẽ là Ðấng khó nghèo và sẽ đến ngồi trên lưng lừa, một con lừa con. Ai chấp nhận được những lời như thế? Thế mà Dacaria lại tuyên bố Cứu Chúa là con người nghèo khó, cưỡi lừa chứ không ngồi trên lưng ngựa, mà lại là “một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9).
Ông đã nói thêm: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Epraim và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân” (Dcr 9,10). Ðó là những lời thật thích hợp về Chúa cứu dân. Mọi ngôn sứ đều loan báo và mọi người đều tin tưởng. Ðấng Thiên sai cứu thế sẽ hủy bỏ chiến tranh và “Người sẽ thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”.
Trong Tin Mừng Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu bảo ta hãy đến học với Người để trở nên như Người là Ðấng có lòng hiền từ và khiêm nhường.
Ðón nhận Chúa
Không phải Dacaria đã không chuẩn bị tâm hồn người nghe đón nhận mạc khải của ông. Trước khi tuyên bố Ðấng đem hòa bình đến cho muôn dân không cỡi ngựa trận nhưng ngồi trên lưng lừa con, ông đã muốn tạo bầu khí vui mừng khi viết: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò!”.
Trước khi kêu gọi chúng ta đến trường học hiền từ và khiêm nhu trong lòng, Chúa Giêsu đã ngước mắt lên trời cầu nguyện. Và Người cho người ta thấy ở trước mắt Thiên Chúa không có những hạng thông thái và khôn ngoan kiểu thế gian, nhưng chỉ có những người bé mọn. Hoàng đế Nabucôđônôsor tổ chức cỗ tiệc linh đình với quần thần và những người tài trong nước. Nhưng không một ai đọc được mấy chữ mà một ngón tay vừa viết ra ở trên tường. Những khối óc nổi tiếng thông thái nhất cũng tái mét mặt đi không biết đọc làm sao. Thế mà một cậu thiếu niên, tên là Ðaniel đã đứng ra đọc vanh vách, rồi giải nghĩa phân minh. Quả thật, Thiên Chúa đã ban trí tuệ cho những kẻ khiêm nhường và bé mọn hiểu các mầu nhiệm của Người.
Chúa Giêsu đã ý thức rõ điều ấy, Người chắc chắn rằng chỉ những người đơn sơ bé mọn mới được Chúa Cha mạc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Thế nên, trước khi kêu gọi chúng ta đến với Người để học biết Người, và nhận biết Người đến giải cứu chúng ta khỏi các gánh nặng tội lỗi, Người đã muốn tạo một bầu khí cầu nguyện và đạo đức trong chúng ta. Người là như Dacaria khi muốn mạc khải con người đích thực của Cứu Chúa.
Qua đó, để chúng ta nhận biết rằng; phải sống trong bầu khí phụng vụ, phải ở trong cộng đoàn cầu nguyện, phải hiệp nhất với Hội Thánh mới có thể đón nhận và hiểu được Thiên Chúa với đường lối cứu thế của Người. Không ra khỏi não trạng của thế gian, xác thịt, sẽ không sẵn sàng đón nhận mạc khải của Chúa; và sẽ khó chấp nhận đường lối khó nghèo của Phúc Âm để được an thái trong tâm hồn.
Vậy làm thế nào để có tinh thần đơn sơ bé mọn? Bài thư Phaolô đã trả lời cho chúng ta.
Hãy sống theo thần khí
Chúng ta hết thảy đều mang những vất vả, những gánh nặng nề. Xác thịt đè nặng trong các ham muốn của tính dục. Nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần chúng ta. Và sức mạnh của con người cũ không chịu buông tha để chúng ta đi theo Chúa. Dùng tiếng của thánh Phaolô trong bài thư hôm nay, chúng ta dường như còn mắc nợ xác thịt, nghĩa là còn sống theo nó nhiều quá. Và như vậy, chúng ta còn sống xa Thiên Chúa, chưa đi vào đường lối khó nghèo Người vạch ra và còn cảm thấy nặng nề chưa được giải thoát.
Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Người. Người muốn cất gánh nặng đó đi cho chúng ta. Ðúng hơn Người muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác nhẹ nhàng thoải mái đến nỗi sẽ phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Người nói: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn”.
Thế nên, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy sống theo Thánh Thần. Nếu có Thánh Thần ở trong mình thì tuy thân xác còn vất vả ở đời này vì tội lỗi, tâm hồn cũng đã được sinh động và hân hoan nhờ sự sống của Thần Khí. Và như Thần Khí đã khiến Ðức Kitô phục sinh thế nào, thì Người cũng làm cho chúng ta được phục hồi mạnh sức khi thân xác còn vất vả vì thân phận tội lỗi.
Chúng ta có thể nói lên kinh nghiệm về những lần có dồi dào tình mến ở trong lòng thì mọi vất vả bề ngoài trở nên nhẹ nhõm. Chúng ta hãy từ đó suy niêm lời của thánh Phaolô và sẽ hiểu Lời Chúa khi kêu gọi chúng ta nhận lấy ách của Người để được nghỉ ngơi trong tâm hồn.