Nhiều lúc chúng ta đang ngủ mê trong một thế giới ảo, một thế giới ưa chuộng hình thức, một thế giới bóng tối thì nhiều ánh sáng thì ít, mà quên mất điều cần thiết nhất và cao quí nhất của con người, đó là ánh sáng, là phần rỗi của linh hồn. Vì vậy bước vào Mùa Vọng chính là thời gian chuẩn bị; chuẩn bị cho ngày Chúa đến, không hẳn Chúa đến trong ngày lễ Giáng sinh mà còn chuẩn bị cho ngày Chúa đến lần thứ hai vào ngày cánh chung. Mang hai ý nghĩa như vậy, bước vào Mùa Vọng Lời Chúa mời gọi con người phải canh thức. Canh thức hay tỉnh thức chính là tâm trạng của người Kitô hữu, nghĩa là chuẩn bị tâm hồn thật trong sáng để đón chờ ngày Chúa đến. Mặc dù Mùa Vọng chỉ gồm 4 tuần để chuẩn bị cho ngày đại lễ Giáng sinh. Thế nhưng với cái nhìn bao quát thì điều cần thiết là làm sao để đảm bảo cho phần rỗi, để khi kết thúc sự sống dương thế, thì những gì nhờ việc canh thức hay chuẩn bị mà ta làm lúc còn sống sẽ mang lại giá trị cao quí cho phần rỗi của linh hồn. Tuy nhiên cho dù cuộc sống có nhiều biến loạn, nhiều xáo trộn, và phức tạp đến đâu cũng phải giữ cho được phần rỗi của mình. Quả thế, việc lắng nghe và sống Lời Chúa để cho tâm hồn được trong sạch, tránh xa được các dịp tội cũng như nguy cơ của tội lỗi có thể đánh mất phần rỗi của linh hồn, đây là việc làm cụ thể nhất trong Mùa Vọng này.
LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Bài đọc 1 trích sách Isaia dân Chúa đã đi sai lạc với đường lối của Thiên Chúa, lòng dạ trở nên chai đá chẳng còn biết kính sợ Thiên Chúa nữa: “Tất cả chúng con đã trở nên người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ. Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi”. Dân Chúa tưởng chừng trốn tránh Thiên Chúa và tránh xa lề luật của Người, họ sẽ được sống tự do hơn, hạnh phúc hơn, ai ngờ lại nhận một kết cục đau thương hơn. Khi họ không còn cậy trông vào Thiên Chúa lại chính là lúc họ nhận thất bại, cho dù họ làm được nhiều việc lành, thì cũng chỉ là tựa chiếc áo dơ. Tuy nhiên họ đã biết nhìn nhận những lỗi lầm của mình, họ nài xin Thiên Chúa đừng bỏ rơi, và họ kêu cầu Thiên Chúa mau đến giải thoát họ khỏi mọi tà thần, mọi nhơ uế, cũng như những tội ác mà họ gây ra. Trên hành trình đức tin đôi lúc Thiên Chúa bỏ mặc họ, là để cho họ có được kinh nghiệm về Thiên Chúa và đường lối của Ngài, bởi vì tư tưởng và hành động của con người thì quá giới hạn trong khi đó tư tưởng và quyền năng của Thiên Chúa quá cao sâu, con người không tài nào thấu suốt.
Bài đọc 2 trích thư Côrintô, thánh Phaolô diễn tả và cảm tạ quyền năng Thiên Chúa vì ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho dân thành Côrintô: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, được lắng nghe lời Chúa và hiểu biết các mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô”. Thánh Phaolô cảm tạ Thiên Chúa về những ân huệ mà Người đã ban cho dân Chúa, là những người biết tin thờ Thiên Chúa, và thánh Phaolô còn khuyến khích dân Chúa là hãy giữ vững đức tin cho tới ngày Đức Giêsu tái hiện.
Bài Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã xuống thế làm người, rao truyền và mặc khải về một Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Thiên Chúa đã đáp ứng lời kêu cầu của con người, như trong bài đọc 1. Tuy nhiên, Ngài không thể nào thay đổi cuộc sống được cho con người, nếu như con người không đón nhận Ngài. Vì yêu thương nhân loại Con Thiên Chúa đã hy sinh chính mình để cứu độ con người, nhưng Ngài không thể làm gì nếu không có lòng tin, không có lòng mến, nên Ngài kêu gọi mọi người phải tỉnh thức: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. Ngày nào giờ nào Đức Giêsu không biết, bởi đó là thuộc quyền năng của Chúa Cha, điều mà Đức Giêsu có thể biết chắc chắn là ngày giờ đó sẽ đến, và đến bất cứ lúc nào: “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến, lúc chập tối hay lúc nửa đêm,…Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ông chủ đến bất thần”.
SỐNG LỜI CHÚA
Lắng nghe và sống lời Chúa là hai nhịp của hơi thở, để chuyển giao sự sống cho con người. Hơn nữa Lời Chúa chính là ánh sáng, chính là con đường giúp cho con người tìm ra được ý nghĩa và cùng đích của đời sống. Lời Chúa mời gọi trong Mùa Vọng giống như tia lửa lóe lên một cách khiêm tốn để cho mọi người nhận ra giá trị giáo huấn của Lời Chúa qua việc tỉnh thức, và chỉ có những ai có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn mới nhận ra được giá trị cao quí của lời Chúa dạy. Tỉnh thức là việc làm hết sức cần thiết, vì nó đòi hỏi sự kiên trì, chờ đợi không chỉ một thời điểm, cũng không chỉ có trong Mùa Vọng mà là việc làm thường xuyên suốt cả đời. Qua Lời Chúa con người có thể khám phá và thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa cách sâu đậm, vững chắc và thiết lập được với tha nhân một mối tương quan anh em, đó là giới răn của Chúa rao truyền, là giao ước của Chúa đã ký kết bằng sự hy sinh của Con Thiên Chúa nhập thế.
Như vậy sống và gắn bó với Lời Chúa sẽ giúp cho con người sống đúng với thánh ý Thiên Chúa, qua Lời Chúa con người sẽ được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, sống đúng với lời Chúa dạy là đang sống trong tình trạng thức tỉnh, hay thức tỉnh là đang sống đúng với Lời Chúa để đón chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Hy vọng rằng Mùa Vọng tuy ngắn nhưng là khoảng thời gian đặc biệt với mỗi người, mỗi gia đình sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì mà Ngài đã thương ban, cũng như cầu xin Ngài ban ơn giúp sức giữ vững đức tin trước những biến cố nguy hiểm của thế gian, và kiên trì sống tâm trạng tỉnh thức và chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Chúa đến trong ngày lễ Giáng sinh, cũng như vào ngày tận thế.
Giuse Nguyễn Tiến Thế