Ngài là Vua Tình thương tha thứ, Vua Hy sinh chịu chết cứu độ con. |
Chúa nhật XXXIV là Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Vua tình yêu, và đồng thời cũng là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Mẹ Giáo hội hướng chúng ta về ngày chung cuộc của con người và toàn thể vũ trụ. Đó chính là ngày tận thế, ngày mà trời với đất giao hòa với nhau. Bởi Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu, Vua tình yêu. Trong ngày đó, mỗi người sẽ phải đối diện với cuộc phán xét chung do chính Vua Giêsu làm Thẩm Phán.
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Mathêu cho chúng ta thấy quang cảnh của ngày phán xét chung đó. Đức Giêsu sẽ ngự đến trong vinh quang và chung quanh Người có các Thiên thần hầu cận. Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái: chiên là những người lành thì được thưởng trên Thiên đàng, còn dê là kẻ dữ sẽ bị phạt xuống Hỏa ngục.
Bài đọc I sách ngôn sứ Edêkien diễn tả vị vua như một mục tử. Đây là hình ảnh rất quen thuộc trong xã hội Do Thái thời xưa. Vị vua này có đủ các đức tính của một mục tử, luôn ân cần săn sóc đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Hình ảnh người mục tử trong ngôn sứ Edêkien sẽ được tràn đầy ý nghĩa qua cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá. Người đã chấp nhận chết để nhân loại được sống. Người rảo khắp xứ Palestin để chữa lành con người tổn thương do tội lỗi và do bệnh tật thể xác cũng như tinh thần gây nên, bởi vì tình yêu. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã quy tụ muôn dân, làm cho nhân loại trở thành gia đình của Thiên Chúa. Người đã phá bỏ bức tường ngăn cách giữa dân ngoại và dân Do Thái, làm cho thế giới này trở thành vương quốc của tình huynh đệ.
Quả thật, Thiên Chúa
“xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người, và xét xử muôn dân theo lẽ công bình” (Tv 96, 13 và Tv 98, 9).
Thực sự, Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và chịu chết để cứu độ nhân loại, thế nên Ngài có quyền phân xử, nhưng hoàn toàn công minh chính trực. Bấy giờ Thiên Vương Giêsu nói với những người ở bên phải:
“Nào những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho quý vị ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 34-37).
Chính vì vậy, khi nghe Vua Kitô nói vậy, họ ngạc nhiên vì họ chưa hề thấy Chúa gặp hoạn nạn mà giúp đỡ, nhưng Chúa Giêsu xác định: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta (Mt 25, 41). Thật lạ lùng quá chừng! Tương tự, Đức Vua nói với những người ở bên trái những điều như đã nói với những người bên phải, chỉ khác chữ không (Mt 25, 42-44). Và họ cũng ngạc nhiên và phân bua, nhưng Ngài nói thẳng:
“Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta” (Mt 25, 46). Hết lý lẽ để biện minh, họ đành lủi thủi ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Đó là công bình: Tốt được thưởng, xấu bị phạt.
Vì thế, mà chính Đức Vua không thiên vị ai, không thể lấy cớ mình là “ông này” hay “bà nọ” để được ưu tiên. Có lẽ chúng ta nghe nhiều và nhàm tai, rồi cứ tưởng Chúa vui tính, thích đùa dai. Số phận thành Sôđôma và Gômôra bị thiêu rụi đã quá hiển nhiên, rồi hằng năm có nhiều vụ “thiên tai” nhưng người ta vẫn “bình chân như vại,” thích những “sự lạ” chứ không muốn hiểu “triệu chứng” của một căn bệnh trầm kha bất trị. Thiên tai hay nhân tai? Việt Nam cũng không loại trừ. Người ta cứng lòng, tự mãn, vô cảm, dửng dưng hay giả mù sa mưa?
Thực sự, không hề dễ để có thể nhận ra Chúa nơi người khác, nhưng đó là điều Chúa Giêsu đề cao: Mỗi lần chúng ta giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ, thiện cảm, vui cười, nói dễ nghe, cư xử tốt, cầu nguyện cho người khác, đó là chúng ta làm cho chính Thiên Chúa. Người khác là tha nhân, là bất kỳ ai, dù không quen biết, thậm chí là kẻ thù. Thật tuyệt vời với cách suy luận của đại văn hào Victor Hugo:
“Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vậy.” Lời Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu biết nhận ra Chúa là Vua của chúng con ngay ở đời này qua những người nghèo, người đau khổ bệnh tật. Bài đọc II, trích thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, trong đó thánh Phaolô gợi lên vương quyền của Chúa Kitô. Thiên Chúa đã quy phục mọi sự cho Ngài. Vào ngày chung cuộc, Chúa Con sẽ hoàn lại cho Cha Ngài thế giới mà Ngài đã vĩnh viễn tiêu diệt quyền lực của Sự Ác và Tử Thần. Chúng ta chỉ còn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Kitô, sống trung thành với Người như những tôi tớ, can trường trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến, để một ngày kia, chúng ta có thể nghe Vua Kitô nói với chúng ta rằng:
“Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ” (Mt 25, 34). Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, là Vua trên hết các vua, Chúa các chúa, Vua của hoàn vũ. Xin cho đời chúng con đã được cứu thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh, và không ngớt dành lời ca ngợi chúc tụng, luôn làm theo ý Vua hoàn vũ với cả tình yêu, nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân.