Suy tư - Chia sẻ

Lên đường để rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa

Cập nhật lúc 10:48 07/07/2015
Niềm tin được loan truyền giữa lòng nhân loại luôn luôn có Đức Kitô hiện diện. Không phải là một Đức Kitô của quan toà chỉ biết xét xử hay là một Đức Kitô giầu sang phú quý của những người giầu có…
   Nhưng là một Đức Kitô sống động nơi những chứng nhân trung thành của Chúa. Các chứng nhân không phải do họ chọn cho mình một sứ mạng để phục vụ nhưng là chính Chúa đã chọn các ngài. Như ngôn sứ Amos trong bài đọc một, Đức Chúa đã nói với ông: “Hãy đi tuyên sấm cho Ixraen dân ta” (Am 7, 15), như Tông đồ Phaolô trong bài đọc hai “trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1, 4). Họ đã được chọn: "Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con" (Ga 15,16). Vì họ là những người đi rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa chứ không phải sứ điệp của họ. Và sứ mệnh của họ là Tin Mừng hóa thế gian, dù lúc thuận tiện hay bất thuận tiện, dù phải lưu đày hay phải chết.
Sau khi về thăm quê hương là Nazaret và bị chối từ (Mc 6, 1-6), Chúa Giêsu bỏ đó mà đi truyền giáo khắp các miền chung quanh. Việc truyền giáo đó luôn có sự cộng tác của các Tông đồ, cũng gọi là Nhóm Mười Hai, khi mà việc huấn luyện lý thuyết, cộng với việc chứng kiến các phép lạ mà Chúa đã làm thì cũng đã tạm đủ để cho các Tông đồ đi thực tập, Chúa Giêsu đã để các ông, từng hai người một, ra đi rao giảng Lời Chúa, gần như chính Chúa Giêsu, và khác với bảy mươi hai môn đệ mà “Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10, 1). Các Tông đồ thì được Chúa “ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật” (Lc 9, 1). Một khi đã được trang bị kỹ càng như thế, các Tông đồ lên đường như người được sai đi với tấm lòng thanh thoát và bình an. Ta hãy nghe và hiểu Lời Chúa căn dặn các ông và cũng là nhắn nhủ chúng ta, những người được sai đi vào giữa lòng đời hôm nay.
Với lệnh truyền lên đường, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ không được mang bánh, bao bị, tiền bạc cũng không được mặc hai áo. Các ông đã lên đường với lời mời gọi phải khẩn trương, vì thời gian thật cấp bách, phải nhẹ nhàng, vì phương tiện chính là phương tiện của Chúa. Nếu người môn đệ bận bịu với những của cải, tâm hồn lo lắng cho đầy đủ phương tiện như ý muốn của mình, thì thật khó mà bước lên đường để thực thi sứ vụ truyền giáo! Có bao giờ, chúng ta cảm nghiệm được tính cấp bách và khẩn trương như thế hay không? Để từ bỏ một cách dứt khoát trong việc dấn thân, để khẩn trương hối cải, để chinh phục thế gian ngay trong cõi lòng của mình thì việc từ bỏ mọi ràng buộc, dù là xích vàng hay bạc để tiến tới một mục đích cao cả hơn.
Việc Chúa Giêsu sai từng hai người một là để họ có những lời chứng xác thực điều mà họ rao giảng về một cộng đoàn huynh đệ và yêu thương. Đó là người ta cứ nhìn vào những chứng nhân sống động này mà nhận biết họ là những môn đệ của Chúa. Điều này cũng là để cho họ nâng đỡ nhau trong đời sống chứng nhân. Người Tông đồ mà không được nâng đỡ hay không tìm sự nâng đỡ thì sẽ cằn cỗi trong việc sinh hoa kết quả Lời Chúa.
Đức Kitô Giêsu đã ban cho các Tông đồ quyền trừ quỷ. Bởi lẽ, quỷ luôn chia rẽ giữa con người với nhau, giữa con người với Thiên Chúa. Người môn đệ theo Đức Kitô mà không đem lại sự hiệp nhất và bình an cho mình và cho tha nhân thì chưa xứng đáng là một chứng nhân như lòng Chúa mong ước.
Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng, con đường làm Tông đồ không phải chỉ có một lối đi duy nhất, nhưng có rất nhiều con đường để chúng ta làm chứng cho Chúa như: Tông đồ bằng những hy sinh thầm lặng như những hạt lúa chịu chôn vùi và chịu thối nát trong lòng đất để sinh ra thật nhiều những hạt khác cho đời; Tông đồ bằng việc ở với Chúa và thân thương với Ngài như hai môn đệ trên đường Emmau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Lc 24, 32); Tông đồ bằng việc đồng cảm với những người thiếu may mắn như nâng đỡ những người lâm cảnh khốn cùng, an ủi những người buồn sầu; Tông đồ có thể là bằng bữa ăn như Chúa Giêsu đã ăn ở nhà ông Simon, Giakêu là một người thu thuế và Chúa đã ban ơn cứu độ cho họ “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19, 9); làm Tông đồ bằng việc chịu đau khổ để cầu nguyện cho các linh hồn như khi Chúa Giêsu đã hấp hối trên Thập giá, Ngài đã cầu nguyện "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23, 34), như Mẹ Maria đã chịu đau khổ khi đứng dưới chân Thánh giá Chúa và Tông đồ như Phaolô đã làm đó là ngài gửi thư cho các cộng đoàn để khuyên nhủ và cũng cố đức tin cho các tín hữu…
Lời Chúa đã chỉ thị cho các Tông đồ khi xưa chắc hẳn vẫn là lời nhắn nhủ, có khi còn cảnh giác và cảnh báo các Tông đồ ngày nay dù không thể chỉ hiểu theo nghĩa đen với những từ bỏ của cải để sống thanh thoát, nhẹ nhàng, tự do để phục vụ Tin Mừng; Thiên Chúa đã tiên liệu để cho có người đón tiếp và Ngài cũng không nỡ từ chối những nhu cầu tối thiểu và cần thiết: một sự nâng đỡ để rồi “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4, 6); một người bạn đồng nghiệp để chia sẽ, cộng tác… Để rồi chúng ta có thể từ bỏ tất cả để có Chúa làm gia nghiệp (Tv 16). Nhưng Lời Chúa còn nói với tất cả các tin hữu, những chứng nhân của Chúa giữa lòng đời, những người cũng đã được sai đi vì tham dự vào chức tiên tri của Chúa Giêsu: Can đảm sống cuộc sống chứng nhân với những thiếu thốn về những trang bị cho cuộc sống: Phải nghèo túng, không quyền thế, ít ưu tiên, bị chối từ… chỉ là đồ đệ của Chúa Giêsu, được sai đến trần gian này.
Tu sĩ Giuse Trần Phương Minh
 
Thông tin khác:
Thánh lễ tạ ơn, kỉ niệm 60 năm thụ phong linh mục MỘT CHÚT TÂM SỰ VỀ ĐỜI LINH MỤC CỦA TÔI (06/07/2015)
Đừng khước từ cơ hội (30/06/2015)
Bài chia sẻ trong thánh lễ Mừng kính thánh Gioan Baotixita (23/06/2015)
Ơn cứu độ được ban trong Đức Giêsu Kitô (23/06/2015)
Giới thiệu nước thiên Chúa (10/06/2015)
Giao ước tình yêu (02/06/2015)
Niềm vui Phục sinh (03/04/2015)
Nguồn gốc tháng thánh Giuse (20/03/2015)
Đức Giêsu là đền thờ đích thực của Thiên Chúa (06/03/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log