Mỗi người được trở nên là Đền thờ của Thiên Chúa nhờ việc thông phần với Đức Kitô, chính Ngài là Đền thờ đích thực của Chúa Cha.
Người ta thường tìm đến với Thiên Chúa nơi Đền thờ vì nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ nơi Đền thờ Thiên Chúa mới hiện diện mà quên mất chính thân thể mình là Đền thờ sống động của Thiên Chúa. Mỗi người được trở nên là Đền thờ của Thiên Chúa nhờ việc thông phần với Đức Kitô, chính Ngài là Đền thờ đích thực của Chúa Cha. Lời Chúa của các bài đọc hôm nay dẫn chúng ta tới việc xây dựng Đền thờ mà Đức Giêsu đã nói tới là chính thân thể Ngài; tức là xây dựng cuộc sống rập theo cuộc sống của Ngài. Chỉ được xây dựng trên khuôn mẫu của Đức Giêsu, chúng ta mới thực sự trở thành Đền thờ của Thiên Chúa.
I. ĐỨC KITÔ CHÍNH LÀ “LỀ LUẬT”
Lề luật và Đền thờ là hai yếu tố tồn hữu song song với nhau tạo nên đất nước Do thái. Đối với người Do thái mất hai yếu tố trên đồng nghĩa với mất nước, vì thế dù đất nước có bị chiếm đóng họ vẫn cố giữ Lề luật và Đền thờ. Vì Lề luật như con đường dẫn tới Thiên Chúa, còn Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự. Bài đọc 1 cho ta thấy tầm quan trọng của Lề luật. Trong những ngày đầu lập quốc, chính Thiên Chúa đã ban Lề luật cho dân qua Môsê, để những ai tuân giữ thì được sống. Luật mà Thiên Chúa ban không nhắm tới chính trị nhưng hướng con người tới lòng trung thành với Thiên Chúa và mối tương quan với con người với nhau. Đây là hai giới răn được đúc kết từ thập điều đã được khắc trong bia đá. Lòng trung thành mà Thiên Chúa muốn dân phải thực hiện chính là “ngươi không có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như ở dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất để mà thờ, vì Ta, Đức Chúa của ngươi” (bài đọc 1).
Quan niệm của người Do thái về Thiên Chúa là Đấng công minh. Một Thiên Chúa công bằng theo nghĩa con người, nghĩa là luận phạt những ai bất tuân và dành phần thưởng cho những ai trung thành; và tác giả sách Xuất Hành vẫn còn “hơi hám” về một Thiên Chúa như thế: “Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của ta, thì Ta trọn tình nhân nghĩa đến ngàn đời”.
Đức Giêsu đến Ngài “hủy bỏ” Luật cũ để thiết lập Luật mới. Thiên Chúa mà Đức Giêsu loan báo không phải là một Thiên Chúa sẵn sàng trừng phạt những ai bất tuân nhưng là một Thiên Chúa giàu lòng nhân ái, sẵn sàng thứ tha cho những ai biết ăn năn trở về. Luật mới không phải là thứ luật được ghi chép qua những trang sách nữa nhưng chính Ngài là Luật mới của Thiên Chúa, và những ai sống theo Luật mới, nghĩa là sống như lời Ngài truyền dạy thì được Thiên Chúa chúc phúc. Luật mà Đức Giêsu mang lại không dài dòng nhưng được tóm lại qua hai điều: MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI. Đức Giêsu không chỉ là Luật của Thiên Chúa mà còn là ĐỀN THỜ của Thiên Chúa nữa.
II. ĐỨC KITÔ CHÍNH LÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
Đối với người Do thái, Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự cách trực tiếp, đặc biệt là nơi cực thánh của Đền thờ. Còn Đền thờ là còn sự che chở của Thiên Chúa. Chính vì thế sau khi trở về từ lưu đày điều phải làm đầu tiên là tái thiết lại đền thờ. Đền thờ không chỉ là biểu tượng mà là sự sống còn của đất nước. Vì vậy, ai xúc phạm Lề luật và Đền thờ kẻ ấy phải chết. Vì lẽ đó mà Đức Giêsu đã bị giết chết khi “xúc phạm” tới Lề luật và Đền thờ theo quan niệm của những nhà cầm quyền Do thái.
Thế nhưng đền thờ giờ đây cách nào đó trở thành nơi kinh doanh. Đức Giêsu trong thân phận của một Người Con, Ngài không thể chấp nhận cảnh tượng buôn bán, thậm chí đổi chác tiền bạc trong khung cảnh tôn nghiêm nên đã sẵn sàng lật đổ tất cả. Ngài xử lý với mỗi hạng người tùy theo tính cách của họ. Người đuổi bò, chiên bằng roi. Người đổ tung tiền để chỉ cho những người đổi bạc biết rằng, đầu cơ tiền bạc là “sai phạm” trong nhà Thiên Chúa. Ngài thanh tẩy ngôi nhà vật chất như là biểu tượng của việc thanh tẩy thiêng liêng. Đức Giêsu bày tỏ thái độ của Thiên Chúa đối với những kẻ cản trở người khác thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật. Từ đây bắt đầu một cuộc đối đầu mới giữa Đức Giêsu và những người cầm quyền Do thái, để rồi Đức Giêsu khẳng định chính Ngài là Đền thờ đích thực của Thiên Chúa: “các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (bài Tin Mừng).
Bốn tác giả đều đề cập tới việc phá hủy Đền thờ dưới những hình thức khác nhau (xem Mt 24,2; 27, 40; Mc 13,2; 15,29; Lc 21,6). Rõ ràng Đức Giêsu đang báo trước chính sự Phục sinh của Ngài. Ngài khẳng định với tất cả uy quyền của chính Thiên Chúa rằng Ngài có quyền đối với sự Phục sinh của chính Ngài. Thánh Gioan quả quyết không những đền thờ sụp đổ vì Đức Giêsu đã đến, mà Ngài còn chính là Đền thờ mới; Đền thờ duy nhất làm cho sự hiện hữu cứu độ của Thiên Chúa hiện diện giữa loài người. Việc họ phá hủy đền thờ là thân thể Ngài chính là việc đóng đinh Ngài vào Thập giá, thì một biến cố mới xuất hiện; đó là việc Đức Giêsu sống lại, Đền thờ giờ đây chính là Đức Kitô Phục sinh. Cho nên chính Đức Kitô sống lại mới thực sự là Đền thờ chứ không phải là đền thờ trước kia. Giờ đây chính Đức Kitô sống lại mới là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, Đền thờ mới để qui tụ cộng đoàn, vì Đấng ấy là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa” (bài đọc 2).
Vì vậy, người tín hữu được mời gọi xây dựng đền thờ thân thể mình mỗi ngày qua việc lắng nghe Lời Chúa và bắt chước Đức Giêsu để xứng đáng là Đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Chỉ xây dựng trên nền móng của Đấng Phục sinh, Đền thờ đó mới “trong sạch” không tỳ vết. Muốn xây dựng Đền thờ đích thực, Đền thờ mới thì cần phải phá đi Đền thờ cũ vốn đạ được xây trên những đam mê trần thế với các “ngẫu tượng”; phải chết đi con người cũ với các tội lội, và sẽ xây dựng lại ngôi Đền thờ mới giữa lòng ta. Đó là con đường duy nhất để mỗi người đến với Thiên Chúa cách hữu hiệu trong Mùa Chay thánh này.
JB Nguyễn Cường