Đó là ngôn ngữ mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Tình yêu thương con người làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn cũng như giúp mỗi người dễ cảm nhận được sự an vui, hạnh phúc. Bởi thế, trong cuộc sống tình yêu thương giữ vai trò không thể thiếu trong mọi mối tương quan. Thế nhưng, tình yêu cũng có lắm thách đố dẫn đến sự vơi cạn của tình yêu, thậm chí giết chết đi lòng yêu thương sẵn có nơi con người. Và thách đố lớn nhất đó chính là lòng hận thù, là trạng thái đối lập hoàn toàn với tình yêu thương. Nó làm cho tình yêu không thể tồn tại và khiến trái tim những ai mang nó trở nên đóng băng nguội lạnh, thiếu tình thương nhưng lại dư sự thù hận. Nếu ví vẻ đẹp của tình yêu là thiên thần, là sự thân thiện, bác ái thì hận thù chính là hình ảnh quỷ dữ với sự xấu xa, độc ác.
Trong bài đọc 1, sách Samuel quyển thứ nhất cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược giữa lòng thù hận của vua Saun và tấm lòng vị tha của Đavít. Đối với vua Saun, chỉ vì lòng ghen tị Đavít khi được mọi người tung hô mà lòng ông đã nuôi dưỡng ý định trả thù. Một vị vua được Thiên Chúa tuyển chọn xức dầu tấn phong thì nay lại để cho thần dữ chiếm hữu lòng mình. Vua đã tìm cách tiêu diệt Đa vít những dịp thuận tiện nhưng vẫn chưa thực hiện được. Dù Đavít đã bỏ thành vào trốn trong sa mạc nhưng vua vẫn huy động “ba ngàn quân tinh nhuệ của Ixraen để tìm bắt ông”. Lòng thù hận đã làm cho vua trở thành một kẻ xấu xa trước mặt Thiên Chúa và chính Người đã can thiệp nộp vua cho Đavít. Với những hành động thù hận của vua đến với mình, Đavít hoàn toàn toàn có lí do giết vua để không còn bận tâm lo lắng sẽ bị tìm giết. Thế nhưng, đối lập hoàn hoàn với lòng thù hận của vua Saun, ông đã tỏ thái độ bao dung khi ngăn không cho Avisai ra tay hại vua. Ông nói với Avisai: “Đừng giết vua! Vì có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu”. Chính lòng vị tha ấy của Đavít đã làm cho vua Saun nhận ra tội lỗi của mình, để rồi vua xóa bỏ thù hận mà dành tình yêu thương cho ông.
Có thể hành động tha thứ của Đavít cho chúng ta nhận thấy tình yêu và lòng tha thứ ở đây vẫn còn ranh giới. Nhưng đến với bài Tin Mừng, Đức Giê su đã đưa tình yêu lên một nấc cao hơn. Yêu thương không chỉ sẻ chia với những người thân cận, những người thương yêu mình nhưng còn là “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”. Huấn lệnh của Đức Giêsu đã vượt qua mọi giới hạn trong tình yêu. Đối với con người, yêu đôi khi còn là sự tính toán thiệt hơn, yêu còn đòi hỏi điều kiện, sự chọn lựa và nhất là không thể cho đi với những kẻ hại mình. Còn với Đức Giêsu, yêu thương là vô điều kiện, không phân biệt người tốt hay kẻ thù. Quả thực, đây là giới luật xem ra nghịch với quan niệm, suy nghĩ của con người. Thật khó để có thể chấp nhận một điều xem ra nghịch lý như thế. Theo lẽ tự nhiên, con người thường dễ dàng dành tình cảm cho những ai quý mến mình, những ai ủng hộ mình, còn đối với những ai chống đối thì chỉ có sự báo oán, trả thù theo kiểu“đời có vay có trả”.
Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn con người phải vượt qua ranh giới ấy để đi đến với những thù địch bằng tình yêu và lòng vị tha chân thành. Tất nhiên, đó là một hành động đòi hỏi một ý chí mạnh mẽ, cần một tấm lòng quảng đại và sự hy sinh chấp nhận sự thua thiệt về mình thì mới thực hiện được.
Đức Giêsu không chỉ giảng dạy bằng lời nói nhưng còn bằng chính việc làm của mình để biểu lộ tình yêu vô hạn đến với con người. Ngài là Thiên Chúa chẳng phạm tội gì nhưng lại sẵn sàng chấp nhận để người ta vu khống, chế nhạo, sỉ nhục, đánh đập mà không một lời oán trách. Ngay cả khi phải chịu đóng đinh trên Thập giá, trong giây phút thập tử Ngài đã nài xin Chúa Cha “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đức Giêsu đã làm chứng về tình yêu vô cùng, đưa tình yêu vượt trên mọi hiểu biết và mọi giới hạn. Ngài yêu thương hết thảy mọi người dù là kẻ phản bội, tội lỗi nhưng biết quay về thống hối, ăn năn. Người trộm lành xưa trên Thập giá đã được Ngài đón vào Nước Trời sau khi anh ta đã nhận ra tội lỗi và thật lòng thống hối. Nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà nhân loại đã được cứu chuộc khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Và tình yêu ấy đã chiến thắng sự chết, xóa bỏ hận thù, nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa.
Tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa cũng muốn con người phải thực hành tình yêu như Ngài “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 9-17). Sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy yêu thương và tha thứ không ngừng. Có sống yêu thương, chúng ta sẽ nhận ra mọi người là anh em của nhau và chúng ta mới cùng nhau xây dựng được hòa bình. Vì chúng ta mang hình ảnh Thiên Chúa nên chúng ta không thể nào không có tấm lòng nhân ái, tha thứ đến với người khác “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Không những là hình ảnh Thiên Chúa, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn Côrintô còn nói thêm “Chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến”. Đó là cơ sở để chúng ta quyết tâm để nên giống Chúa hơn qua việc từ bỏ cái tôi ích kỷ và sống yêu thương nhau hơn. Và “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem an hòa vào nơi tranh chấp” (Phanxicô). Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Chúa, là anh em của Ngài và là con cùng một Cha trên trời.