Bởi vì, trong Kinh Lạy Cha cũng gồm tóm hai ý nghĩa căn bản là “MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI”. Đây là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã truyền dạy cho các Tông đồ và cho cả chúng ta nữa. Chúng ta biết rằng: Cầu nguyện là nâng lòng trí lên cùng Chúa, mà thờ lạy, cảm tạ, xin Người tha thứ những tội lỗi và ban cho ta những ơn lành hồn xác. Qua đó, cầu nguyện không đơn thuần là cầu xin, hay nói cách khác, cầu xin là một phần của cầu nguyện. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện với tâm tình tôn vinh: Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha; Và cầu nguyện cho các nhu cầu của con người: Lương thực, hòa giải, cảnh giác và giải cứu. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng vào Chúa và tha thiết cầu nguyện.
Bài đọc I (St 18.20-32) là một minh họa đầy đủ và ý nghĩa nhất. Khi tội lỗi tràn ngập xứ Xơđôm và Gômôra, Ápraham đã van nài Chúa, thậm chí mặc cả với Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Xơđôm nữa nếu như tìm thấy mười người công chính, Ápraham đã tìm thấy tột đỉnh của lòng thương xót Chúa là tha thứ. Sự kiên trì của Tổ phụ Ápraham nài nỉ Thiên Chúa và Thiên Chúa đã nhận lời ông. Lời cầu xin của ông Ápraham có nhiều điểm đáng để ta bắt chước, ông không cầu xin cho bản thân mình, mà cho người khác, những người không phải là bà con hay bạn bè thân thích gì của ông. Ông không cầu xin cho những người đạo đức công chính, mà xin cho những người tội lỗi. Ông đã nại vào lòng thương xót của Chúa và vào “uy tín” của một số người công chính. Còn chúng ta, chúng ta có dám xin, dám tìm, dám gõ với một sự nhẫn nại kiên trì và tin tưởng vào lòng thương xót vô biên của Chúa?
Bài đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta biết qua thư Côlôxê (Cl 2, 12-14), Đấng Cứu Thế sẽ là Hy lễ trường cửu và duy nhất để đền bù tội lỗi chúng ta. Nhờ Người chúng ta được “xóa nợ” trần gian. Thật vậy, khi chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa là chúng ta “mắc nợ”. Món nợ ân tình rất lớn đối với Thiên Chúa. Vì, chúng ta không tự mình sinh ra, không tự mình có sự sống, không tự mình duy trì và hiện hữu trên trần gian mà là nhờ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa là Đấng tạo thành và cứu chuộc. Vậy, chúng ta luôn mắc nợ Thiên Chúa và mắc nợ tha nhân, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Hôm nay, Chúa sẽ dạy chúng ta cầu nguyện qua Tin Mừng thánh Luca (11,1-13) để chúng ta biết tôn vinh, chúc tụng và cảm mến tri ân Thiên Chúa là Cha toàn năng và bền tâm tỉnh thức cầu nguyện luôn.
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết, nhưng chính đau khổ lại là một mầu nhiệm, chỉ có tin mới đến được mầu nhiệm ấy và đón nhận nó trong bình an. Đức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ, nhưng Ngài đã mang lấy đau khổ vào thân, trên Thập giá Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa, và thấy sự vắng mặt của Người: “Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài lại bỏ tôi?” (Mc 15.34). Cũng như ta, trong cuộc sống Ngài có những lúc bước đi trong bóng tối của lòng tin, dù bị thử thách nhưng vẫn một lòng tín thác: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha!”. Thiên Chúa là Đấng toàn năng và yêu thương nhưng Ngài không hành động giống điều ta nghĩ, Ngài không đưa Đức Giêsu xuống khỏi cây thập giá, nhưng đã đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ, điều này có lẽ khó hơn nhiều.
Bạn hãy cứ cầu xin nhưng hãy để cho Ngài định liệu và Ngài biết điều gì tốt hơn cho bạn trong hoàn cảnh này ở đây và bây giờ. Cần cầu nguyện nhiều, cầu nguyện liên lỉ bạn mới biết điều mà bạn phải xin, vì những điều ta xin còn nhiều cặn bẩn. Lắm khi chúng ta xin “rắn” mà không hay, cũng có khi ta tưởng Chúa ban cho ta “bò cạp”. Cần có đức tin mới nhận ra rằng: Chúa đã nhận lời mình rồi, nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn. Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy mọi biến cố trong đời là quà tặng yêu thương từ nơi Thiên Chúa.
Lạy Cha! con xin tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con nhận được nhiều hơn những gì con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Con thường đau khổ vì những gì Cha không ban cho con và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng. Tạ ơn Cha vì những điều Cha cương quyết không ban, bởi lẽ điều đó có hại cho con, hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn, xin cho con vững tin vào tình yêu Cha, dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho cuộc đời con. Amen!