Suy tư - Chia sẻ

Hãy ra đi và làm như thế

Cập nhật lúc 13:07 17/07/2019
Trong ngày 11/2/1984, thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã ban hành một tông thư mang tựa đề: “Ý nghĩa đau khổ của người theo Kitô giáo”, để toàn thể Giáo hội suy tư trong năm thánh. Ngài nhắc lại dụ ngôn “Người Samaritanô nhân hậu”, tông thư này không phải để gửi các bệnh nhân, không phải để gửi tới những người đau khổ và cũng không phải gửi tới những người không có địa vị trong xã hội, mà là gửi tới tất cả mọi người. Trong cuộc sống đau khổ còn rất nhiều ngay trước mắt của chúng ta, ngay bên đường đi, nhiều khi vì không muốn phiền phức nên biết bao lần chúng ta đã làm lơ bỏ qua. Sự dửng dưng này trong những nét đặc trưng, là một trong những truyền thống xấu của thời đại hôm nay.

Vì vậy, bài đọc thứ nhất trích sách Đệ nhị luật, Thiên Chúa phán với dân Ixraen qua ông Môsê rằng: “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ” ( Đnl 30, 10). Thiên Chúa như một người Cha luôn chờ đợi, trông ngóng những người con trở về để được Ngài yêu thương, chăm sóc, ấp ủ, chở che. Thiên Chúa không xua đuổi, không than van trách móc con người, nhưng với một tấm lòng bao dung; Ngài luôn mong mỏi, chờ đợi con người trở về để được hưởng sự sống đời đời. Muốn hưởng niềm vui đó thì đòi hỏi chúng ta, sống như Chúa sống và yêu như Chúa yêu. Bởi vì: “Không ai nói yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20).

Cho nên, hình ảnh đẹp nhất trong bài Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta thấy một tấm lòng yêu thương chan chứa, không suy nghĩ, không tính toán. Dụ ngôn này là yếu tố cần thiết, nó tóm gọn lại nền văn hóa cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại, Chúa Giêsu bảo ông luật sĩ cũng như tất cả mọi người chúng ta: “Hãy ra đi và làm như vậy” (Lc 10, 37). Tại sao Chúa lại nói vậy? Thưa khi vị tư tế và thầy Lêvi thấy người bị hại và bỏ đi, phải chăng họ có lý do của họ? Bởi vì tư tế bận cử hành lễ vì giờ đã đến, nên đã vội vàng đi mà không giúp. Về thầy Lêvi có thể sợ ô uế, vì cả hai người này đều liên quan đến việc thờ phượng phụng sự nơi đền thờ.

Những lý do này xét theo bình diện con người thì rất chính đáng, nhưng lòng thương xót và tình yêu thương chúng ta không thể nào xét theo con người bình thường, nhưng phải đặt vào con tim mà trọng tâm là Thiên Chúa. Để biết được họ cần gì, muốn gì. Đức Giáo hoàng Phanxicô trong một lần phát biểu Ngài nói: chúng ta đừng bao giờ quên trước những nỗi khổ đau của bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và vì bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả, không biết nỗi đau của con người, nghĩa là không biết đến Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông đó, đến gần người đàn bà đó, đến gần đứa trẻ đó thì tôi không đến gần được Thiên Chúa.

Khi chúng ta nói yêu thương mà chúng ta không thực thi yêu thương thì chưa phải là yêu thương. Bởi vì: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16). Chúng ta phải sống đạo chứ không phải chỉ biết luật dạy mến Chúa yêu người trong sách vở và như thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Anh em đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18). Tình yêu thể hiện ở việc làm cụ thể chứ không phải nơi lời nói. Người Samari đã chạnh lòng thương trước nạn nhân, nhưng anh ta không dừng lại ở tình cảm suông, nhưng anh ta đã thể hiện lòng thương xót qua hành động của mình. Như thế, tình thương là con tim của đời sống Kitô hữu, chỉ có tình yêu thương của Chúa Thánh Thần khơi dậy trong chúng ta mới giúp mọi người khăng khít lại gần nhau hơn.

Qua bài Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta là những Kitô hữu đã và đang sống theo Lời Chúa. Chúng ta không thể nào bịt mắt làm ngơ trước những người nghèo khó, bệnh tật, thiếu tình thương. Thường thì ta hay nghĩ rằng, đó không phải là trách nhiệm của tôi và mọi người cảm thấy hợp lý. Nhưng điều Thiên Chúa mong nơi mỗi một con người “hãy ra đi và làm như vậy”, tất cả mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi đi cùng một con đường như người Samari nhân hậu. Vì đây, là gương mặt phản chiếu của Chúa Kitô bởi vì: “Thiên Chúa muốn làm cho tất cả mọi sự hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thâp giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” ( Cl 1, 19-20 ).
Lm GB Ngô Văn Đức
Thông tin khác:
Chút tâm tình VỀ ƠN PHÂN ĐỊNH (16/07/2019)
Anh em hãy ra đi (11/07/2019)
Dọn đường cho Chúa hôm nay bằng sống ơn bình an (10/07/2019)
Thái độ dứt khoát (09/07/2019)
Dọn đường cho Chúa TẠI ĐÂY LÚC NÀY (08/07/2019)
Tình thương của Ba Ngôi đối với con người (01/07/2019)
Tâm sự sau cùng về đạo đức bình dân (28/06/2019)
Ơn trở về, tâm tình ngày kỷ niệm thụ phong linh mục (18/06/2019)
Đấng Phục Sinh trao ban thần khí (12/06/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log