Suy tư - Chia sẻ

Mẫu gương của mọi mục tử

Cập nhật lúc 15:43 24/07/2018
Thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài đã diễn tả Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8). Hay nói cách khác, tình yêu là đặc tính vĩ đại nhất của Thiên Chúa.
Như thế, lòng thương xót là cách Thiên Chúa tỏ lộ tình yêu của Ngài cho nhân loại. Lòng thương xót ấy đã được hiện thể hóa cách trọn vẹn nơi con người của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng thánh Máccô hôm nay, lòng thương xót của Thiên Chúa được trình bày qua hình ảnh của Chúa Giêsu là vị mục tử. Qua đó, Ngài đã trở nên vị mục tử quan tâm đến đàn chiên, chạnh lòng thương và chăm lo cho đàn chiên.

Từ trong Cựu Ước, các tiên tri và các ngôn sứ đã nhiều lần loan báo về Đấng Cứu Thế. Trong đó, ngôn sứ Giêrêmia đã loan báo cách cụ thể về một Đấng Cứu Thế qua hình ảnh của một vị mục tử, hình ảnh mà ngôn sứ Êdêkien đã nói đến (x. Ed 34). Vị mục tử ấy không phải như những vị mục tử mà theo quan niệm cũ là các vị vua trần gian, đã làm cho chiên tan tác, xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng (x. Gr 23,2). Nhưng vị mục tử mà ngôn sứ Giêrêmia nói đến ở đây là một vị mục tử theo quan niệm mới, một Đấng Mêsia, một Đấng Cứu Thế. Ngài sẽ là vị mục tử khôn ngoan, tài giỏi, chính trực và công minh (x. Gr 23,5-6). 

Vị mục tử mới mà ngôn sứ Giêrêmia tiên báo đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngài đã sống giữa con người và trở nên như vị mục tử sống giữa đàn chiên. Qua đó, Chúa Giêsu đã quan tâm đến con người. Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay mà thánh Máccô trình thuật cho chúng ta thấy, sau khi thực hiện các sứ vụ rao giảng, các tông đồ đã báo cáo cho Chúa Giêsu những gì các ông đã làm và đã dạy (x. Mc 6,30) thì Chúa Giêsu đã bảo các ông rút lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi (x. Mc 6,31). Chi tiết này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là vị mục tử quan tâm đến các tông đồ, ở đây các tông đồ là hình ảnh của cộng đoàn tín hữu. Như thế, Chúa Giêsu là vị mục tử mẫu gương về sự quan tâm đến đàn chiên. Bởi lẽ, sự quan tâm là bước khởi đầu của một mối tương quan mật thiết. Sẽ chẳng có bất kỳ một mối quan hệ mật thiết nào hay bất kỳ một hành động bác ái nào nếu không có sự quan tâm. Chính qua sự quan tâm mà mục tử Giêsu đã biết và hiểu cách rõ ràng về đàn chiên. Qua đó, Ngài chạnh lòng thương đến hoàn cảnh khó khăn của đàn chiên. 

Theo trình thuật của thánh Máccô, Chúa Giêsu đã bảo các ông rút lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi khi thấy các tông đồ vất vả mệt mỏi sau những ngày thi hành sứ vụ rao giảng. Đồng thời, khi nhìn thấy đám đông dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu cũng đã chạnh lòng thương (x. Mc 6,34). Điều này có nghĩa là Ngài đã chạnh thương khi nhìn thấy đàn chiên vất vả, mệt mỏi. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu đã tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa trước cảnh vất vả, khổ đau của con người, qua việc chạnh lòng thương xót họ.

Hơn thế nữa, khi nhìn thấy cảnh khốn cùng của con người, Chúa Giêsu không chỉ là động lòng trắc ẩn mà Ngài còn đến dạy dỗ và chăm lo cho họ, như mục tử chăm lo cho đàn chiên. Theo một cách nào đó, Chúa Giêsu đã đáp ứng những nhu cầu cần thiết của đàn chiên. Chúa Giêsu đã dùng lời của Ngài mà dạy dỗ họ (x. Mc 6,34). Đó là lời của lòng thương xót, lời công minh chính trực, lời làm cho đàn chiên được cứu thoát và lời đem lại cho đàn chiên được yên hàn (x. Gr 23,5-6). Bên cạnh đó, nếu chúng ta đọc tiếp đoạn Tin Mừng của thánh Máccô trong chương 6, chúng ta thấy Ngài còn ban lương thực để nuôi sống họ (x. Mc 6,41-42). Cụ thể, khi thấy đám đông dân chúng lầm than, nghèo đói trong nơi hoang vắng, Chúa Giêsu đã làm phép lạ để hóa bánh và cá ra nhiều cho họ ăn (x. Mc 6,35-44). Sâu xa hơn là hình ảnh Chúa Giêsu đã hiến mình ra làm của ăn, của uống nuôi sống đời sống vĩnh cửu con người qua bí tích Thánh Thể.

Trong đời sống đạo của chúng ta ngày nay, chúng ta vẫn gặp thấy nhiều vị mục tử mang hình mẫu của mục tử Giêsu. Các ngài đã đến, quan tâm, thương xót và chăm lo cho đàn chiên của Chúa. Các ngài đã mang Tin Mừng bình an của Chúa cho đàn chiên. Qua đó, các ngài đã giới thiệu dung mạo của Chúa Giêsu là vị mục tử giàu lòng thương xót. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những vị mục tử xa chiên, chưa quan tâm đến đàn chiên, hay thậm chí là tạo nên những vách ngăn làm cho đàn chiên không thể đến được với mục tử. Các ngài đã chưa giới thiệu dung mạo của Chúa Giêsu là vị mục tử giàu lòng thương xót, hay đôi khi lại giới dung mạo ấy cách méo mó, sai lệch. 

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo cho mọi vị mục tử. Ngài đã đến, quan tâm, chạnh thương và chăm lo cho con người như mục tử chăm lo cho đàn chiên. Chúa Giêsu cũng mời gọi các vị mục tử nơi trần gian hãy học lấy mẫu gương của Ngài, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài. Để qua đó, các mục tử trở nên là nơi tỏ lộ tình yêu của Thiên Chúa, là nơi thông ban ân sủng của Thiên Chúa qua các bí tích và là nơi đàn chiên được đón nhận sự bình an của Tin Mừng. Ước gì, chúng ta là đàn chiên của Chúa, cũng biết lắng nghe tiếng của mục tử, chạy đến với Ngài và nương tựa vào lòng thương xót của Chúa qua việc siêng năng lắng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ hằng ngày. Ngay cả những lúc chúng ta yếu đuối và tội lỗi thì Thiên Chúa vẫn thương xót chúng ta vì đặc tính vĩ đại của Ngài là Tình Yêu.

Lm Phêrô M. Trần Thanh Sơn
 
Thông tin khác:
Sống niềm vui do Chúa ban (23/07/2018)
Chúa Giêsu lấy làm lạ vì họ không tin (18/07/2018)
Chỉ cần tin thôi (17/07/2018)
Làm chứng cho Chúa giữa lịch sử hôm nay (12/07/2018)
Hãy là môn đệ Đức Kitô (11/07/2018)
Tên con được Chúa gọi (10/07/2018)
Tâm sự về đón nhận Lòng Chúa Xót Thương (09/07/2018)
Hạt giống nảy mầm và mọc lên (05/07/2018)
Thánh Gioan Baoticita và ơn sám hối (04/07/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log