Suy tư - Chia sẻ

Tên con được Chúa gọi

Cập nhật lúc 14:21 10/07/2018
Hôm nay cùng toàn thể Giáo hội, chúng ta mừng trọng thể sinh nhật thánh Gioan Tiền Hô, một con người rất đặc biệt.
"Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng về ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa"( Ga 1, 6-7 ; Lc 1, 17). Ảnh: CTV
"Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng về ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa"( Ga 1, 6-7 ; Lc 1, 17). Ảnh: CTV
Trong lịch phụng vụ của Hội Thánh Công giáo, chỉ có ba vị được mừng sinh nhật, đó là Chúa Giêsu Kitô, Đức Maria và thánh Gioan Tẩy giả. Cuộc đời Gioan còn có nhiều nét kì bí khác: ngay khi còn là một thai nhi trong lòng bà Êlisabét thì Gioan đã được tẩy sạch tội nguyên tổ nhờ sự kiện Mẹ Maria đi thăm viếng (Lc 1,40); từ khi ông thành hình trong lòng mẹ, thì cha mẹ của ông đã cao niên (Lc 1,7); thân phụ Gioan là ông Dacaria bắt đầu bị câm sau khi từ nơi cực Thánh bước ra (Lc 1,20); chín tháng mười ngày sau đó thì bà Êlisabét sinh Gioan; khi người ta đặt tên cho em bé này, thì ngay khi ông Dacaria viết tên Gioan lên tấm bản, lưỡi ông Dacaria liền mở ra và nói năng trở lại (Lc 1,64); Gioan sống trong hoang địa, không uống rượu và thức có men, ăn châu chấu và uống mật ông rừng... Sau đây, chúng ta cùng điểm qua vài nét đặc biệt đó.

Trong tiếng Dothái, Gioan có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng xót thương. Nơi Gioan Thiên Chúa đã thể hiện rất rõ lòng thương xót của Ngài. Gioan được sinh ra khi cha mẹ son sẻ lại cao niên, điều đó như món quà ý nghĩa nhất mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Chính sứ thần Gáprien bảo phải đặt tên Gioan cho em bé này (Lc 1,13). Như thế, Gioan là kẻ đã được Thiên Chúa tuyển chọn và gọi tên ngay từ khi thành hình trong lòng thân mẫu, để trở thành người tiền trạm đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Cũng vậy, Thiên Chúa đã yêu thương và tuyển chọn chúng ta, Ngài gọi tên từng người một, ngay khi chúng ta tượng hình trong bụng mẹ, ngay khi ta chưa biết Ngài, và ngay khi ta còn là tội nhân. Ngài muốn chúng ta trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng, loan báo tình thương, lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi loài thọ tạo trong thời đại của chúng ta. Thế nhưng, chúng ta đã sống thế nào? Chúng ta đã thi hành sứ mạng của mình ra sao? Chúng ta đã là người nói Lời Chúa cho người khác chưa? Hay chúng ta đang sống ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa? Có khi chúng ta còn trở thành những kẻ sống bê tha và lười biếng, những kẻ tham lam và thù oán; có khi chúng ta lại còn là kẻ cản đường người khác đến với Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn thương yêu chúng ta.

Nơi Gioan chúng ta thấy rất rõ đức khiêm tốn. Gioan nhận rằng: tôi không phải là Đấng Kitô, tôi chỉ là tiếng người hô trong hoang địa, tôi chỉ là người đi trước dọn đường mà thôi, thậm chí tôi còn không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người (Ga 1,23-27). Trong ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “khiêm tốn là ngồi dưới đất”. Gioan đã nhìn nhận đúng với sứ mệnh mà Thiên Chúa đã ủy thác cho ông. Thế thì, ông đang ngồi dưới đất?! Vậy còn chúng ta, chúng ta đang ngồi ở đâu trong cuộc đời này? Với những gì đang diễn ra trong thời đại chúng ta, để tìm một người có đức tính khiêm tốn đúng nghĩa, rất khó. Vì ai ai cũng muốn đề cao mình, người nào cũng muốn mình nổi tiếng và giỏi hơn người khác, được nhiều người biết đến. Hệ lụy của nó là nhiều người bị coi thường, bị khinh khi, bị chà đạp nhân phẩm, bị loại trừ... Còn Gioan Tẩy giả chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, tiếng gọi trong nơi vắng vẻ cô tịch. Nếu ông tìm danh vọng, địa vị cao sang thì chắc hẳn ông đã ra nơi phố chợ, nơi thị thành để kêu hô, để gây sự chú ý. Nhưng Gioan đã không. Trong hoang địa thì có ai để mà kêu, có ai để mà nghe tiếng ông gọi? Dẫu vậy, ông vẫn gọi, vẫn lên tiếng, vẫn kêu hô người ta sám hối, để được ơn tha thứ. Ông vẫn thực thi vai trò ngôn sứ của mình. Tưởng chừng như không ai nghe được tiếng kêu đó nhưng trái lại, có rất nhiều người từ khắp mọi miền tìm đến để nghe ông nói. Theo ngôn ngữ của Tin Mừng (Mt 3,7 và Lc 3,7-9) thì Gioan Tẩy giả xuất hiện với tư cách là nhà rao giảng sám hối.

Ở đây chúng ta ghi nhận sự can đảm của Gioan. Ông dám dấn thân đi vào một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì sứ mạng, vì nước Trời. Trong khi đó, nhiều người Kitô hữu thì tìm cách tránh né hoặc loại bỏ sự khổ chế, không tha thiết gì đến chuyện tiết độ, và nhác đảm trong việc tập tành các nhân đức; nhưng lại tìm kiếm sự an nhàn thoải mái, sự giàu sang và tiêu thụ... Có thể nói chúng ta đang đi trên một con đường rộng rãi, một con đường thênh thang, nhưng lại là con đường dẫn đến sự diệt vong.

Nhân ngày lễ mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả, Giáo hội muốn nhắc chúng ta hãy dõi bước theo Đức Kitô chí Thánh và nhìn vào gương của Gioan Tẩy giả mà can đảm sống và làm chứng cho Chúa, can đảm đi trên con “đường hẹp” để về quê trời, giữa một thế hệ gian tà sa đọa, giữa một thời đại đầy cạm bẫy, giữa một nền văn minh của sự chết.
 
Phaolô Cồn Phước
Thông tin khác:
Tâm sự về đón nhận Lòng Chúa Xót Thương (09/07/2018)
Hạt giống nảy mầm và mọc lên (05/07/2018)
Thánh Gioan Baoticita và ơn sám hối (04/07/2018)
Những người đón nhận ơn cứu độ (26/06/2018)
Xây dựng, hiệp nhất và yêu thương (15/06/2018)
Xót thương và chọn (13/06/2018)
Giao ước tình yêu (11/06/2018)
Màu nhiệm của tình yêu (08/06/2018)
Suốt năm tôi dâng hoa kính Đức Mẹ (07/06/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log