là bảo chứng sự sống lại của chúng ta
Tất cả những dấu chỉ liên quan đến cuộc sống lại của chúng ta đã được ghi trong sự sống lại của Chúa Giêsu rồi. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố “Thầy đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Vì thế, nơi Chúa Giêsu đã chứa đựng mọi năng lực để chiến thắng sự chết, nên con người được sống với, sống bởi và sống trong Thiên Chúa, là bước vào trong nguồn mạch của sự sống, ngay đời này đã cảm nếm được sự sống ; sự sống ấy đang ẩn tàng trong nơi sâu thẳm của chính mình, và sự sống lại với Chúa Giêsu trong chúng ta đã được ghi trong ơn gọi làm con Thiên Chúa.
Nếu hiểu như thế, thì sự chết của chúng ta có tác dụng thanh tẩy đi những chất phế thải chóng qua để sau cùng làm tỏ lộ bản chất sâu xa và lý do hiện hữu của chúng ta. Những gì tan biến trong cái chết diễn tả sự bất toàn nơi con người, nó là những yếu tố gắn gắn liền lệ thuộc với lịch sử tính. Vì thế, cái chết đối với chúng ta là việc hoàn tất một số phận : sự chết không thêm không bớt gì, nó chỉ giúp làm nổi bật bản chất sự sống vốn tiềm ẩn trong chúng ta từ khi được tạo dựng.
là điều kiện tất yếu trong niềm tin Kitô giáo
Như đã nói, sự sống lại của Chúa Giêsu là tín điều sống còn của Kitô giáo, bởi Kitô giáo có đứng vững hay không là hệ tại nơi chân lý ấy. Sự kiện Phục sinh là mầu nhiệm của Thiên Chúa chủ động và thụ động. Là thành quả cuối cùng của công cuộc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể.
Từ phía Thiên Chúa, sự việc Chúa Giêsu sống lại là điều tất yếu, do tự bản chất của tình trạng ngôi hiệp : vì hằng sống, Thiên Chúa tất phải bất tử trong mọi cảnh huống hoặc thể trạng của Người. Tuyệt đối không thể có chuyện Ngôi Lời nhập thể phải “hư đi” một phần nào đó trong bản tính của mình. Từ phía Đức Giêsu, sự việc sống lại là điều rất đáng do bởi công đức Ngài lập qua thái độ tùng phục và hành động thực thi thánh ý Chúa Cha cho đến chết trên thập giá (x.Pl 2,9).
Thật vậy, biến cố Phục Sinh là một sự kiện lịch sử – ít ra là có quan hệ với lịch sử – do đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa không phải là chuyện ảo tưởng, nhưng là một thực tại cụ thể. Bởi nếu Đức Giêsu Nadarét đã không sống lại thì biến cố Chúa Giêsu chỉ là thần thoại, và Kitô giáo chỉ là một trò lừa bịp. Xét từ phía loài người, sự sống lại là khả năng tột bực của nhân tính, mà duy chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban được.
Thiên Chúa đã ban chính Mình cho con người qua việc nhập thể vào trong lịch sử, và hằng tiếp tục chia sẻ chính Thân Mình cho con người, nên con người có cơ sở để hy vọng là sẽ còn có một sự chia sẻ đến tột đỉnh nữa, dù trí óc loài người không thể mường tượng ra được đó sẽ là gì và sẽ như thế nào.
Sự sống lại của Chúa Giêsu là nguyên nhân và khởi đầu cho sự sống lại của loài người, là nguyên nhân mô phạm. Đời sống ơn thánh sủng là hệ quả đầu tiên của nguyên nhân ấy.
Lúc Đức Giêsu sống lại là lúc mở ra một kỷ nguyên mới cho thân phận con người. Nhưng Chúa Giêsu Phục sinh là “nơi ở” cho toàn bộ nhiệm thể. Được cứu rỗi là được gia nhập vào một Chúa Giêsu trọn vẹn theo cách diễn tả của thánh Augustino. Tất cả những ai khác được cứu rỗi thì đều là chi thể của Đấng Phục Sinh. Ân sủng là sự việc Thiên Chúa thông ban chính mình cho một tạo vật, và ân sủng cao siêu nhất là Ngôi hiệp : ân sủng này đã đạt tới tột đỉnh trong sự sống lại. Những ai được cứu rỗi là được cứu rỗi xét như là chi thể trong cùng một Thân Thể duy nhất là chính Chúa Giêsu Phục Sinh.
Hơn thế nữa, sự sống lại là đối tượng của niềm hy vọng. Các kitô hữu được mời gọi hãy hăng hái loan truyền và làm chứng về niềm hy vọng này. Đừng nên để những nghi hoặc làm cho hoang mang bối rối trước sự việc Chúa Giêsu sống lại đến độ – như nhiều kitô hữu xưa quên mất đi chúng ta cũng sẽ được sống lại trong tương lai. Thật vậy, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu là một thách đố lớn đối với mọi người, cách riêng là đối với người kitô chúng ta.
Sống như người đã Phục Sinh
Nếu ngọn lửa tí hon nội tâm ấy là sứ mệnh mà người kitô hữu chúng ta tiến về vĩnh cửu, ắt chúng ta phải dồn hết ý chí về với nó, đó chính là lý do hiện hữu của chúng ta. Mục tiêu cao cả đó cũng phải là nguồn mạch phát sinh mọi tư tưởng và hành động của chúng ta. Nói khác đi, sự sống lại đã tiềm ẩn nơi mỗi người chúng ta và chúng ta được mời gọi phát huy ơn gọi sống lại này. Thiên Chúa muốn ban sự sống ấy cho ta. Đó là ý nghĩa của mọi cuộc sống ; thiết tưởng từ đấy cũng bộc lộ ra khá rõ ý nghĩa của cả sự chết nữa. Chính khi chết là lúc chúng ta đạt tới sự sung mãn của chính mình. Có thể sự sung mãn này rất giới hạn ; có lẽ tôi nhỏ bé, nhưng là chính tôi thật. Quả thật câu nói của thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đáng để ta suy nghĩ : ở đời sau, chắc hẳn là chúng ta sẽ khác biệt nhau. Chúng ta sẽ như những cái ly cần phải đổ đầy : có ly to ly nhỏ, nhưng tất cả đều được đầy tràn. Mỗi người sẽ được hoàn toàn sung mãn theo khả năng tinh thần của mình. Hình ảnh này thật thích hợp. Sự chết sẽ là sự hoàn tất tất cả mọi khả năng của chúng ta, cho dù nó bé nhỏ tới đâu đi nữa, trừ khi có sự can dự của thất bại là tội lỗi.
Đến đây ta có lý do để xóa bỏ đi khoảng cách giữa sự sống và sự chết. Qua cái chết, ta bước vào một cuộc sống mới.Đời sống thay đổi, chứ không mất đi. Nhờ đó mà ta đạt tới sung mãn của cuộc sống. Qua mỗi ngày sống, những gì cũ kỹ trong ta dần dần tan biến, để nhường chỗ cho bản sắc thật của con người ta được tỏ hiện, để cho mầm mống sự sống lại trong ta được hoàn toàn triển nở.
Bằng cái nhìn đức tin, Thánh Phaolô khi đối diện với tình trạng nguy biến có thể kết thúc cuộc đời mình, Ngài đã suy nghĩ rằng sống hay chết đều tốt cả : “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”(Pl 1, 21). Thánh Têrêsa cũng thế, sau khi nhìn những sự việc xảy đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận rằng “Tất cả đều là hồng ân”. Tình yêu mến Chúa dạy cho người ta có cái nhìn đức tin. Dù bất cứ người tín hữu nào miễn có một lòng mến sâu xa vẫn có thể mau mắn nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh trong những biến cố của cuộc đời mình.
Chúa Giêsu đã sống lại, ngài không chết nữa, Kinh Thánh quả quyết như vậy. Sự sống lại của Ngài báo trước và mở đường cho sự sống lại của chúng ta. Vì thế chúng ta hãy sống như những người đang mang trong mình những mầm mống của sự sống lại : nghĩa là ngay từ dưới thế này, chúng ta hãy sống như những người đã sống lại.