Suy tư - Chia sẻ

Mùa Vọng: Nguồn gốc và ý nghĩa.

Cập nhật lúc 18:41 02/12/2011

Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến, gồm 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh và để kính nhớ việc Chúa đi vào lịch sử khi giáng sinh ở Belem, đó cũng là dịp để nhớ thời gian dân Do thái, sau khi được đưa ra khỏi đất nô lệ Ai cập đã đi lang thang trong sa mạc 40 năm trước khi được vào đất hứa. Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng cũng đánh dấu sự bắt đầu của năm phụng vụ, “Ngày Năm Mới” của Giáo Hội, vào lúc mà chúng ta thay đổi chu kỳ của những bài đọc trong Thánh Lễ.Giáo Hội đặt ra thời gian Mùa Vọng không chỉ với ‎ ý nghĩa là chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh như nhìn về quá khứ để mừng một kỷ niệm, nhớ một biến cố đã qua như xã hội loài người chúng ta vẫn thường làm. Advent từ tiếng latin Adventus (đến, sắp đến) được dịch từ chữ Hy lạp Parousia thông thường dùng để chỉ việc Chúa đến lần thứ hai.

 

Mùa Vọng là thời gian của sự mong mỏi, mùa của sự đợi chờ. Dân Chúa mong “Trời cao hãy đổ sương xuống”, mong “ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời”; trong đêm tối, mong ngày mau tới; như nai đang khát, mong tìm gặp được dòng suối nước mát. Mong Đấng Cứu Thế thương xem đến dân Chúa đang “đớn đau mây sầu che lối”, mong “ Chiên thánh đến để cải tạo thế giới”, đến để “ đập tan xiềng xích tội nhơ”… Người Kitô hữu tin rằng mùa Vọng nhắc nhớ sự chờ đợi Đấng Cứu Thế sinh ra của Người Do Thái khi xưa cũng như sự chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang của người Kitô hữu hôm nay. Bước vào Mùa Vọng hằng năm, chúng ta không chỉ sống lại những niềm khát vọng, mong đợi Đấng Cứu Thế đến như dân Chúa xưa kia đã sống, không phải chỉ để tưởng niệm một biến cố lịch sử đã qua, không phải chỉ để mừng vui về Đấng Cứu Chuộc đã giáng thế lần thư nhất, mà còn là cơ hội nhắc nhớ chúng ta sống mong đợi và khát vọng về một cuộc giáng thế lần thư hai của Chúa Giêsu.

 

Mùa Vọng mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, Mùa Vọng là thời gian giúp ta nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để "giải phóng" dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài. Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào. Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Trong Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi con cái mình sống tâm tình của người môn đệ: mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận cùng của cuộc đời mình trên dương thế, để được hòa mình trong vinh quang của Nước Chúa muôn đời. Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức không mỏi mệt của mình. Tỉnh thức trong hy vọng cũng là canh thức để cộng tác với ơn Chúa mà thể hiện niềm hy vọng đời mình.

 

Trong Phụng vụ Mùa Vọng, Giáo hội cử hành với mầu phẩm phục tím, đó vừa là mầu nói lên sự mong đợi và niềm hy vọng, vừa là lời mời gọi mọi thành phần Dân Chúa nhìn nhận những lỗi lầm khuyết điểm của con người yếu đuối nơi chính mình, dọn lòng chuẩn bị đón nhận ơn Chúa Giáng Sinh. Trong Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy sống đúng tinh thần như lời kêu gọi của thánh Gioan Tiền hô: Hãy dọn đường đón Chúa: Quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy, nơi cao phải bạt xuống.

 

Trong những hình thức trang trí của Mùa Vọng, thường sử dụng bốn cây nến với mầu sắc từ tím đậm đến hồng nhạt, và một vòng hoa cành lá xanh với những quả cây hồ đào. Điều này cũng mang nhiều ý nghĩa. Bốn cây nến tượng trưng cho các tuần trước lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Anh em hãy vui lên vì Chúa đang đến gần! Vòng hoa mùa vọng với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời, nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô chiếu soi khắp dương gian này.. Đầu tiên tại miền Bắc nước Đức, vòng hoa kiểu này được các gia đình đạo Tin lành trưng bày, sau đó vòng hoa mùa vọng được treo trong nhà thờ Công giáo vào năm 1925 tại tỉnh Köln. Từ năm 1935 các vòng hoa mùa vọng trong gia đình cũng được làm phép. Phong tục này ngày nay đã lan truyền đến nhiều nơi trên thế giới. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu.

 

Mong chờ ngày Chúa lại đến đó là niềm hy vọng mang lại sức mạnh để mọi người vui sống trong hy vọng. Và đây là điều mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta mỗi khi Mùa Vọng đến và trong mỗi dịp lễ Giáng Sinh. Người tín hữu hy vọng vào ơn cứu độ của Chúa để sống trọn vẹn nỗ lực xây dựng cuộc sống chứ không phải để chê ghét và chối bỏ trách nhiệm với trần gian. Chính trong trách nhiệm của con người với gia đình, với xã hội và với chính bản thân mà người Kitô hữu càng thêm tin tưởng, cậy trông vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

 

Mùa Vọng lại đến và biến cố Giáng Sinh lại một lần nữa lại trở về trong đời sống đạo của người tín hữu chúng ta. Mùa Vọng cũng mời gọi chúng ta tỉnh thức và vững lòng đợi trông ngày Chúa đến hoàn tất mọi sự, dẫn đưa chúng ta vào hưởng cuộc sống hạnh phúc với Ngài, mặc dầu hiện tại chúng ta vẫn phải phấn đấu để trở nên hoàn thiện hơn. Hơn nữa, việc tỉnh thức của chúng ta ngày hôm nay là gì nếu không phải là sống trong tình trạng gắn bó, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa của chúng ta qua đời sống cầu nguyện liên lĩ hàng ngày. Thiết nghĩ, đây chính là thái độ căn bản của một người biết tỉnh thức, bởi lẽ khi họ luôn sống trong tình trạng “có Chúa” như vậy, thì bất cứ khi nào Chúa đến, họ cũng luôn có mặt để sẵn sàng ra nghênh đón Người.

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con dọn lòng mình, và tỉnh thức đón chờ Chúa đến. Amen.

 

Thiên An
Thông tin khác:
Xây trên nền đá (1.12.2011 – Thứ năm Tuần 1 Mùa Vọng) (30/11/2011)
Hãy đi theo tôi (30.11.2011 – Thứ tư, Thánh Anrê tông đồ) (30/11/2011)
Thánh Thần tác động (29.11.2011 – Thứ ba Tuần 1 Mùa Vọng) (30/11/2011)
Từ phương Đông phương Tây (28.11.2011 – Thứ hai Tuần 1 Mùa Vọng) (30/11/2011)
NGƯỜI GIỮ CỬA (27.11.2011 – Chúa nhật 1 Mùa Vọng, Năm B) (30/11/2011)
Phải đề phòng (26.11.2011 – Thứ bảy Tuần 34 Thường niên) (30/11/2011)
Xem cây vả (25.11.2011 – Thứ sáu Tuần 34 Thường niên) (30/11/2011)
Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam: Cuộc đời chứng nhân Tin Mừng (24/11/2011)
Không thuộc về thế gian (24.11.2011 – Thứ năm, Các thánh tử đạo Việt Nam) (24/11/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log