Chúng ta đang ở thời điểm khởi đầu của mùa Chay. Mùa Chay được khai mạc bằng thánh lễ với nghi thức Xức Tro trong ngày thứ Tư. Theo Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: "Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay" (số 28 và 29). Đây là thời gian Giáo hội dành để mời gọi mọi người hãy sám hối và canh tân tâm hồn chuẩn bị cho lễ Phục sinh. Lời Chúa phán thật mạnh mẽ và sâu sắc cho con người: Sấm ngôn của Đức Chúa: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu”.
Mùa Chay được khai mạc cách long trọng trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Trong Thánh lễ này, mọi người cùng hiệp ý với nhau để tham dự nghi thức sám hối và xức tro. Cử chỉ xức tro mang nhiều ý nghĩa. Qua nghi thức này, Giáo hội nêu cao tinh thần ăn năn, sám hối và đền tội trong Mùa Chay. Tro nhắc nhở các giáo hữu về thân phận con người. Con người được dựng nên từ cát bụi. Tro được xức lên trán để khắc ghi vào tâm trí thực tại cát bụi của mỗi chúng ta.
Tro tượng trưng cho sự thống hối ăn năn và cho đời sống khiêm nhường của con người. Tro cũng nhắc nhớ cho con người về cái chết, chính là hậu quả nặng nề nhất của tội lỗi mình. Trong những lúc buồn khổ như tang chế, nghe tin buồn, khi cầu nguyện và khi đền tội, người Do thái xưa làm ba việc: xé áo đang mặc trên người, mặc áo xô và xức tro lên đầu.
Nghi thức lễ xức tro là phần tồn tại của một nghi lễ đền tội công khai, đã giữ trong Giáo Hội từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XVI. Nghi thức rắc tro trên đầu đã có từ thời Giáo Hội tiên khởi, nhưng ban đầu chỉ dành cho những người sám hối chung giữa cộng đoàn Phụng Vụ. Sau khi nghe những người có tội nhìn nhận và thú nhận cách công khai các tội lỗi của mình, vị chủ tế cho họ ra về, họ không dự thánh lễ thêm nữa. Sự đau khổ của hối nhân là bị loại ra khỏi cộng đoàn trong thời gian sám hối, không được tham dự vào các cử hành Thánh Thể. Trước đó, người ta mặc cho hối nhân chiếc áo diễn tả việc đền tội, sau đó xức tro lên đầu, cuối cùng chính vị Giám mục dẫn họ ra khỏi nhà thờ và thầy Phó tế sẽ đóng cửa lại. Phải đến Thứ Năm tuần Thánh họ lãnh nhận ơn xá giải và mới có thể tiếp tục được tham dự vào sinh hoạt cũng như các cử hành Phụng vụ của Cộng đoàn Dân Chúa.
Từ thời Trung cổ, việc đền tội diễn ra cách kín đáo hơn. Mọi tín hữu lại đón nhận áo đền tội và chịu xức tro trước khi bước vào mùa chay. Từ thế kỷ thứ VIII, ngày Thứ Tư Lễ Tro, trước khi cử hành Thánh Lễ, vị chủ tế sẽ làm phép và xức tro trên trán của các tín hữu tham dự, hoặc vào “chỗ cắt tóc trên đầu” của các tư tế. Mọi người lãnh nhận nghi thức này, được xức tro lên đầu cách long trọng để như một dấu chỉ tỏ lòng sám hối.
Truyền thống xức tro trong nghi thức Sám hối của ngày khởi đầu Mùa Chay Thánh bắt đầu phổ biến và chính thức được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ vào thế kỷ thứ 11.
Tro được xức là tro của những cành lá đã được sử dụng trong Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước. Khi xức tro, vị chủ tế sẽ nói với từng người: “Hãy sám và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), hoặc “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về cát bụi” (x.St 3,19).
Trong mùa Chay Thánh, Giáo Hội đòi hỏi những dấu chỉ sám hối, đưa chúng ta xích lại gần Chúa hơn và tuôn đổ vào linh hồn chúng ta một niềm vui đặc biệt. Giáo hội cũng kêu mời chúng ta quảng đại làm phúc bố thí cho kẻ khó. Bố thí, cầu nguyện và chay tịnh là ba thái độ bên ngoài của đạo đức, làm nổi bật ba thái độ căn bản tôn giáo của con người: trong chay tịnh phải nổi bật sự khiêm nhu trước Thiên Chúa, trong cầu nguyện là hy vọng và trong bố thí là tình yêu. Qua đó, người tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống.
Nếu con người thực hiện những việc đạo đức bên ngoài như ăn chay, bố thí, cầu nguyện mà không tìm cách thực thi thánh ý Chúa, thì không có giá trị gì cả trước mặt Ngài. Thiên Chúa muốn chúng ta chân thành đau buồn về các tội đã phạm, bằng việc đi xưng tội, và bằng những hành vi khổ chế và sám hối vì yêu Chúa. Đối với chúng ta, hoán cải nghĩa là tìm kiếm sự tha thứ của Thiên Chúa và nguồn sức mạnh trong bí tích Hòa Giải. Đây chính là cách tốt nhất giúp mỗi người chúng ta bắt đầu lại và hoàn thiện mỗi ngày.
Mùa Chay chính là cơ hội tốt nhất cho mỗi người chúng ta để thay đổi và hoán cải cuộc đời của mình. Hãy sám hối và trở về cùng Thiên Chúa. Hãy đến với tha nhân trong yêu thương và bác ái. Hãy siêng năng cầu nguyện và chay tịnh để thực sự trở nên con người mới, trong ân sủng và tình yêu Thiên Chúa.