Xưa kia, con người chưa tìm ra được những quy luật tự nhiên như: tại sao có sấm sét, tại sao có sóng to gió lớn, tại sao có động đất, núi lửa… thì những hiện tượng tự nhiên ấy được coi như là dấu chỉ sự giận dữ của Thượng Đế, hay được xem như là thách thức hiển linh của Người.
Họ luôn coi những gì vượt quá sức của mình về những hiện tượng tự nhiên đó chính là lúc Thượng Đế đang đến hay đang giận dữ.Đọc Cựu Ước, chẳng hạn như Thánh vịnh 28, chúng ta rõ ràng tìm được dấu vết của một niềm tin như vậy (x.Tv28,3-4.57-8).
Thế nhưng, con người ngày nay đang tự hào về những công trình khoa học về mọi lãnh vực dần dần họ đã khám phá ra những quy luật của tự nhiên, và không còn thờ lạy Thiên Chúa trong những hiện tượng ấy, để biết tìm đến Người và thờ lạy Người trong sự im lặng của lòng mình, hay là như sau này, Đức Giêsu Kitô sẽ mạc khải cho thiếu phụ Samari về sự nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa không phải trên núi cao hay tại Giêrusalem nhưng là trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 4,21.23). Qua đó, Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi tất cả chúng ta là con cái của Chúa luôn biết tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trong Thần Khí của Người.
Thần Khí Thiên Chúa đến trong thinh lặng
Qua bài đọc I, chúng ta nhận thấy rằng đứng trước sự suy vong hầu như toàn diện của đất nước và nhất là của đạo. Ngôn sứ Êlia thấy rằng cần phải khởi sự lại từ đầu. Cuộc hành trình gian khó hướng về núi Khorép vùng Sinai, không phải là một cuộc hành hương đạo đức của một người sùng đạo, nhưng là một chuyến đi có ý nghĩa trọng đại: Đó là sự trở về nguồn. Thật vậy, đối với các bộ lạc miền Bắc, thì Sinai có ý nghĩa hơn nhiều so với Sion, vì chính trên đỉnh núi Sinai mà Môsê đã được thấy Chúa hiển vinh, và cũng từ nơi đó mà phát xuất Giao ước cùng với lề luật.
Tuy nhiên, nếu so sánh cuộc thần hiện mà Môsê đã chứng kiến, với cuộc thần hiện cho Êlia hôm nay, thì chúng ta thấy có một sự khác biệt sâu xa. Thời Môsê, Thiên Chúa hiển linh trong đám lửa của bụi cây cháy bừng (x. Xh 3,2; 19,18), trong đám mây mù sấm chớp (x. Xh 19,16), trong khói toả mịt mù và trong cơn địa chấn (x. Xh 19,18). Trái lại lần này Chúa không ở trong gió bão, trong trận động đất, hay trong lửa, nhưng Người xuất hiện trong tiếng gió hiu hiu (x. 1V 19,12-13).
Phải chăng tác giả sách các Vua muốn trình bày một quan niệm mới về Thiên Chúa? Người không phải là Đấng gây kinh thiên động địa, chẳng phải là Đấng oai phong lẫm liệt. Không, Người không phải là thần chiến tranh hay thần huỷ diệt, mà là Đấng dịu dàng âu yếm.Có thể là thế! Nhưng điều có lẽ sâu xa hơn nhiều, đó là làn gió hiu hiu còn là biểu tượng của một thực tại căn bản, thiết yếu nhất đó là hơi thở, là sự sống, hay là Thần Khí. Sau này Đức Giêsu Kitô cũng dùng hình ảnh của gió để nói cho ông Nicôđêmô nghe về mầu nhiệm của Thần Khí (x. Ga 3,8). Và Người tuyên bố với người thiếu phụ Samari rằng: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga4,24). Cũng có người cho rằng làn gió hiu hiu là biểu tượng cho sự im lặng của Thiên Chúa: Người không phải là Đấng ngự đến trong tiếng náo động ồn ào của thiên nhiên hay của kèn thổi, trống vang, nhưng Người đến lặng lẽ. Gần như là kín đáo, ẩn dật, đến nỗi chỉ có kẻ có lòng tin mới nhận ra sự hiện diện của Người.
Như thế, Thiên Chúa là Thần Khí, là hơi thở, là sự sống. Người không phải là gió bão cuồng phong gây đỗ vỡ và chết chóc, Người đến với ta, ngự trong ta như hơi thở nhẹ nhàng êm dịu. Gần như một sự im lặng hơn cả nhịp tim đập của chúng ta dù ta không nhận ra Người, Người vẫn có đó, vẫn tác động nơi ta, vì Người chính là hơi thở, là sự sống của chúng ta.
Thần Khí Chúa hướng dẫn trong mọi hoạt động
Thần Khí Chúa ngự trong ta, không những Người làm cho chúng ta sống, nhưng còn hướng dẫn mọi hoạt động của ta, thúc đẩy ta làm những điều tốt đẹp đem lại lợi ích cho mọi người. Từ khi được Thần Khí Đấng Phục sinh chiếm đoạt và hướng dẫn, Phaolô đã rong ruổi trên khắp nẻo đường. Vào khoảng năm 57 vị Tông đồ dân ngoại đã chinh phục về cho Chúa biết bao nhiêu người dân ngoại khắp vùng Trung Đông. Nhưng trong trái tim của vị Tông đồ dân ngoại vẫn còn một chỗ dành cho chính dân tộc của Người: dân Ixraen. Mỗi lần nghĩ đến đồng bào của mình, Phaolô lại cảm thấy đau nhói. Bởi vì, một vị Tông đồ đã thành công đem những người dân ngoại, những kẻ ở bên ngoài, ở nơi xa về với Chúa, mà lại chưa làm gì được một cách thuyết phục cho anh em mình, những kẻ ở ngay bên cạnh, ở ngay trong nhà. Ta vui sao được khi thấy những người xa lạ đã ngồi vào bàn tiệc còn chính anh em trong nhà, những người thân yêu nhất lại từ chối tham dự? Hơn thế nữa, tiệc được mở ra trước hết và chủ yếu là cho họ: những người thuộc dân Chúa chọn, những người trước tiên đã nhận được giao ước và lời hứa, những người đồng huyết nhục với chính Đức Kitô, hôm nay đã không thèm ngồi vào bàn tiệc để chia sẽ huyết nhục của Người đã hiến dâng cho họ. Thật là mỉa mai, thật là đau đớn! Vì thế, chúng ta hiểu tại sao thánh Phaolô đã sẵn sàng hy sinh mọi sự, miễn làm sao cho Ixraen được cứu độ.
Nhưng tại sao Ixraen lại từ chối không tin nhận Đức Kitô là Đấng Mêsia? Lý do thật cũng dể hiểu, đó là vì họ không thể tin được rằng Thần Khí Thiên Chúa lại có thể ngự trên con người có xương có thịt như họ, hay nói cách khác. Họ không thể tin nhận mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người. Họ đã không thể tin nhận Thiên Chúa ở cùng chúng ta qua chính Con Người Giêsu, người thợ ở Nazaret, nhưng lại sẵn sàng quỳ lạy Người hiện diện qua biểu tượng của chiếc Hòm Bia!
Thần Khí Chúa qua quyền năng và ân sủng của Đức Kitô
Câu chuyện Đức Giêsu Kitô đi trên mặt nước hôm nay được ba tác giả Mátthêu, Máccô và Gioan thuật lại, còn Luca thì không (Mc 6,46-52; Ga 6,16-21). Nhưng chỉ có Mátthêu kể lại chuyện thánh Phêrô xin phép Chúa cho ông được đi trên mặt nước, và chuyện ông bị chìm khi ông hoảng hốt sợ hãi vì thấy gió thổi mạnh.Điều đáng chú ý nữa, là cả ba tác giả đều đặt biến cố này sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Điều này khiến ta tự hỏi phải chăng các tác giả đều muốn nhấn mạnh đến quyền năng của Đức Giêsu Kitô: không những Người có thể hoá bánh ra nhiều, nhưng còn có quyền năng trên thiên nhiên, vì Người có thể đi trên mặt nước và khiến sóng gió phải lặng im?
Kinh Thánh có nhiều chỗ nói về quyền năng Thiên Chúa chiến thắng biển cả và loài thuỷ quái biểu tượng của sự ác. Các Tv 103; 105; 73,13-14; 88,9-11; cũng như ngôn sứ Habacúc 3,8-15 và ngôn sứ Isaia 51,9-10, đều ca ngợi những chiến công này. Đàng khác chúng ta cũng không thể nào không nói tới câu chuyện Chúa rẽ nước biển Đỏ làm hai để cho dân Người đi qua mà vẫn khô ráo chân (x. Xh 14,15; Tv 105,9). Khải huyền thì nói tới cuộc chiến thắng của Thiên Chúa trên hồ lửa diêm sinh (x. Kh 20,1-13).
Nhưng đều có nghĩa đặc biệt trong Tin Mừng của Mátthêu, là Đức Giêsu Kitô đã ban quyền năng của Người cho thánh Phêrô, vị Tông đồ trưởng. Tuy nhiên, quyền năng ấy đòi hỏi một điều kiện, đó là phải vững tin, ta không được nghi ngờ quyền năng và ân sủng của Chúa.
Vì vậy, nhân loại cũng như chính Giáo hội hôm nay cần được đổi mới, và đang mong được đổi mới. nhưng những sức nặng của đam mê vật chất, đam mê quyền lực, của tất cả những thú vui ích kỷ, của tất cả những gì là xác thịt đang kìm hãm, níu kéo chúng ta lại, tệ hơn nữa ngay cả đối với những kẻ tin Chúa Kitô, thì chính niềm tin của họ cũng đang bị đe doạ, và vì thế, không những họ cũng cảm thấy xác thịt nặng nề, nặng nề tới mức có thể khiến họ chìm xuống, sâu hơn cả những người không tin, những người đang đồng hội đồng thuyền với họ trên mặt biển đời hôm nay.Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải có niềm tin, phải vững tin vào Thần Khí Đức Giêsu Kitô, mỗi khi chúng ta bị đe doạ chìm trong tội ác “lạy Chúa, xin cứu con!” (Mt 14,30). Như thế, Thần Khí mới làm cho ta được trở nên tốt lành trong sự nhận biết Thiên Chúa. PHÊRÔ VŨ MINH TUẤN
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com