Suy tư - Chia sẻ

Ơn khôn ngoan

Cập nhật lúc 14:21 09/08/2017
     Trong buổi triều yết chung tại Quảng trường thánh Phêrô, ngày 9 tháng 4 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn: “Ơn khôn ngoan đó là ân sủng để có thể nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Nó chỉ đơn thuần thế này: nhìn thế giới, nhìn các hoàn cảnh, các tình thế, các vấn đề, tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa. Đó là khôn ngoan. Đôi khi chúng ta nhìn sự vật theo sở thích của mình, hoặc theo tình trạng tâm hồn mình, với yêu hay ghét, với ghanh tị... Không, đó không phải là cặp mắt của Thiên Chúa. Ơn khôn ngoan là ơn làm cho Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta ngõ hầu chúng ta nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Thiên Chúa”. Ơn khôn ngoan là ơn nhưng không Thiên Chúa ban để giúp chúng ta nhận biết điều gì đúng điều gì sai, điều gì tốt điều gì chưa tốt, giúp ta nhận diện phương tiện nào dẫn chúng ta đi trong ánh sáng, phương tiện nào dẫn chúng ta đi vào bóng tối... 

     Vâng, khôn ngoan là ơn “giúp lí trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó” (GLHTCG,số 1835).Ơn khôn ngoan là ơn đầu tiên trong bảy ơn Chúa Thánh Thần, có liên quan mật thiết với ơn hiểu biết. Ơn khôn ngoan làm cho tín hữu gắn bó với Thiên Chúa, cảm nếm được sự “dịu ngọt” và an bình khi chiêm ngắm các mầu nhiệm và suy gẫm các chân lí đức tin. Ơn này làm cho tín hữu phán đoán đúng đắn mọi sự và hướng dẫn người khác sống kiên vững trong đức tin. Vậy, chúng ta hãy xét mình xem liệu chúng ta có ơn khôn ngoan hay chưa? Chúng ta đã sử dụng ơn không ngoan Chúa ban như thế nào?

     “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”. Đó là Lời Thiên Chúa đề nghị với vua Salômôn khi còn trẻ được Người yêu quí. Đó cũng là lời mà Thiên Chúa đề nghị với bất cứ người trẻ nào lần đầu tiên đương đầu với trách nhiệm của mình. Cuộc sống của ông sẽ không là một số phận bị áp đặt; bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa sẽ ban cho ông điều ông mơ ước. Vị vua trẻ này đâu có khởi đầu bằng con số không. Ông mang ơn tổ tiên với tất cả những gì ông có. Và tất cả những gì ông tiếp nhận từ tổ tiên đều đến từ Thiên Chúa. Vua Salômôn biết rằng Đức Chúa đã giao ước với vua Đavít cho đến muôn đời: “Ta sẽ không bao giờ khước từ con cái của ngươi”.

     Để khôn ngoan có thể lan tỏa trên mọi lãnh vực của đời sống, người Kitô hữu cần phải có đời sống mật thiết với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là nguồn mạch khôn ngoan và là Đấng ban sự khôn ngoan cho loài người. Salômôn được xem là người khôn ngoan nhất trên mọi kẻ khôn ngoan. Thế nhưng, sự khôn ngoan của ông cũng phải được phát xuất từ Thiên Chúa. Khôn ngoan như thế đòi ta phải kiên quyết giữ vững lòng trí mình một cách thanh tịnh, để tạo sự bình tâm giữa những xáo trộn của mọi tình huống bên ngoài. Đồng thời hướng lòng mình về ánh sáng của chân lý, giúp cho tâm hồn ung dung phát triển những cảm nghĩ tích cực và những phong thái cao đẹp.

     Hai người trong Tin Mừng Chúa nhật này rất khôn ngoan: người thứ nhất phát hiện ra kho báu được chôn trong ruộng. Ông về bán hết tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng đó. Người thứ hai đó là một thương gia tìm được viên ngọc đẹp. Bằng mọi giá, ông về nhà bán tất cả những gì mình có để mua cho bằng được viên ngọc ấy. Ít nhiều, ai trong chúng ta cũng đang ở trong tình thế như vậy, chúng ta sẵn sàng bỏ tất cả để được cái quí giá hơn. Cái quí giá gấp bội mà Chúa mời gọi chúng ta tìm kiếm đó là Nước Trời.

     Với dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến. Thường thì Thiên Chúa giấu kho tàng, và chỉ cho ta thấy. Nó chỉ thuộc về ta sau khi ta đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng đau khổ để có khả năng lãnh nhận kho báu ấy. Bán tất cả nhũng gì mình có nghĩa là chúng ta phải vứt bỏ tất cả những thói quen, những thú vui thường xâm chiếm mà không thỏa mãn tâm hồn chúng ta. Trong sóng gió và bão táp cuộc đời, chúng ta phải nhớ đến kho báu đã tìm thấy, cho đến khi được gặp lại nó. Như triết gia Platon đã nói: “Đời đen tối mà tin trời sẽ sáng mới là kì diệu”.
     Khi nói về chiếc lưới, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng lẽ sống của Giáo hội là được sai đi “lưới người như lưới cá”, mặc dù sẽ có nhiều người đến rồi sẽ bỏ đi. Một Giáo hội đóng kín chưa chắc sẽ gồm hoàn toàn người tốt. Đức Thánh Cha mong muốn “mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng”, (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 20). Và Ngài cũng xác quyết: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình”, (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 49)...
 
Phêrô VÕ QUÝ AN
Thông tin khác:
Trung tín và khôn ngoan (08/08/2017)
Đấng yêu thương và công bình (04/08/2017)
Sứ điệp sám hối từ Fatima, những tiếng vang thống thiết (03/08/2017)
Hạt giống cần có người gieo (01/08/2017)
Khiêm nhường: Con đường dẫn đến cứu độ (31/07/2017)
Hòa bình trong đời sống (26/07/2017)
KHIÊM NHƯỜNG: Con đường dẫn đến cứu độ (24/07/2017)
Môn đệ đích thực (17/07/2017)
Đức Mẹ ở bên tôi (13/07/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log