Suy tư - Chia sẻ

Niềm hy vọng cứu độ cho con người

Cập nhật lúc 15:19 23/04/2020
Lời Chúa trong Chúa nhật Phục sinh nói cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại: một tình yêu bao la, hải hà của Đấng Tạo Thành đối với thụ tạo.
Phúc cho ai không thấy mà tin. Ảnh: CTV
Phúc cho ai không thấy mà tin. Ảnh: CTV
Lời Chúa trong Chúa nhật Phục sinh nói cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại: một tình yêu bao la, hải hà của Đấng Tạo Thành đối với thụ tạo. Tình yêu vô biên ấy được minh chứng qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục sinh của Con Thiên Chúa. Tình yêu đó mãnh liệt đến nỗi tiêu diệt cả tội lỗi hầu dẫn con người tới vùng đất tự do của con cái Chúa. Tình yêu Thiên Chúa còn được biểu lộ bằng việc trao ban ơn Phục sinh cho các Tông đồ, để họ tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô là giới thiệu và làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. 

I. Đức Kitô Phục sinh trung tâm đời sống người Kitô hữu

Trang Tin Mừng của Thánh Gioan tường thuật về biến cố Chúa Kitô Phục sinh hiện ra với các Tông đồ. Trong bối cảnh ảm đạm sau cuộc xử tử Đức Giêsu, bầu khí đó vẫn chưa lắng đọng. Nỗi thất vọng trong các ông càng tăng lên. Bao nhiêu hy vọng đổi đời khi “tình nguyện” bước theo Đức Giêsu, Đấng mà dân chúng từng tung hô, Đấng đã làm biết bao việc lạ kỳ... nay tan thành mây khói khi chính mắt các ông thấy sự bất lực của Ngài trên Thập giá. Các ông rơi vào tình cảnh hoảng loạn và sợ hãi.

Hình ảnh các cửa đều đóng kín (x. Ga 20,19) nói cho chúng ta về sự sợ hãi của các tông đồ. Các ông rơi vào tình cảnh bơ vơ, không chốn tựa nương. Chính lúc thất vọng và bế tắc, Đức Kitô Phục sinh đã xuất hiện. Tin Mừng nói “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông” (Ga 20,19). Hạn từ “đứng giữa” muốn ám chỉ Ngài chính là trung tâm. Đức Giêsu là trung tâm đối với các môn đệ, là những người bước đi theo Ngài. Chính Ngài đã tuyên bố, “Thầy là đường, là sự thật và sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 16,4). Ngài chính là trung tâm thông truyền ơn cứu độ cho con người.

Từ trạng thái sợ hãi, bất an và cảm giác “bị bỏ rơi”, nay các ông được thêm sức mạnh và được bám chặt vào Đức Kitô, Đấng tăng thêm sức mạnh cho những ai tin vào Ngài. Ngài trở nên trung tâm đối với các môn đệ; và từ Trung Tâm ấy khơi dậy niềm vui và sự bình an: “bình an cho anh em”. Vượt trên mọi sự, lúc này các ông cần sự bình an. Bình an mà Đấng Phục sinh trao ban không phải là sự an toàn tính mạng nhưng là sự bình an với cảm giác có Chúa ở cùng. Chia sẻ sự bình an là cho các tông đồ được thông phần vào chính sứ mạng, sự sống và quyền của Ngài là tha tội. Sứ mạng của các ông không chỉ là siêng năng cầu nguyện và tham dự lễ bẻ bánh” (bài đọc 1) nhưng chính là ra đi làm chứng về Đấng Phục sinh. Rồi đây các ông cũng bị ghét bỏ, bị từ chối và chỉ khi nào bám trụ vào bình an của Đấng Phục sinh các ông mới chu toàn công việc của mình. Đức Kitô đã làm chứng về Chúa Cha thì các môn đệ cũng phải làm chứng về Đấng Phục sinh và đưa mọi người đạt tới niềm tin vào Đấng Phục sinh.

II. Đấng Phục sinh mở ra niềm hy vọng cho những ai không thấy mà tin

Tám ngày sau, Đức Kitô lại hiện ra và trao bình an cho các ông, lần này có thêm Tôma, người trước đó đã vắng mặt. Các bạn đã nói về sự hiện ra của Thầy cho ông, nhưng ông đã không tin, vì ông không thấy. Ông còn ra điều kiện là phải thấy các dấu đinh cũng như phải xỏ bàn tay vào cạnh sườn thì ông mới tin (bài Tin Mừng). Hình ảnh Tôma cũng là hình ảnh của con người ngày nay. Tất cả phải được kiểm chứng, phải được nhìn thấy thì mới tin. Đây là lối sống đặt trọn vào khoa học kỹ thuật và mọi sự phải được kiểm chứng của khoa học. Một lối sống lấy khoa hoc kỹ thuật làm chuẩn mực cho đời sống đức tin. Tôma đã khép lòng mình lại trước lời chứng của các môn đệ nên không đón nhận lời chứng ấy. Con người ngày nay cũng đã khép lòng trước những biến cố đòi hỏi đức tin. Họ đồng hóa đức tin như một thực tại có thể thấy hoặc sờ mó được. Cho nên, Thiên Chúa càng ngày càng xa con người. Con người lấy khoa học và đặt vào vị trí của Thiên Chúa. Vì thế, nhiều lần Thiên Chúa nói với con người qua các lời chứng, mà các lời chứng ấy đòi buộc đức tin chứ không hệ tại nơi điều họ thấy.

Cuộc đối thoại giữa Đức Kitô và Tôma kết thúc bằng lời tuyên xưng đầy xác tín của ông: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đây cũng chính là bài học mà Đấng Phục sinh muốn nhắn nhủ với con người là “phúc cho ai không thấy mà tin”. Tin vào điều mình không thấy thì có phúc hơn nhưng gì mình đã thấy. 

Vì thế, phục vụ Lời Chúa tuần này diễn tả về tình yêu của Thiên Chúa trên con người. Tình yêu ấy quá lớn lao đến nỗi sự chết cũng bị tiêu diệt. Các dấu tích trên thân thể của Đấng Phục sinh là minh chứng rõ nét về một tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Tình yêu ấy không kết thúc khi Đức Kitô tắt thở trên Thập giá nhưng còn tiếp nối bằng biến cố Phục sinh. Hơn nữa, sau khi Phục sinh Đức Kitô còn hiện diện và đồng hành với các Tông đồ và lời hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) được thực hiện. Sự Phục sinh của Đức Kitô không chỉ nói về sự chiến thắng sự chết mà còn mở ra niềm hy vọng chiến thắng tội lỗi cho những ai đón nhận Đấng Phục sinh.

Chúa nhật II Phục sinh còn là Chúa nhật về lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập thánh lễ này để nói với con người về tình yêu hải hà của Thiên Chúa. Hai luồng ánh sáng trắng và xanh, được mặc khải cho thánh nữ Fautina như sứ điệp mà Đấng giàu lòng thương xót muốn nhắn nhủ với nhân loại về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, dù con người bao thời đã khước từ tình yêu ấy.

Vì thế, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi con người, dù rơi vào hoàn cảnh nào, hãy chạy tới lòng thương xót của Đấng Phục sinh, để Ngài nâng đỡ, hướng dẫn và lãnh nhận ơn bình an. Hãy mở lòng để đón nhận các sứ điệp Chúa gửi đến bằng niềm tín thác để cũng lãnh nhận phần thưởng mà Ngài đã từng nói với người trộm lành, “hôm nay, anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi” (Lc 22,43).
Tu sĩ GB Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Tìm một lối sống trong hoàn cảnh cách ly (21/04/2020)
Chứng nhân Chúa đã phục sinh (21/04/2020)
Hạnh phúc được cùng nhóm nhỏ đứng dưới Thánh giá Chúa (21/04/2020)
Hạnh phúc được cùng nhóm nhỏ đứng dưới Thánh giá Chúa (21/04/2020)
Ánh sáng của đức tin (20/04/2020)
Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con đã nhận được những tín hiệu tình thương Chúa gọi con (20/04/2020)
Tin và làm chứng (27/03/2020)
Lạy Chúa xin xót thương con, vì con đến để xin ơn sám hối (27/03/2020)
Để biến đổi (24/03/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log