Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, thánh sử Luca cho chúng ta nghe lại dụ ngôn Chúa Giêsu kể về ông nhà giàu và người nghèo khó Ladarô. Dụ ngôn miêu tả rất rõ hai con người ở hai hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt nhau: ông nhà giàu mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình; còn người nghèo khó Ladarô mụn nhọt đầy mình, thèm được ăn những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no… (x. Lc 16, 19-21). Nghe xong dụ ngôn chắc ai trong chúng ta cũng không hài lòng về cách sống của ông nhà giàu và đồng thời rất xót thương cho số phận nghèo khó Ladarô. Đức Giêsu nói dụ ngôn này với người Pharisêu nhằm muốn dạy cho họ một bài học là biết quý trọng nhân phẩm, quan tâm và thương xót người khác đặc biệt người nghèo bất hạnh trong xã hội. Ngày hôm nay, Ngài cũng thầm nói lại với chúng ta dụ ngôn này để nhắc nhở cho chúng ta thông điệp biết sống thương xót, liên đới và đồng cảm với tha nhân.
Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít những con người lam lũ, những mảnh đời bất hạnh, khổ đau, thiếu ăn, thiếu mặc… nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng gặp nhiều những con người giàu có về của cải vật chất. Thật vậy, Thiên Chúa không tạo nên hai hạng người giàu - nghèo nhưng Ngài dựng nên con người cùng phẩm giá, cùng nhân vị, ban cho họ tự do và quyền làm chủ địa cầu. Có sự phân cấp giàu - nghèo là do cách sống của con người tạo nên: thái độ sống ích kỉ, hẹp hòi, thiếu sẻ chia, thiếu tình liên đới và đồng cảm với người kém may mắn. Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và nhân hậu, Ngài đã ban cho con người mọi ân ban tốt đẹp nhất để biết sống chia sẻ, đồng cảm với nhau. Tuy nhiên trong xã hội hôm nay, có những người thay vì ra công chịu khó làm việc để nuôi sống bản thân thì lại đội lốt người nghèo, đóng vai người nghèo, dàn dựng hiện trường để ăn xin, cướp đoạt, lừa gạt lòng tốt của người khác. Đời sống xã hội hôm nay thật phức tạp, chúng ta muốn sống theo Lời Chúa dạy: phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa (1Tm 6,11), cũng là một điều không dễ chút nào?!. Quả thế, lời Chúa đã dạy cho chúng ta biết sống như vậy hầu mưu cầu hạnh phúc cho chính mình và gieo vãi tình thương của Thiên Chúa cho người khác. Nhưng xã hội và cuộc sống đầy bon chen, hưởng thụ của nhân loại hôm nay đã làm cho chúng ta sống thiếu lòng tin, bác ái, yêu thương với người khác, làm cho chúng ta sống co rúm lại để phòng thủ, cảnh giác… Và như thế, trái tim yêu thương của chúng ta đã được Thiên Chúa thổi Thần Khí cho biết rung động, cảm thương nhưng dần dần ngày một chai lì, dửng dưng trước những nỗi khó khăn, bất hạnh của con người, bởi trong đời sống hôm nay đã không ít người giả danh, đột lốt người nghèo để lừa gạt, lợi dụng lòng bao dung thương xót của người khác hầu chiếm đoạt và trục lợi cho mình.
Mặc dầu vậy, Thiên Chúa vẫn dạy chúng ta sống và thực thi các huấn lệnh: hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện (1Tm 6,14). Khi Thiên Chúa dạy chúng ta sống như vậy, Ngài sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta biết cách thực thi các huấn lệnh Ngài truyền trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án thái độ sống dửng dưng, vô cảm của một số cá nhân, quốc gia trên thế giới có thái độ đối xử không tốt đối với những người nghèo khổ bất hạnh như: người tị nạn, thiếu ăn, thiếu mặc, không có nhà để ở… Họ là hình ảnh của Thiên Chúa, là đối tượng gần gũi nhất để chúng ta thực thi lòng bác ái, thương xót, liên đới tới họ. Thiên Chúa không trách chúng ta giàu có nhưng Ngài sẽ trách và hỏi tội khi chúng ta sống với thái độ ích kỉ, dửng dưng, vô cảm trước những mảnh đời đói khổ cần đến lòng thương xót, sẻ chia, liên đới của chúng ta.
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương nhưng Ngài cũng rất công thẳng. Vào ngày chung thẩm, Ngài sẽ hỏi chúng ta đã sống và cư xử thế nào đối với anh chị em đồng loại của mình chứ không hỏi chúng ta đã làm những công việc gì lẫy lừng cho Chúa? Lòng bác ái quảng đại là tiêu chuẩn được Thiên Chúa đặt lên hàng đầu vì chính Thiên Chúa là Đấng xót thương và Ngài hằng muốn con cái mình biết sống yêu thương, chia sẻ với nhau. “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Quả thế, điều kiện để vào Nước Trời là chúng ta sống thực thi giới răn của Chúa, mà giới răn của Chúa chỉ tóm lại hai điều căn bản là: mến Chúa và yêu người. Chúng ta không thể nói chúng ta yêu mến Chúa nhưng lại ghét anh em mình. Thật vậy khi chúng ta yêu mến tha nhân như yêu mến chính mình là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ ở lại trong chúng ta. Thánh Gioan Tông đồ đã dạy chúng ta về một cách sống chân thật khi sống tương quan với nhau: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18). Suy niệm đoạn Tin Mừng thánh Luca hôm nay cho ta thấy hình ảnh một con người nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cửa ông nhà giàu, thèm những thứ từ trên bàn rơi xuống mà ăn cho no nhưng không được ông nhà giàu quan tâm, không được cho ăn dù chỉ là những thức ăn dư thừa… Những chi tiết này cho chúng ta thấy thực trạng của con người là sống chỉ biết về mình, lo cho mình hơn cho người khác mà không buồn lòng nghĩ tới người đồng loại dù chỉ là một cái nhìn thoáng qua để biết đó là ai, cũng không có. Đây là câu chuyện dụ ngôn mà thánh Luca diễn tả để nói về lòng cảm thương giữa con người với con người nhiều khi chỉ là zero, trong khi Thiên Chúa đã hằng yêu thương con người và dạy cho con người biết sống yêu thương nhau vì Thiên Chúa là tình yêu.
Chúng ta thấy, con người hiện hữu được trên trần gian này là nhờ tình thương Thiên Chúa và mọi sự con người có là nhờ lòng xót thương Thiên Chúa ban cho, không có Thiên Chúa không có gì tồn tại và hiện hữu cả. Chúng ta đang sống năm thánh lòng Chúa thương xót, nguyện xin Thiên Chúa biến đổi lòng trí mọi người đặc biệt là những người Kitô hữu luôn biết sống liên đới và quan tâm đến những mảnh đời còn lam lũ bất hạnh hơn hết; đồng thời biết khiêm tốn nhận ra tình thương của Thiên Chúa đã yêu thương ta biết chừng nào để từ đó chúng ta cũng biết sống cho đi như lời của thánh Phaolô nói: cho thì có phúc hơn là nhận.
Phêrô Hưng Quỳnh