Suy tư - Chia sẻ

Điều kiện để trở nên môn đệ Đức Kitô

Cập nhật lúc 15:18 14/09/2016
Chúa nhật XXII khuyên dạy chúng ta, người có lòng khiêm hạ thì luôn đẹp lòng Thiên Chúa và hành động trong sự hướng dẫn của Chúa.
     Phụng vụ lời Chúa tuần này giúp chúng ta phân định những điều kiện cần có để trở thành môn đệ Chúa Kitô. Mỗi người luôn được mời gọi để trở thành môn đệ Chúa Kitô nhưng không phải là lời gọi mời hời hợt, trái lại là lời mời gọi có điều kiện; chỉ những ai đáp ứng đủ những điều kiện ấy thì mới là môn đệ Chúa Kitô. Đó là những điều kiện nào? Trang Tin Mừng của thánh sử Luca hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều kiện để được thâu nhận vào số môn đệ Đức Kitô. 
     I. Điều kiện thứ nhất: ưu tiên cho tương quan với Đức Kitô

     Điểm nổi bật của Đức Giêsu chính là sự cương quyết lên Giêrusalem để hoàn tất chương trình cứu độ. Trên hành trình đó, có nhiều người, với nhiều lý do khác nhau, sẵn sàng cùng đi với Người. Có người bước đi nhằm thỏa mãn cái đói; có người đi theo từ đàng xa (Nicôđêmô); có người xin Chúa được đi theo; cũng có người được Chúa mời gọi… Cụ thể, Tin Mừng hôm nay cho thấy rõ điều đó, “có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu” (Lc 14,25). Đức Giêsu biết họ đi theo mình với mục đích gì nên Người nói với họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được (bài Tin Mừng). Đây được coi là điều kiện đầu tiên cho hành trình trở thành môn đệ Chúa Kitô. Khi nghe đến điều kiện này không ít người cảm thấy sốc hay ngạc nhiên. Điều khó hiểu nằm ở chỗ, theo Người phải “từ bỏ” cha mẹ, vợ con… đó là người thân máu mủ ruột thịt của mình. Điều này khiến họ không khỏi nghi vấn. Đối với họ, Đức Giêsu không có máu mủ, họa chăng đi theo vì ngưỡng mộ hay một lý tưởng nào đó, chẳng lẽ vì Người mà họ từ bỏ người thân ruột thịt? Thiết nghĩ có nhiều người trong số họ tỏ ra thất vọng và bỏ cuộc. Thứ đến, là giới răn yêu thương đã bị đảo lộn? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự ghét bỏ? Không phải như thế, bởi vì từ “ghét” ở đây được làm sáng tỏ ở Mt 10,37: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. Nghĩa là ai bước theo Đức Kitô thì phải yêu mến Người trên hết tất cả những người khác, kể cả người thân máu mủ; hơn nữa còn phải yêu Người hơn cả chính mình. 

     Nếu chúng ta tin nhận Đức Giêsu là Chúa và muốn gắn bó với Người thì phải ưu tiên cho mối tương quan này, đặt mối tương quan này lên hàng đầu hơn cả tương quan với người thân. Bởi chính Người làm chủ sự sống và tình yêu trao ban. Chúng ta lãnh nhận sự sống từ cha mẹ, các ngài cũng chỉ là trung gian thông ban sự sống đó mà thôi. Người thân máu mủ chỉ là hình ảnh tình yêu của Người dành cho chúng ta. Vì thế, chính mối tương quan duy nhất với Đức Kitô sẽ điều hành tất cả các mối tương quan khác. 

     II. Điều kiện thứ hai: vượt trên cái tôi 

     “Ai không vác Thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).
Đây chính là điều kiện thứ hai mà Đức Giêsu đưa ra cho những ai muốn theo Người. Điều kiện này nhắm đến việc từ bỏ cái tôi chính mình. Trở ngại lớn nhất không phải là việc từ bỏ cha mẹ, anh chị em… nhưng là cái tôi ích kỷ của mình. Trong đời sống, cái tôi của con người được thể hiện qua việc thu vén của cải, đánh bóng tên tuổi; hay dùng thủ đoạn để thăng tiến bất chấp người anh em, coi mình là “cái rốn của vũ trụ”…Đi theo Người đòi buộc chúng ta từ bỏ cái tôi chính mình để hướng về những người chung quanh. Để trở thành môn đệ Chúa Kitô thì ngay cả cái tôi và sự sống của ta cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Đức Kitô. Chẳng ai muốn vác lấy Thập giá nhưng để trung thành với Người thì cần phải vác lấy Thánh giá mỗi ngày; Thánh giá đó chính là việc khước từ những định kiến về người khác, tính ích kỷ, lòng tham lam…Chỉ khi khước từ những điều này, mới giúp chúng ta nhẹ nhàng thực hiện sứ mệnh Chúa trao phó là lên đường chia sẻ tình yêu cho người khác, đặc biệt là những con người chưa nhận biết Tin Mừng. Một khi còn hướng đến cái tôi ích kỷ thì không còn chỗ cho sứ mệnh của Đức Kitô, vì sứ mệnh của Người thường đi ngược với toan tính của con người; và cũng không sẵn sàng chia sẻ tình yêu cho người khác vì lo thu vén cho chính mình.

     III. Điều kiện thứ ba: Từ bỏ của cải

     “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33).

     Điều kiện này liên quan đến của cải vật chất, là những thứ cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng, việc từ bỏ của cải, tiền bạc không phải là điều dễ dàng vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Hình ảnh anh thanh niên giàu có trong Mt 19,21 cho ta bài học sâu sắc. Của cải, tiền bạc là những thứ có thể đáp ứng nhu cầu thể lý cho con người, từ bỏ nó đồng nghĩa với việc hạn chế những sở thích. Đức Giêsu muốn người môn đệ phải là người từ bỏ triệt để không dựa dẫm vào của cải vật chất nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa để lên đường. Không bám víu vào của cải tiền bạc nhưng hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa để hướng về tha nhân. Người muốn những ai bước theo Người không bị của cải chi phối nhưng hãy để cho Thiên Chúa chi phối.

     Tất cả những điều kiện trên cho ta thấy đường lối của Thiên Chúa khác hẳn với suy nghĩ, tính toán của con người. Những gì là chắc chắn và cần thiết đối với con người thì Thiên Chúa đòi buộc phải từ bỏ. Chính vì thế mà tác giả sách Khôn Ngoan đã thốt lên: “ý định của Thiên Chúa ai biết được” (bài đọc 1). Và để thực hiện những điều kiện này cần phải có sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ khôn ngoan của loài người không thể hiểu nổi; và chỉ thực hành theo đức khôn ngoan mới giúp ta làm đẹp lòng Thiên Chúa (bài đọc 1). Hơn nữa, chỉ trong tương quan với Đức Kitô mới giúp chúng ta nhìn nhận tha nhân là hình ảnh của Người hầu đối xử với nhau trong tình yêu của đức Kitô: “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ…(bài đọc 2). 
    
    Tóm lại, các điều kiện được nêu ra không chỉ có giá trị cho một thiểu số ưu tuyển, nhưng cho tất cả mọi người bước theo Đức Kitô, là tuyệt đối không bám víu vào của cải vật chất nhưng sử dụng nó trong mối dây liên hệ với Đức Kitô. Mối dây với Đức Kitô phải được ưu tiên hơn mọi liên hệ khác. Tình yêu đối với Người không loại trừ tình yêu đối với loài người, trái lại, Người muốn chúng ta yêu thương người thân cận, nhưng tương quan của người thân cận phải được quy định bởi tương quan của Đức Kitô. 
 
JB. NGUYỄN CƯỜNG
Thông tin khác:
Cầu xin bình an cho quê hương yêu dấu (08/09/2016)
Tôi đã được Chúa cứu (29/08/2016)
Nhìn lên trời, để biết sống cuộc đời trần thế (22/08/2016)
Để có bình an của Chúa (18/08/2016)
Được an ủi nâng đỡ (15/08/2016)
Ai là người quản lý trung tín và khôn ngoan (11/08/2016)
Tôi thấy trời mở ra (08/08/2016)
Luôn vui mừng chờ đón Chúa đến bất cứ lúc nào (01/08/2016)
Hãy chuyên cần cầu nguyện (25/07/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log