Vì thế, cầu nguyện là cách thức để con người gặp gỡ Đấng Tạo Hóa, đầy quyền năng hầu có được một đời sống an bình. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta nhìn lại cách thức tương quan với Thiên Chúa, và cho ta thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Đó không phải là việc làm mất thời gian, vô bổ nhưng là khoảng thời gian giúp ta tìm lại chính mình ngang qua lời cầu nguyện, để cảm nhận được Chúa ở với mình. Vì thế, việc cầu nguyện không chỉ đến trong một khoảng thời gian nhất định nhưng phải diễn ra liên lỉ; nó được coi như là nhu cầu tâm linh cần thiết, là hơi thở của sự sống thần linh.
I. CẦU NGUYỆN, HƠI THỞ CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Điều cần thiết cho sự sống con người hệ tại nơi nhiều yếu tố khác nhau quyện lại như: lương thực, nước uống hay khí trời… Nếu không có lương thực, con người có thể sống được khoảng 7 ngày. Con người có thể sống được khoảng 3 ngày nếu không có nước uống. Nhưng trong một khoảng thời gian ngắn con người sẽ chết nếu thiếu khí trời (oxy). Có thể nói, khí trời là một yếu tố cần thiết và quan trọng cho sự sống con người, khi nào không còn khí trời con người sẽ chết.
Đời sống tâm linh cũng vậy, cũng cần những yếu tố cần thiết để duy trì sự sống. Ngày nào không có những yếu tố này, tâm linh cũng sẽ “chết”. Cho nên, một trong những yếu tố duy trì sự sống tâm linh chính là đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện chính là hơi thở cho sự sống tâm linh. Vì qua cầu nguyện, người tín hữu đón nhận sức sống từ Thiên Chúa. Cầu nguyện giúp người tín hữu đạt đến mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, Đấng khơi nguồn sự sống và bình an. Chính Đức Kitô đã chọn cầu nguyện để đối diện với những thử thách của ma quỷ và từ nơi thân phận con người của Ngài. Cầu nguyện là cách thức giúp Ngài gắn bó với Thiên Chúa, đón nhận sức mạnh của Thiên Chúa. Hành trình lên Giêrusalem là đoạn đường đầy gai chông, đoạn đường ngắn mà xa. Ngắn về địa lý nhưng xa bởi đầy thử thách. Ý thức được sự khó khăn trên hành trình này, Đức Giêsu không ngừng cầu nguyện để nhận ra thánh ý Chúa Cha. Không ngày nào Ngài không cầu nguyện, dù phải làm việsc mệt nhọc, Ngài cũng dành thời gian để gắn bó với Chúa Cha; đó là năng lượng thiết yếu cho công cuộc cứu độ. Đó là cách thức mà Ngài đã hoàn thành chương trình cứu độ.
Đối với người Dothái, việc cầu nguyện là cần thiết và là bổn phận phải làm, hầu vinh tụng Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương đến họ, đã tuyển chọn và giữ gìn họ. Bên cạnh đó, cầu nguyện còn là dịp để họ cầu xin Đức Chúa ban cho họ những nhu cầu vật chất cần thiết cho cuộc sống. Từ công việc, chọn vợ gả chồng cho tới việc ra trận…họ luôn cầu nguyện mong cho mọi việc được tốt đẹp. Bài đọc 1 cho ta kinh nghiệm đó. Đoạn trích sách Xuất Hành thuật lại cho chúng ta bối cảnh của người Israel lúc bấy giờ. Đó là cuộc xuất trận đánh quân Amalếch. Có thể nói đây là cuộc giao tranh ngang sức ngang tài, mà việc thắng bại không hệ tại nơi chiến thuật dùng quân của các tướng sĩ. Một chi tiết thú vị là khi nào Môsê giơ tay và cầu nguyện thì quân Ixraen thắng trận, còn khi nào tay hạ xuống thì thất thế. Cho nên, hai ông Aharon và Khua đã tìm cách để tay ông Môsê không bị hạ xuống và cứ như thế dân Ixraen đã thắng trận.
Có thể nói, việc cầu nguyện không chỉ là cách để chúng ta giải bày tâm sự hay cầu xin với Thiên Chúa mà còn là sự bảo đảm để chúng ta vượt thắng các thử thách, là phương dược giúp chúng ta cân bằng các trạng thái nơi con người vốn đã bị cuộc sống vắt kiệt sức lực. Việc thắng trận của dân Ixraen nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện là hình ảnh sống động cho việc chúng ta sẽ vượt thắng các kẻ thù, nhờ sức mạnh của Chúa. Không một sức mạnh hay thế lực nào mà chúng ta không vượt thắng nếu ta có sức mạnh của Chúa. Để có sức mạnh đó đòi buộc người tín hữu phải biết cầu nguyện luôn mãi.
II. PHẢI CẦU NGUYỆN LUÔN
Ở chương 11, thánh Luca cho chúng ta biết cách thức cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa Cha qua việc Đức Giêsu dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Đó là lời kinh tán tụng, ngợi khen và nài xin Thiên Chúa. Bản văn ở chương 18, Đức Giêsu lại dạy chúng ta cách thức cầu nguyện khác, đó là việc kiên nhẫn trong cầu nguyện. Trước khi đưa ra dụ ngôn cho các môn đệ, Ngài mời gọi họ phải cầu nguyện luôn, không nản chí (Lc 18,1). Lời dạy của Đức Giêsu về việc cầu nguyện liên lỉ, không được nản chí là nhằm tư thế sẵn sàng đón nhận biến cố chung cuộc.
Việc cầu nguyện (cụ thể qua hành vi cầu xin) không được như lòng ước mong rất dễ khiến chúng ta nản chí, buông xuôi, dễ từ bỏ điều mình cầu xin và dẫn tới việc nghi ngờ về Thiên Chúa. Chúng ta dễ có cảm giác Chúa không lắng nghe việc cầu xin của mình. Thiên Chúa chúng ta không bao giờ giả điếc làm ngơ, nhưng luôn lắng nghe điều con cái nài xin và sẵn sàng ban ơn với điều kiện phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình, cộng với niềm tin son sắt vào Ngài. Việc Thiên Chúa chưa ban ơn, cách khác là nhằm tôi luyện tính nhẫn nại của chúng ta. Hình ảnh bà góa trong trang Tin Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình cho việc kiên nhẫn trong cầu nguyện.
Bà góa này gặp phải chuyện bất bình và chạy đến xin ông quan tòa minh xét. Chẳng may, bà lại gặp phải vị quan tòa “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”, đồng nghĩa việc bà xin minh xét khó được giải quyết. Ngày này qua ngày khác, không nản chí, bà vẫn đến gặp vị quan tòa để được minh xét và cuối cùng bà cũng được toại nguyện. Việc minh xét cho bà không nằm nơi lòng thương xót của ông quan tòa nhưng hệ tại nơi việc muốn được yên ổn bản thân. Lấy hình ảnh này để khuyên dạy mỗi người trong cầu nguyện, Đức Giêsu không nói đến một vị Thiên Chúa không thích bị làm phiền, nhưng nhấn mạnh đến tính kiên nhẫn trong cầu nguyện. Thiên Chúa không như ông quan tòa, không muốn lắng nghe lời con cái nài xin, mà trái lại, một vị Thiên Chúa hằng dõi theo và ban ơn: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?...Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18,7-8).
Hành trình hướng về ngày chung thẩm là một hành trình dài, đòi buộc mỗi người tự lo liệu những nhu cầu cần thiết cho việc Con Thiên Chúa trở lại. Việc chuẩn bị cần được thực hiện mỗi ngày, một trong những điều cần thiết chính là thiết lập mối tương quan với Ngài, để khi Ngài tới Ngài sẽ đón rước vào Vương Quốc trên trời. Cầu nguyện là phương thế cần có để tạo nên mối tương quan với Đức Kitô. Việc cầu nguyện phải được thực hiện mỗi ngày, liên lỉ và không được nản chí, buông xuôi. Một khi nản chí, đời sống tâm linh sẽ trở nên héo úa, kiệt quệ và không còn đủ sức để chiến đấu. Có nhiều cách thức để cầu nguyện, một trong những cách thức là cầu nguyện với Thánh Kinh. Thánh Phaolô khẳng định: “Những gì được viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng” (Bài đọc 2). Cho nên, cầu nguyện qua Thánh Kinh giúp chúng ta dễ dàng gắn bó với Thiên Chúa hơn, vì đó là cách thức mà Đức Giêsu đã chỉ dạy.