Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, là một danh hiệu của Mẹ Maria được tuyên xưng bởi Giáo hoàng Piô IX. Ảnh: CTV |
1. Giờ đây tôi đã 93 tuổi. Sức khỏe xuống cấp trầm trọng. Tôi được báo đây là giai đoạn cuối đời.
Cuối đời của tôi là một bài ca ngợi khen Thiên Chúa. Tôi ca ngợi Chúa vì những gì đã nhận được và đã cho đi.
2. Do tội lỗi và do yếu đuối, tôi ví mình như người lữ hành từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, bị cướp trấn lột và bị đánh đập, mà Chúa Giêsu mô tả trong Phúc âm thánh Luca (Lc10, 29- 37).
Nhiều người qua đường thấy tôi nằm ở vệ đường, nhưng bỏ đi. Chỉ có một người đã dừng lại, cứu tôi, đưa tôi vào quán trọ là Hội Thánh, nhờ chủ quán chăm sóc. Tôi đã được cứu thế nào, thì cũng lo cứu người khác như vậy.
Nhận được nhưng không, thì cũng cho đi nhưng không.
Những gì đã xảy ra cho tôi suốt cuộc đời của tôi là như thế đó. Tôi nói lên, để chia sẻ với những người tôi yêu thương.
3. Giờ đây nhìn lại đời mình là như thế, tôi tự hỏi: Người Samari tốt lành đó trong đời tôi là ai?
Chúa cho tôi thấy: Người đó là Đức Mẹ Maria. Chính Đức Mẹ đã được Chúa gửi đến để cứu tôi.
Gặp Đức Mẹ, tôi cảm nhận thấy yêu thương và khiêm nhường nơi Đức Mẹ là rất tuyệt vời.
4. Khác với nhiều người, vừa cứu, vừa điều tra, vừa chê, vừa chửi, Đức Mẹ thì vừa cứu, vừa chữa lành, vừa chúc phúc.
Yêu thương và khiêm nhường nơi Đức Mẹ đang đem lại cho tôi niềm an ủi và sự bình an.
5. Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, hay kể cho tôi nhiều chuyện về sự Chúa đã tha thứ là Chúa quên đi những tội đã tha, chứ không hễ có dịp là lại lôi tội đã tha ra mà mắng trách.
Tôi thấy Ngài đã nói với tôi thay cho Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ cũng đã nhiều lần nhắc lại cho tôi điều này: Chúa không tích trữ các tội của tôi đã phạm để mà trừng phạt, nhưng Chúa đã tha thứ là xóa hết.
6. Tôi cũng đã thấy như vậy nơi Hội Thánh Chúa. Biết bao lần Hội Thánh Chúa đã thay mặt Chúa mà tha tội cho tôi. Vừa tha thứ, vừa chữa lành, vừa chúc phúc. Nhờ vậy, mà tôi bớt nặng lòng.
Được Hội Thánh tha thứ, tôi nhận ra Hội Thánh là Mẹ của tôi, Hội Thánh là hình ảnh Đức Mẹ Maria yêu dấu của tôi.
7. Yêu thương và khiêm nhường là bầu khí thiêng liêng tôi hít thở trong Hội Thánh Chúa. Bầu khí đó đã cảm hóa tôi, đã giúp tôi đổi mới chính mình.
8. Tới đây, tôi sực nhớ một mẩu chuyện nhỏ có liên quan đến Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Sáng hôm đó, tôi được mời đồng tế với Đức Giáo hoàng. Thánh lễ có đông người dự. Sau thánh lễ, các người đồng tế và các người tham dự thánh lễ xếp thành vòng tròn trong một căn phòng rộng lớn, đợi Đức Thánh Cha ra.
Tôi đứng hàng đầu. Gặp tôi, Đức Thánh Cha nói ngay: “Cha thấy con không được khỏe. Con nên lo chữa bệnh đi.” Tôi trình với Ngài là tôi có mấy vấn đề muốn trình bày với Ngài. Ngài đáp: “Được”. Rồi Ngài tiếp tục đi gặp từng người suốt vòng người đứng chờ.
Chợt Ngài trở lại chỗ tôi đứng và nói một cách thân thương: “Con nên đi lo chữa bệnh trước đã, còn các vấn đề con muốn trình bày sẽ trình bày sau.”
Tôi cảm nhận thấy nơi Đức Thánh Cha hình ảnh Đức Mẹ. Thế là tôi đã nhận được toàn là yêu thương và khiêm nhường.
9. Để rồi, tôi được Đức Mẹ khuyên: “Nhận được thế nào, thì cũng hãy cho đi như vậy.”
Điều Đức Mẹ khuyên tôi nghe thì dễ, nhưng thực hành thì khó. Tôi phải phấn đấu rất nhiều với chính mình.
10. Biết đau cái đau của người khác. Biết khổ cái khổ của người khác. Tôi được Đức Mẹ luôn nhắc đi nhắc lại điều đó. Hãy coi đó là một sự trưởng thành về đời sống thiêng liêng, nhất là về ơn gọi làm môn đệ Chúa.
11. Nếu hôm nay xét mình, mà không thấy mình biết đau khổ cái đau khổ của người khác, thì đó là đâu phải sám hối rất nhiều.
12. Nếu được như Đức cha Cassaigne còn bước thêm một bước nũa, đó là chia sẻ cuộc sống khổ đau của người khổ đau bằng cách hy sinh sống giữa người phong cùi. Hay như Mẹ Têrêsa Calcutta sống giữa, sống với và sống như những người khổ đau nghèo túng. Thì đó là những gương sáng, để tôi noi theo, được chừng nào hay chừng đó.
13. Tóm lại, tâm sự cuối đời của tôi là Thánh giá. Thánh giá là biểu hiện yêu thương và khiêm nhường trong hy sinh, từ bỏ mình. “Đây là cây Thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian”.