Dẫu vậy, trong công cuộc lao động của mình, con người lại được cộng tác với chính Thiên Chúa để cải hoá và biến đổi thế giới này. Con người là hình ảnh của Chúa, sáng tạo và tiếp tục công việc sáng tạo của Thiên Chúa, nhờ sức lao động của mình. Do đó, lao động không trở nên một điều gì thấp kém hèn hạ mà con người phải thực hiện cho cuộc sống của mình, nhưng lao động mang giá trị cao quý, đến nỗi, có khi người ta còn dùng lao động để đánh giá về một con người.
Công đồng Vaticano II đã dạy: Khi làm lụng để sinh sống và nuôi gia đình, hướng công việc của mình nhằm phục vụ xã hôi tốt. Để thấy việc lao động của mình là sự kéo dài công trình của đấng Sáng tạo, là một sự giúp đỡ anh em, là một đóng góp của cá nhân họ vào việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa quan phòng trong lịch sử .(trích)
Ngày hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội Công Giáo, chúng ta hân hoan mừng kính Thánh cả Giuse, người thợ mộc đáng kính của thành Nazareth. Ngài là mẫu mực cho chúng ta về đời sống nhân đức, về đời sống âm thầm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, và về đời sống lao động thường nhật. Chính trong khung cảnh bình dị của gia đình nơi làng quê đơn sơ ấy, Thánh Giuse với công việc của mình đã trở nên mẫu gương cho giới cần lao qua mọi thời đại.
Ở Châu Âu, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ thứ XX, giới thợ thuyền đã đứng lên tranh đấu để nâng cao phẩm giá và nâng cao đời sống của họ. Nhiều phong trào đấu tranh đã nổi dậy đòi giới chủ ông phải tăng lương và xem xét lại giờ giấc, điều kiện lao động. Giáo Hội đã lắng nghe tiếng nói, tiếng cầu cứu của họ. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô XI đã mở ra những chân trời mới trong giới lao động. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã chọn Thánh Giuse Công Nhân làm bổn mạng của giới cần lao. Ngày 01 tháng 5 hàng năm đã trở nên ngày Quốc tế lao động trên toàn thế giới.
Thánh Giuse sinh tại Nagiarét, một thôn làng nhỏ bé và nghèo nàn thuộc đất nước Do Thái. Ngài thuộc hoàng tộc vua Đavít, nhưng thánh Giuse sống cuộc đời nghèo khó thanh bạch, với nghề thợ mộc để lao động nuôi sống gia đình. Thiên Chúa chọn thánh Giuse làm cha nuôi chúa Giêsu và là bạn Đức Trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã không chọn một người cao sang giàu có, nhưng chọn một ngừời thợ mộc bình thường, thậm chí tầm thường đối với xã hội đương thời, để cộng tác vào chương trình Cứu độ.
Trong mọi biến cố, trong mọi sự chông gai khó khăn, thánh Giuse luôn can đảm, phó thác và sống hoàn toàn công chính, tin cậy tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Giáo Hội ca ngợi thánh Giuse bằng những lời Thánh vịnh thật ý nghĩa: “Người công chính tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Libăng trồng nơi nhà Chúa trong đền thánh Người” (Tv 92, 13-14) và long trọng giới thiệu “Đây là người quản gia trung tín và khôn ngoan. Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa” (Lc 12, 42). Thánh Giuse quả thực trở thành gương mẫu cho mọi người về mọi nhân đức.
Là người đứng đầu trong gia đình, thánh Giuse đã cần cù lao động, sống âm thầm thinh lặng và chuyên chăm làm việc. Qua đó, thánh nhân đã đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì tận tuỵ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm và lương tâm ngay thẳng của mình. Giuse đã sống đời lao động theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Thánh Giuse đã sống đời lao động theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Qua việc làm, qua nghề thợ mộc, thánh cả Giuse đã âm thầm chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, Đấng đang sống nhờ nghề thợ mộc của Ngài. Nơi gia đình Nazareth, thánh Giuse đã phục vụ hết mình. Chính những giọt mồ hôi, sự mệt nhọc và lòng hy sinh, quảng đại cố gắng của thánh Giuse đã mặc cho lao động một ý nghĩa tốt đẹp.
Thánh Giuse luôn coi trọng sự cần mẫn lao động, đơn sơ phục vụ trong những công việc gia đình hết sức tầm thường nhưng là những công việc quen thuộc của đời thường, là những lao công của cuộc đời con người. Thánh Giuse đã thinh lặng để phục vụ, để làm việc. Sự thinh lặng nội tâm của Ngài luôn có một ý nghĩa quan trọng. Thánh Giuse đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ngài làm việc với tất cả đức tin và với lòng yêu mến. Chính cái chiều nội tâm này nâng cao giá trị sự lao động, có một chiều dầy, một sức nặng thiêng liêng.
Viết về thánh Giuse, chúng thật cảm phục về con người khiêm tốn sống trong im lặng trầm lắng. Nhưng giờ đây trên thiên quốc, thánh Giuse lại là một Người đầy quyền thế trước mặt Chúa Giêsu đến nỗi thánh Têrêsa Avila đã cảm nghiệm sâu sa rằng: “Trên trời thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”.
Việc lao động của con người nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Lao động là góp tay làm vinh quang cho Thiên Chúa qua sự sáng tạo vũ trụ, con người và làm việc là để ơn cứu rỗi được chan hòa nơi thế giới này. Lao động sẽ không còn là đơn điệu, lập đi lập lại hàng ngày những công việc, những cách làm một cách máy móc, cho có lệ, qua loa để mau hết giờ để kiếm nhiều lợi ích, tiền của cho cá nhân, cho bản thân của mình, nhưng lao động theo mẫu của thánh Giuse là làm cho lao động mang một ý nghĩa cứu độ và phục vụ, lao động theo lời mời gọi của Thiên Chúa.
Trong ngày Quốc Tế lao động, ta hãy cầu nguyện và noi gương bắt chước thánh Giuse để biết sống và lao động theo đúng ý nghĩa cao đẹp của nó. Đời sống gương mẫu của Thánh Giuse là lời kêu gọi khẩn thiết cho ta tất cả, là bổn phận đã được dự phòng từ trước tin tưởng trao cho ta chu toàn trong nếp sống trung thành, đơn giản chân thành và khiêm nhường.
Mừng lễ thánh Giuse thợ, ta hãy nhớ lời của Đức Thánh ChaPiô XII nhắn nhủ, trong bài diễn văn đọc vào ngày lễ thánh Giuse thợ đầu tiên: “Nếu các con muốn được gần Chúa Kitô, Cha nhắc nhớ các con hôm nay : Ite ad Joseph - Hãy đến với Giuse” (St 41,55)
Nguyện xin Thánh Giuse phù trợ tất cả những người lao động trên toàn thế giới, qua những công việc làm khác nhau góp phần xây dựng sự phát triển cho toàn thể nhân loại.