Suy tư - Chia sẻ

Thánh Thần của Đấng Phục Sinh

Cập nhật lúc 07:21 24/05/2021
Theo Phụng vụ, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chính thức khép lại mùa Phục sinh nhưng cũng là thời điểm mở ra mùa phụng vụ khác, mùa Thường niên. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo hội. Thánh Thần không đến để khép lại thời kỳ của Đấng phục sinh nhưng mở ra thời kỳ mới, thời kỳ loan báo về Đấng phục sinh. Vì thế, Thánh Thần không mặc khải về một Tin Mừng khác. Nhưng Ngài giúp các môn đệ nhớ lại những lời Chúa Giêsu đã nói. Chính Ngài biến đổi các môn đệ và đồng hành cùng với các ngài.

1. Thánh Thần biến đổi các môn đệ

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, tác giả Gioan nói cho chúng ta về hoàn cảnh hiện thời của các môn đệ. Tình cảnh đó là run sợ trước thế lực của giới cầm quyền tôn giáo Dothái. Sở dĩ các môn đệ sợ hãi bởi vì trước đó ít ngày, Đức Giêsu đã bị các thượng tế, biệt phái giết chết bằng cách đóng đinh Ngài trên cây Thập giá. Bao nhiêu hy vọng của các ông đặt vào Đức Giêsu, vậy mà niềm hy vọng đó đã tan thành mây khói khi Đức Giêsu đã tắt thở trên cây khổ giá. Hình ảnh “đóng kín cửa” là một minh chứng rõ ràng về sự sợ hãi của các ông. Các ông không chỉ sợ những người đứng đầu tôn giáo mà còn sợ những người đồng hương, sợ họ tố cáo. Trong suy nghĩ của các ông, cái chết đang đợi ở phía trước. Các ông đang rơi vào tuyệt vọng và chờ ngày cùng chung số phận với Thầy mình. Chính trong lúc tuyệt vọng cánh cửa hy vọng đã mở ra và Thánh Thần chính là niềm hy vọng đánh tan nỗi lo sợ của các ông.

Cách thức Thánh Thần đến với các môn đệ được sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà...rồi họ thấy xuất hiện những hình giống như hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy được tràn đầy Thánh Thần”. Chính lúc tràn đầy Thánh Thần cũng là thời điểm con người các ông thay đổi. Sự sợ hãi bỗng biến mất. Cánh cửa khép kín, dấu diệu của sự thu mình, lo sợ trước thế lực quan quyền, nay được thay thế bằng cánh cửa mở tung, dấu chỉ của sự can đảm. Nếu trước đó là sợ bị người Dothái phát hiện thì nay, nhờ Thánh Thần các ông đứng trước mặt các thủ lãnh Dothái để loan báo về một Đức Giêsu đã bị giết chết. Nếu căn phòng chật hẹp trước đây họ ở với nhau thì nay từ căn phòng ấy họ ra đi khắp nơi để làm chứng về Đấng Phục sinh. Và thành quả của Thánh Thần chính là ai nấy đều nghe các môn đệ nói tiếng mẹ đẻ của mình: Có người là dân Pacthia, Mêđi, Êlam, Axia... (Bài đọc 1). Sự ngạc nhiên không hệ tại nơi tài ăn nói của các môn đệ, họ là những con người tầm thường. Nhưng ở chỗ tại sao những con người tầm thường ấy lại có thể làm được điều này. Thánh Thần đã biến đổi các môn đệ từ những con người nhát đảm, không dám đối diện với những người khác để trở thành thầy dạy, loan báo Tin Mừng của Đấng Phục sinh.

Vì thế, sứ mạng của Thánh Thần không chỉ biến đổi các môn đệ mà còn biến đổi Giáo hội và chúng ta. Chúng ta cần biết mở lòng ra để Thánh Thần đi vào biến đổi chúng ta, ban cho chúng ta những ơn cần thiết để mình không sợ hãi khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

2. Thánh Thần trong sứ mạng loan báo Đấng Phục sinh

Thánh Thần đóng vai quan trọng trong công cuộc loan báo Tin Mừng Phục sinh của Giáo hội sơ khai. Ngài cùng loan báo Tin Mừng với các môn đệ. Điều đầu tiên Đấng Phục sinh ban cho các môn đệ không phải là một vị trí trong Nước Trời mà là trao ban Thánh Thần và bình an. Trao ban Thánh Thần đồng nghĩa với việc lãnh nhận sứ mạng. Sứ mạng ấy chính là lên đường rao giảng về Đức Giêsu đã chết và nay đã Phục sinh. Đấng mà con người loại trừ chính là Đấng khơi nguồn sự sống để ai tin vào Ngài sẽ được sống muôn đời. Vì thế, hoạt động truyền giáo của các môn đệ cũng là hoạt động của Thánh Thần. Các môn đệ loan báo Tin Mừng dưới sự tác động của Thánh Thần. 

Mặt khác, Thánh Thần không chỉ hoạt động nơi việc truyền giáo mà còn hiệp nhất nơi các môn đệ. Trong bối cảnh hoang mang, hoảng sợ mỗi người một ý, hơn bao giờ hết các môn đệ rơi vào khủng hoảng và thiếu sự hiệp nhất. Chính Thánh Thần đã đến và đánh tan mọi hoang mang ấy, liên kết các ông thành một. Hiệp nhất chính là sức mạnh xóa tan sự chia rẽ. Tác giả thư Côrintô nói cho chúng ta về sự hiệp nhất trong đa dạng và Thánh Thần là nguồn của sự hiệp nhất đa dạng ấy: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa...” (bài đọc 2).

Mỗi người chúng ta cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh giống như các môn đệ năm xưa, cách riêng trong đời sống gia đình cũng như đời sống giáo xứ. Có những lúc chúng ta không tìm được tiếng nói chung, ai cũng cho mình là trung tâm, ý mình là đúng và như thế chúng ta đang sống trong môi trường chia rẽ, vắng bóng Thiên Chúa. Thánh Thần ban cho mỗi người một khả năng để đóng góp vào việc xây dựng Nước Trời cũng như tô đẹp vũ trụ này. Sự khác biệt ấy đòi hỏi sự liên kết tạo thành sự thống nhất chứ không phải khác biệt để loại trừ nhau. 

Vì thế, chúng ta hãy mở lòng ra để Thánh Thần bước vào và Ngài sẽ liên kết chúng ta thành một thân thể duy nhất để được kết hiệp với Đức Kitô là Đầu... Tất cả với một mục đích duy nhất là “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa Kitô”.

Phụng vụ lời Chúa hôm này nhắc nhớ cho chúng ta về vai trò quan trọng của người tín hữu. Vai trò ấy chính là loan báo về Đấng phục sinh. Mỗi người là quà tặng của Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu bằng tình yêu muôn thuở, tình yêu trọn vẹn. Mỗi người được tạo dựng là một bông hoa trong vườn hoa của Giáo hội, bông hoa ấy có nhiệm vụ tỏa hương bằng chính đời sống dấn thân của mình. Để bông hoa đời mình được tỏa ngát hương hoa, chúng ta hãy mở lòng, lắng nghe tác động của Thánh Thần, để Ngài gỡ nút thắt của sợ hãi, âu lo, khép kín trong cuộc đời chúng ta mà lên đường loan báo Tin Mừng Phục sinh cho những người chúng ta gặp gỡ. Đây cũng là sứ mạng mà Đấng Phục sinh giao phó cho mỗi người tín hữu, dù đang sống trong hoàn cảnh nào.
 
Tu sĩ JM Nguyễn Cường
Thông tin khác:
Đức Mẹ đang giúp tôi cảm nhận vinh quang của tôi là thánh giá Chúa Kitô (23/05/2021)
Chúa thăng thiên để ta thăng hoa (20/05/2021)
Hạnh phúc của tôi là được Chúa giàu lòng thương xót (19/05/2021)
Nữ hoàng của toàn thể sáng tạo (11/05/2021)
Đạo yêu thương (10/05/2021)
Đón nhận tha thứ, và cho đi thứ tha (09/05/2021)
Cho con gánh mẹ một lần (05/05/2021)
Thông qua danh sách 205 người ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (03/05/2021)
Liên kết mật thiết với Đức Kitô (04/05/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log