Tin tức - Hoạt động

Một Giám mục “chui”

Cập nhật lúc 10:58 03/04/2019
Đức Giám mục Taberd. Ảnh: TL
Đức Giám mục Taberd. Ảnh: TL
Từ nơi ẩn cư bên nước Xiêm, ngay từ năm 1834 Giám mục Taberd đã hiểu rằng bản thân mình không còn có thể trở về Nam Kỳ nữa, bị nghi ngờ là đã nhúng tay vào thảm họa của các Kitô hữu. Giao cho ai bây giờ đàn chiên này? Linh mục Gagelin đã chết, còn một linh mục kỳ cựu khác là linh mục Jaccard chẳng thấy tăm hơi gì cả. Linh mục Cuenot đã chứng minh khả năng của minh, dù là trong việc truyền giáo, dù trong sự xung đột của nội chiến và của cuộc bách hại.
Từ Singapo Giám mục Taberd viết cho các vị Giám đốc ở Paris ngày 15/7/1834:

“Rất có thể là tôi chọn linh mục Cuenot làm Giám mục phó với quyền kế vị. Nhưng như các cha biết tôi không có gì để biếu Ngài cả, không mũ, không gậy, một cuốn nghi thức tấn phong Giám mục cũng không...Xin gửi cho tôi những gì có thể gửi, hãy bố thí cho vật dụng đó.”

Kế đến vào ngày 16/5/1835 ngài loan báo nhân vì khả năng được Tòa Thánh ban cho ngài. Ngài đã đi Singapo ngày 3/5 đã phong Giám mục phó với quyền kế vị cho linh mục Cuenot, với danh hiệu là Giám mục thành Metellopolis. Tân Giám mục đã tự ý xin về Nam Kỳ nơi mà máu lửa của cuộc bách hại đang lắng xuống.

Giám mục Cuenot là Giám mục phó cho đến khi Đức Giám mục Taberd qua đời năm 1840. Nhưng Ngài vẫn luôn ký tên: “Étienne Théodore” hoặc “Thể” tên Annam của ngài.

Tân Giám mục hoàn toàn ý thức về gánh nặng mà ngài phải mang. Ngài viết cho linh mục Charles Cuenot, “vị ân nhân thân yêu”

“Con vừa mới để cho người ta phong con làm Giám mục phó với quyền kế vị. Ôi thật điên rồ!. Sao? một con người, chỉ sít sao mang nặng được thân phận của mình lại chấp nhận bị đè bẹp bởi gánh nặng của người khác. Hãy cầu nguyện, con van cha, để tai họa đó không xảy đến, nhưng để trái lại, con tự cứu lấy mình bằng cách hướng dẫn người khác trên con đường cứu độ.”

Ngay từ ngày 14/5, Đức Giám mục Cuenot rời khỏi Singapo trên chiếc tàu đi buôn xuất phát từ Bordeaux, chiếc “Tayac”, không một chiếc tàu nào khác đã chấp nhận lãnh món hàng quốc cấm ấy là các linh mục. Trên tàu, ngài đóng giả một bác sĩ người Anh.

“Ngày 28/5, chúng tôi xích đến gần bờ Phú Yên và khi trời tối, năm anh bạn xuống một chiếc thuyền độc mộc được chuẩn bị sẵn. Rất may là họ cũng đã đến nơi. Ngày 30/5 vào khoảng chiều chúng tôi cập bến Tourane. Cuối cùng bổn đạo cũng nhắn được rằng họ đang chờ tôi với mấy chiếc ghe gần cảng. Tạ ơn Chúa!”

Thế đó, Đức cha Cuenot cập bến nơi mà vào năm 1614, một nhóm người Nhật bị bắt đạo đã đến tá túc và đã là cái nhân của cộng đồng người Việt chung quanh linh mục Đắc Lộ. Thuyền trưởng Japer, của chiếc Tayac, đã có thể báo cho Hội Thừa sai, tin vui đó:

“Đức Giám mục Metellopolis đã đặc biệt yêu cầu tôi chuyển lời lại với các vị rằng ngài coi ngày đó như là ngày đẹp nhất đời mình.

Suốt hai năm 1836-1837, các tín hữu Nam Kỳ hưởng một thời kỳ tương đối bình yên, Minh Mạng lúc này phải đối phó với nhiều vấn đề: loạn lạc ở Bắc Kỳ và ở Lào, nạn đói, ôn dịch và phá phách từ phía nước Xiêm, vv...

Hòa bình khá ư là tương đối: các chỉ dụ liên tiếp được ban hành. Từ mùa hè 1835 đến hè 1836, Giám mục đã phải dời chỗ ở ba lần. Ngài trao phó cho lời cầu nguyện của bà cô yêu quý Jeanne-Baptiste những Kytô hữu bị đày: “Ông vua đã ban cho con vinh dự được đứng đầu một chỉ dụ bài trừ.”

Trong những tình huống như thế, nên ưu tiên lựa chọn điều gì? Trước hết phải nâng đỡ tinh thần cho bổn đạo, cho các thầy giảng và vài vị linh mục bản xứ lớn tuổi....Họ coi như đức tin bị tiêu diệt từ ngày vắng mặt vị đại diện Tông Tòa. Đây là một nhiệm vụ khó khăn vì Giám mục không thể công khai gặp mặt con chiên của mình được: bị giam hãm trong một góc nhà của một thầy giảng, ngài sống ở đó, hoàn toàn kín ẩn bí mật, phải đề cao canh giác một bên sự tò mò của người này, bên kia sự theo dõi của kẻ nọ.

Vì không thể lên tiếng được, ngài viết lách: các bức thư của ngài được các thầy giảng đọc cho bổn đạo nghe trong những buổi họp ban đêm, rồi khi có một linh mục ghé qua, chúng sẽ được bình luận. Chẳng mấy chốc, tín hữu biết rằng, họ không bị bỏ rơi nhưng họ đã có một mục tử và có thể dựa cậy vào sự ân cần chăm sóc cùng lòng can đảm của ngài.

Năm 1836 Đức Giám mục Cuenot phong chức cho mười tân linh mục và nhiều hơn nữa các năm kế tiếp, rất nhanh hàng ngũ linh mục bản xứ lên tới 30 vị. Ba thừa sai mới đã đột nhập được vào Nam Kỳ, năm 1836. Hai chủng viện nhỏ được thiết lập, 18 nhà đã tập trung trở lại, 250 dì Mến Thánh giá bị giải thể, sau một thời gian tá túc trong gia đình.

Đồng thời, những quyền lực của ác xấu trở nên lộng hành hơn: những vị tử đạo mới, cái chết của các vị thừa sai trẻ tuổi, cuộc chiến chống Thập giá không hề ngơi nghỉ.

Những năm đầu làm Giám mục của Đức cha Cuenot được vắn gọn mô tả trong bức thư sau đây viết vào ngày tháng 11/1836, và nhận được tại Besançon ngày 24/5/1838:

“Đứa con hoang đàng tuyệt đối muốn làm hòa, nên lại thường trở về nài xin...Chúa quan phòng dẫn dắt con: con đã đột nhập vào Nam Kỳ không thể cách nào tốt đẹp hơn. Và bây giờ như vậy là đã mười sáu tháng con lưu lại trong một họ đạo nhỏ gần cảng Tourane, mà không hề hấn gì. Cũng có những cuộc báo động, thậm chí dữ dội nữa là khác, nhưng không tai hại.”

(Kế đến ngài thuật lại những biến cố quan trọng nhất từ ngày trở về Nam Kỳ, cái chết của một tín hữu 27 tuổi ở Huế, cuộc tử đạo của cha Du, và những cấm dụ mới).

“Những cuộc khám soát tiếp theo sau những chỉ dụ trên được tiến hành trong nhiều tháng đã không đem lại kết quả nào, nên vua cũng đành phải thôi. Bổn đạo của chúng ta, vẫn gặp nhiều gian nan khốn khổ về phía những ông quan nhỏ và các tổng làng. Lòng tham hối thúc họ hơn là sự ghét bỏ đạo. Cách nào mà bổn đạo cũng còn có thể chuộc mạng bằng tiền.

Dù tình thế khó khăn như vậy, mà năm nay đã có hai vị thừa sai của chúng ta đột nhập được vào Nam Kỳ: đó chính là hai linh mục xuất thân từ Bayeux. Tổng cộng hiện nay, không kể linh mục Jaccard đang ngồi tù, chúng tôi tất cả là 6 người Âu và 26 linh mục bản xứ. Giám mục Tông Tòa của chúng tôi chưa trở về. Công việc nhà trường và công cuộc truyền giáo đang giữ chân ngài lại ở Poulo-Pinang.
 
Trường La San Taberd – Sài Gòn để tưởng nhớ Đức cha Taberd, Giám mục Nam kỳ từ 1830 đến 1840. Ảnh: TL
Trường La San Taberd – Sài Gòn để tưởng nhớ Đức cha Taberd, Giám mục Nam kỳ từ 1830 đến 1840. Ảnh: TL

Số các bổn đạo là 70 đến 80 nghìn rải rác trên một địa bàn rộng lớn trong đất nước. Cam Bốt cũng thuộc đơn vị truyền giáo. Xưa kia ở đó cũng có một số Kytô hữu nhưng hầu hết là người lai Bồ Đào Nha. Hiện nay thì không còn gì nữa. Hầu hết đã bị bắt, đưa sang Xiêm trong các cuộc chiến giữa hai nước, số nhỏ còn lại thì bị bỏ rơi, vì họ ở quá xa bổn đạo Nam Kỳ. Có lẽ các cha lấy làm lạ rằng Kytô giáo đã đột nhập khá lâu vào Nam Kỳ, thế mà chẳng tiến bộ bao nhiêu. Chính điều đó cũng gây ngạc nhiên cho tôi vì người miền Nam đâu có khăng khăng bám giữ những điều mê tín. Tuy vậy có thể gán cho nhiều lý do, trong đó lý do đầu tiên là sự thiếu thốn thợ Tin Mừng, khí hậu độc hại ẩm thấp giết chết nhiều vị, cũng ảnh hưởng đến, đồng thời chiến tranh thường xuyên bùng nổ, đã tàn phá vùng này, những cuộc bách hại, di dân, nạn đói kém, ôn dịch.kẻ thù của chủ ruộng đã thường xuyên gieo cỏ lùng trong ruộng của Thầy.

Con van xin cha; hãy cầu nguyện cho con và cho gia đình nhỏ bé khốn khổ này. Con càng cần đến lời nguyện của các cha hơn là vì con thấy bị đe dọa một mình gánh vác công cuộc truyền giáo ở đây. Vị thế của con đầy hiểm nguy và con biết điều đó làm cho các cha hốt hoảng. Dù những khốn khổ con đã gây cho các cha trong quá khứ và dù con không luôn mềm mỏng đáp lại sự ưu ái ân cần, con biết rằng các cha luôn quan tâm đến con.

Thế nên, thưa cha, con cậy dựa vào lời cầu nguyện và các thánh lễ. Xin cha yêu cầu những tâm hồn thánh thiện cầu nguyện và làm việc thiện để hỗ trợ con.

Con viết thư cho Đức Giám mục. Không phải vì kiêu ngạo nhưng vì tôn trọng. Tỏ lòng kính trọng với Đức cha sẽ làm cho ngài dễ dãi chấp thuận cho các linh mục trong địa phận gia nhập Hội Thừa sai. Đâu phải Giám mục nào bên Pháp cũng có tấm lòng Công giáo. Có một vài Giám mục có xu hướng giữ lại hết cho địa phận của mình... Kính chào cha”.

Lm Gioankim Nguyễn Hoàng Sơn
Thông tin khác:
ĐTC giúp 3 nước Phi Châu bị thiệt hại vì lũ lụt (02/04/2019)
ĐTC hôn tay đan sĩ Jean-Pierre, người cuối cùng còn sống của đan viện Tibhirine (02/04/2019)
ĐTC họp báo trên máy bay từ Maroc về Roma (ANSA) (02/04/2019)
Phụ nữ Công giáo đầu tiên ở Bangladesh làm Thư ký cho Thủ tướng (26/03/2019)
Sửa nhà tìm thấy bức tranh quý (26/03/2019)
Hãy trở về trong chính bạn! Bài giảng Mùa Chay thứ hai năm 2019 của Cha Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng (25/03/2019)
Lịch sử diệu kỳ của Nhà Thánh Loreto, nơi ĐTC ký Tông huấn Vive Cristo, esperanza nuestra (25/03/2019)
Đi Chầu (22/03/2019)
Phân ưu (20/03/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log