Tin tức - Hoạt động

Hai động cơ thúc đẩy người Công giáo dấn thân phục vụ

Cập nhật lúc 16:20 24/07/2019
Công giáo có mặt ở Việt Nam cách đây gần 500 năm thì đã có người Công giáo Việt Nam dấn thân cho đạo, cho đời. Họ là công nương Catarina đã đêm ngày soạn Kinh Thánh bằng thể thơ lục bát hay người phục vụ bệnh nhân trong các nhà thương để dân chúng gọi họ là những người theo “đạo yêu thương”.
Nhưng những tấm gương dấn thân của người Công giáo chỉ trở thành phong trào rộng lớn khi có cách mạng tháng 8/1945 nhất là khi tổ chức yêu nước của người Công giáo ra đời tháng 3/1955. Mỗi việc làm tốt của người Công giáo có một lý do riêng. Nhưng có thể tóm lại trong hai động cơ thúc đẩy người Công giáo dấn thân phục vụ đạo, đời. Đó là bổn phận làm Kitô hữu và bổn phận người công dân.

1-Bổn phận là Kitô hữu

Thật ra hai bổn phận là người Công giáo và bổn phận người công dân cũng gắn kết mật thiết với nhau. Đầu tiên, trước khi là người Công giáo, họ đã là công dân Việt Nam rồi. Sau đó, trong Kinh Thánh cũng nhiều lần nhắc người tín hữu phải vâng phục chính quyền, phải lao động, phải nộp thuế cho nhà nước. Thư chung năm 1980 của các Giám mục Việt Nam ghi rất rõ:
“Sứ mạng của Hội Thánh không những đem Phúc âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế. Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ với sứ mạng của Hội Thánh và ngược lại không có sinh hoạt nào của Hội Thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người… Do đó đối với người tín hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa” (TC 1980, số 7).
Có thể kể ra rất nhiều tấm gương người Công giáo dấn thân. Nữ tu Mai Thị Mậu, người có thâm niên 40 năm gắn bó với những bệnh nhân trại phong Di Linh (Lâm Đồng) và được phong danh hiệu “Anh hùng lao động”năm 2006 và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu còn nói: “Chị phải được phong anh hùng 3 lần mới đúng”. Chị Trần Thị Mai- giáo dân ở Quảng Bình đã dũng cảm cứu người trong trận lũ lịch sử năm 2004 và hy sinh đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Anh FX. Nguyễn Công Hùng (Nghi Lộc, Nghệ An) dù sinh ra đã bị liệt, nhưng anh đã tự học và trở thành “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”,được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên dương là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu năm 2006. Anh không chỉ nuôi sống mình mà còn mở Trung tâm “Nghị lực sống” mở lớp dạy công nghệ thông tin, nuôi sống nhiều người khuyết tật khác. Rồi bà Nguyễn Thị Nhiệm ở Sóc Sơn (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Bao ở Nghĩa Hưng (Nam Định), anh Tống Phước Phúc ở Nha Trang, ông Trần Ngọc Hùng ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) là những giáo dân đã âm thầm đi thu gom cả ngàn thai nhi về chôn cất chu đáo cả chục năm trời. Hàng ngàn nam nữ tu sĩ, giáo dân đang thầm lặng dấn thân phục vụ trong các trại phong, trung tâm HIV/AIDS hay những lớp học tình thương…Động cơ thúc đẩy họ dấn thân trước hết là theo lời dạy của Chúa. Nữ tu Nguyễn Thị Mỹ, nguyên Bề trên Giám tỉnh của dòng Nữ tử Bác ái Vinh sơn, một dòng nổi tiếng với những hoạt động giáo dục những trẻ em kém may mắn, bệnh nhân HIV/AIDS đã nói:

“Là người Công giáo, độnglực để làm công tác xã hội đối với chúng tôi là Tin Mừng… Đời sống tận hiến của người nữ tu là để yêu mến Chúa, phục vụ Chúa qua những người nghèo khổ,với những nỗ lực của mình nhằm giúp họ có cuộc sống xứng hợp với nhân phẩm. Chúng tôi có mặt trong xã hội nhất là tình nguyện phục vụ ở những địa bàn khó khăn, xa xôi,hẻo lánh là để góp phần cùng với xã hội xây dựng con người, mà mục tiêu là những công dân toàn diện về tinh thần và thể xác” (1).

Bác sĩ Vũ Hữu Ngoạn - Giám đốc Trại phong Quy Hòa- người đã dũng cảm tiêm 200mg trực khuẩn u phong vào cơ thể để chứng minh rằng bệnh phong không lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh, sau hơn 30 năm cống hiến, ông được đề nghị tặng giải thưởng quốc tế Ghandi với số tiền 30.000USD. Ông đã từ chối với lý do, ông là Giám đốc, là đảng viên, ăn lương Nhà nước thì phục vụ là chuyện bình thường, còn các nữ tu Phan Sinh ở Quy Hòa không có lương mà còn phục vụ nhiệt tình. Họ đáng được tuyên dương hơn ông. Ông nói:

“Nhiều năm sống và làm việc bên cạnh những người tu hành của dòng tu này mới biết họ có một lẽ sống đặc biệt. Họ chấp nhận một cuộc sống khổ hạnh, tự nguyện làm những việc thiện một cách âm thầm để phục vụ những người bất hạnh. Họ không muốn những lời tụng ca. Cuộc sống của họ tuân theo một nguyên tắc thật đơn giản: “Bàn tay trái không được biết việc làm của bàn tay phải và ngược lại” (2).

Cảm phục tinh thần phục vụ người bệnh phong của các nữ tu dòng Phan Sinh, khi về hưu, bác sĩ Vũ Hữu Ngoạn đã gia nhập đạo Công giáo lấy tên thánh là Phan Sinh năm 2002.

Người Công giáo luôn tâm niệm rằng, cho người đói ăn, khát uống, rách rưới ăn mặc chính là làm cho Chúa. Vì làm cho Chúa nên không ai kể công, lấy thành tích hay cảm thấy bị bó buộc mà làm rất tự nguyện, tự giác dù có bị thiệt hại đến quyền lợi hay con đường thăng tiến của bản thân.Các linh mục Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thần Đồng, Đậu Quang Lĩnh ở Vinh vì lên án chế độ thực dân Pháp tàn bạo nên đã bị bắt giam và đày ra Côn Đảo.

Theo giáo lý Công giáo, nhiều dòng tu ra đời là để phục vụ người nghèo khổ. Dòng tu đầu tiên được thành lập ở Việt Nam năm 1670 tại Kiên Lao (Nam Định) là dòng Mến Thánh giá với 5 lời khấn là: Cầu nguyện cho lương dân trở lại; Huấn luyện phụ nữ đạo đức; Săn sóc các bệnh nhân nữ; Chăm sóc trẻ mồ côi và Khuyên bảo phụ nữ đàng điếm. Như vậy có tới 4 nhiệm vụ của các nữ tu dòng này là phục vụ tha nhân. Thành ra mọi hoạt động bác ái, từ thiện của các nữ tu là theo bổn phận người Kitô hữu.

2- Bổn phận công dân

Người Công giáo Việt Nam luôn ý thức rằng, trước khi là người Công giáo họ đã là người Việt Nam. Cho nên họ cũng luôn chu toàn bổn phận người công dân. Người tín hữu phải làm tròn trách nhiệm của người công dân: “của Xêda phải trả cho Xêda”. Đức Giêsu cũng gương mẫu lao động để kiếm sống, cũng khuyên bảo giáo dân phải vâng phục chính quyền vì chính quyền cũng do Thiên Chúa thiết lập. Cho nên Công đồng Vaticanô II đã minh định:

“Công dân phải nung nấu tinh thần ái quốc với lòng đại lượng và trung kiên chứ không hẹp hòi…Nói đến bổn phận công dân, cần phải nhắc đến nghĩa vụ đóng góp cho quốc gia những dịch vụ về tài lực cũng như nhân lực mà công ích đòi hỏi” (3).

Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam còn cụ thể hơn:

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm…Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách và pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc” ( TC 1980, số 10). 

Khi Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh xây dựng các cuộc vận động Duy Tân để chống Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, nhiều linh mục, tu sĩ,giáo dân ở giáo phận Vinh đã đi theo. Khâm sứ Trung Kỳ E. Groleau đã báo cáo lên quan Toàn quyền Đông Dương ngày 11-2-1911 như sau:

“Những kẻ cầm đầu phong trào đã lôi cuốn vào hàng ngũ của họ nhiều linh mục và thày giảng Công giáo vùng Nghệ Tĩnh… Như vậy, qua trung gian những người ấy, họ đã tạo được một ảnh hưởng chính trị rộng rãi trong quần chúng Công giáo tại vùng này. Qua các linh mục ấy, một chiến dịch tuyên truyền chống chúng ta đã được phổ biến khá hữu hiệu trong các giới Công giáo. Và họ đã quyên góp những số tiền lớn vào việc gia tăng ngân sách cho phe Cường Để” (4). 

Linh mục Nguyễn Văn Tường (1852- 1917) bị bắt và đày ra Côn Đảo, chết trong tù ngục nhưng lòng lúc nào cũng canh cánh về gánh nợ non sông chưa trả được khi tuổi đã cao, sức đã kiệt:
 
“Chưa trả non sông gánh nợ đầy
Ngày giờ thấm thoắt nghĩ mà ngây
Trông lên mái tóc lem nhem bạc
Ngó lại hình dong móm mém gầy” (5).

Nhân đây cũng nói thêm, nếu không có sự ủng hộ của Giám mục Pineau Trị (1842-1921) qua 24 năm coi sóc giáo phận Vinh rất ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nên mới có sự tham gia cuả nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân ở đây với phong trào Duy Tân. Vì vậy khi phải về nước và buộc phải từ nhiệm năm 1910 giáo dân Vinh vẫn yêu mến vị Giám mục này với lời kinh: Xin cho Đức cha Trị đến.

Cũng vì bổn phận công dân, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đời, đứng trước thù trong, giặc ngoài, bốn Giám mục người Việt lúc đó đã ký tên gửi điện văn cho Toà Thánh và giáo dân toàn cầu xin ủng hộ độc lập của Việt Nam:

“Đứng trước những biến cố hết sức xúc động như thế này và bản thân chúng con cảm động tận đáy lòng, vì ý thức bổn phận thiêng liêng với Tổ quốc chúng con, các Giám mục Việt Nam, chúng con nài xin Đức Thánh Cha, Tòa Thánh Rôma, các Đức Hồng y, các ĐứcTổng Giám mục, Giám mục và toàn thể anh chị em Công giáo khắp thế giới và đặc biệt là Công giáo Pháp, hãy hỗ trợ cho việc quyết định của Tổ quốc yêu quý của chúng con” (6).

Cũng vì lòng yêu nước, Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn trong “Tuần lẽ vàng” đã tháo dây chuyền Giám mục ủng hộ Chính phủ. Hàng triệu người Công giáo đã sát cánh cùng đồng bào cả nước trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không ít người đã hy sinh xương máu cho độc lập của dân tộc. Nhiều người được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang như: Đỗ Văn Chiến, Phạm Quang Hạnh; Anh hùng lao động như: Đào Thị Hào, Phạm Thị Vách và nhiều danh hiệu cao quý như cố GS, TS, NGND Lương Tấn Thành, GS.NGND Vũ Văn Chuyên…

3- Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt 

Thật ra bổn phận Kitô hữu và nghĩa vụ người công dân chỉ tách rời nhau thậm chí đối lập nhau trong một số hoàn cảnh đặc biệt như khi đất nước bị nô lệ. Người tín hữu phải khó khăn khi lựa chọn giữa hai bổn phận người công dân và Kitô hữu. Cũng có vài trường hợp khi giáo lý chưa tương đồng với luật pháp quốc gia, hai bổn phận này hài hòa làm một. Tuy nhiên khi hành động có thể bổn phận này hay nghĩa vụ kia trội hơn. Các Đấng bậc, tu sĩ thường nói rõ họ làm vì theo gương mẫu Đức Kitô, còn giáo dân lại thường nghiêng về lòng yêu nước. Tuy nhiên, về thẳm sâu thì hai động cơ đó hòa làm một. Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đã nói rõ thái độ đó:

“Là người Công giáo Việt Nam, tôi trọn vẹn là một công dân đất nước, hãnh diện chia phần vinh dự của cả dân tộc anh hùng và phấn khởi trong việc xây dựng quê hương giàu đẹp với đồng bào các giới, bằng những gì tôi có nhờ đức tin chiếu dọi. Tôi không sống bên lề dân tộc đang tiến lên, tôi không làm trì chậm bước tiến của nước nhà vì thái độ tiêu cực ươn hèn” (7).

Đức cha Hồ Ngọc Cẩn trong “Tuần lễ vàng” ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh cũng nói rõ:

“Phần tôi khi thụ phong Giám mục, có một đấng biếu tôi Thánh giá và dây đeo này thực là vàng. Nhưng tôi nghĩ, người đời, trên có trời che, dưới có đất chở. Trên phải phụng sự Thiên Chúa, dưới cũng không quên Tổ quốc. Vậy trong lúc này, tôi cũng vui lòng chia của quý này làm hai. Thánh giá tôi giữ lại để phụng sự Thiên Chúa, dây đeo tôi xin dùng để phụng sự Quốc gia” (8).

Triển khai giáo huấn của Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), các Giám mục Việt Nam cũng khẳng định trong văn thư ngày 25/9/20008:

“Vui mừng và Hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Giáo hội không làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội. Do đó, những người lãnh đạo trong Giáo hội, chúng tôi có trách nhiệm rao giảng giáo huấn của Giáo hội về xã hội nhằm thăng tiến con người và đời sống xã hội cách toàn diện”.

Với Chỉ thị 18/CT ngày 10-1-2018 của Bộ Chính trị khẳng định “tôn giáo là nguồn lực Quốc gia”, đồng bào các tôn giáo trong đó có người Công giáo Việt Nam sẽ có môi trường thông thoáng để dấn thân phục vụ xã hội và cũng là để vinh danh đạo Chúa.
TS Phạm Huy Thông
--------------------------------
1-Kỷ yếu Đại hội đại biểu Người Công giáo VN xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ III, Nxb Tôn giáo 2003, tr.164-165
2-FX. Nguyễn Văn Sang: Đối thoại Tôn giáo, Nxb Tôn giáo 2007, tr. 328-329
3- Thánh Công đồng Vatican II, Giáo hoàng học viện Đà Lạt 1970, tr. 815-816
4- Phạm Huy Thông: Ảnh hưởng qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2012, tr.180
5- Một số vấn đề về lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nxb KHXH 1988, tr.113
6- Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Trẻ 1988, tr. 346
7- TGM Nguyễn Kim Điền: Thư chung ngày 1/5/1976
8- Lê Thị Hoa Maria: Học giả văn hóa và thày dạy đức tin- Giám mục D. Hồ Ngọc Cẩn, Nxb Tri thức 2019, tr.157
 
Thông tin khác:
Giáo xứ Sầm Sơn (24/07/2019)
Khóa họp Hội đồng Song Nguyền thế giới (23/07/2019)
Đổi mới công tác phối hợp dân vận, MTTQ, các tổ chức Chính trị - Xã hội (22/07/2019)
Đối thoại và lắng nghe ý kiến của đồng bào tôn giáo (22/07/2019)
ĐTC: Trở thành những nghệ nhân của hòa bình và hy vọng (22/07/2019)
Mục vụ giới trẻ Paraguay sáng kiến trồng 700 ngàn cây xanh (22/07/2019)
Cuộc gặp gỡ của 5000 hướng đạo sinh châu Âu với ĐTC (22/07/2019)
Giáo xứ Phúc Lãng (17/07/2019)
Loan báo Tin Mừng cho đồng bào Dao đỏ trên dãy Hoàng Liên Sơn (17/07/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log