Tin tức - Hoạt động

Người giáo dân với sứ vụ loan báo Tin Mừng

Cập nhật lúc 16:00 01/08/2019


LTS: Từ ngày 16 -18/7, tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu- Vũng Tàu, diễn ra Đại hội Ủy ban Giáo dân toàn quốc 2019. Đại hội quy tụ đầy đủ tham dự viên của 27 giáo phận trong cả nước. 
Tại Đại hội, Đức cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng/Hội đồng Giám mục Việt Nam có bài thuyết trình: “Người giáo dân và sứ vụ loan báo Tin Mừng”.
Bài thuyết trình này nhằm giúp các tham dự viên Đại hội ý thức và tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng, là sứ mạng cao quý và là bản chất của Giáo hội. 
Nội dung gồm 3 điểm chính: 
(1) Huấn quyền Giáo hội về người tín hữu giáo dân đối với sứ mạng loan báo Tin Mừng; 
(2) Nhận định về việc người giáo dân tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hiện nay;
(3) Những đề xuất để việc tham gia sứ mạng này kết quả hơn.
Báo NCGVN trân trọng giới thiệu nội dung thứ 2: “Nhận định về việc người giáo dân tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hiện nay” cùng bạn đọc.


...
II. NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC NGƯỜI GIÁO DÂN THAM GIA SỨ MẠNG LBTM TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

Nói chung là không lạc quan, cũng không bi quan. Có thể thấy ngày nay người giáo dân Việt Nam ý thức hơn và tham gia hơn vào sứ mạng này, tuy chưa được như đáng lẽ phải có. 

1. Ý thức về sứ mạng Loan báo Tin Mừng:
HĐGMVN qua các Thư Chung, Thư Mục Vụ từ trước đến nay, nhất là từ đầu Thiên niên kỷ thứ III, hòa với Giáo Hội toàn cầu, đáp ứng lời kêu gọi của các vị Cha Chung, luôn nhắc nhở dân Chúa sứ mạng cao cả này. Tại các giáo phận, việc kêu gọi giáo dân ý thức sứ mạng này được thực hiện dưới nhiều hình thức, qua các Ủy ban giáo phận, giáo xứ, hội đoàn Công giáo Tiến hành, hội dòng… Có nơi đẩy sứ mạng này thành cao trào trong những dịp kỷ niệm 50 năm, 60 năm, 75 năm… vào những thời điểm của năm 2000, 2010, 2015…

Ý thức là một việc, thực hiện lại là một việc khác, nhiều khi muốn mà không làm được, như người ta thường nói “lực bất tòng tâm”, vì những trở ngại từ nhiều phía. Cách riêng việc loan báo Tin Mừng, từ sau 1975 tại miền Nam, ngược lên năm 1954 tại miền Bắc, và nơi một số địa phương phải tính từ 1945! Đó là thực tại lịch sử.

Năm 2015, khi đặt chân đến huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, một trong những tỉnh được gọi là “trắng” tôn giáo, tôi thăm xã giao chính quyền huyện. Ông chủ tịch huyện nói: “Các ông truyền đạo bất hợp pháp”. Tôi đáp lại: “Cho đến nay, chúng tôi nào đã được đến đây, đã được gặp gỡ người dân, dù là người H’mông đang có đạo, thì làm sao bảo là chúng tôi truyền đạo được, còn đạo Công giáo được Hiến Pháp công nhận, sao lại gọi là bất hợp pháp”?!

Người Công giáo từ bao năm nay chưa được tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện…, nên dù muốn thực hiện sứ mạng Loan báo Tin Mừng trong lãnh vực trần thế cũng khó. Nhiều nơi vẫn còn kỳ thị tôn giáo, khiến người có đạo muốn được việc làm thì phải bỏ đạo hoặc giấu diếm đức tin, rồi dần dà đi đến chỗ lơ là nguội lạnh. 

Muốn thi hành sứ mạng Loan báo Tin Mừng trong lãnh vực tôn giáo cũng không phải dễ, bởi nhiều cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, giáo điểm không được Nhà Nước công nhận cho sinh hoạt. Các linh mục, tu sĩ không được tự do đi lại làm việc tôn giáo ! 

Đấy là những khó khăn đến từ bên ngoài. Còn từ bên trong, ta cũng nhìn nhận thực tế này là rất nhiều giáo dân Việt Nam vẫn có tâm thức giữ đạo cho riêng mình, chưa quan tâm rao giảng Tin Mừng, giới thiệu đức tin cho đồng bào. Người ta chú trọng đến việc giữ đạo hình thức, mà thực chất bên trong thì chưa được quan tâm. Người nước ngoài khi đến Việt Nam thường bỡ ngỡ thán phục khi thấy các nhà thờ đầy giáo dân, các cuộc lễ được tổ chức hoành tráng, đông đảo, mang tính lễ hội, trống kèn, y phục, rước xách. Tại nhiều nơi, việc xây dựng, tu bổ thánh đường và cơ sở tôn giáo rất to lớn, tốn kém… còn kết quả của việc Loan báo Tin Mừng thì không là bao!

2. Gắn kết với Chúa:
Đây là điều cốt lõi cho sứ vụ Loan báo Tin Mừng, như hình ảnh ngọn đèn chỉ sáng lên, tỏa hơi nóng khi được nối kết với nguồn điện. Sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu là người loan báo Tin Mừng đầu tiên, chính Ngài là Tin Mừng của Chúa Cha, nên nhất thiết Giáo Hội, trong đó giáo dân là thành phần đông đảo nhất, phải gắn kết với Chúa. Khi sự gắn kết này bị cắt đứt hoặc lơ mơ thì không mong đem lại hoa trái gì. Ta phải nói gì về sự gắn kết này? Có một cách để nhận ra nó bền chặt hay hời hợt là nhìn vào hoa trái của nó. Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn cây nho và cành nho trong Tin Mừng Gioan 15,1-8: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Cành nào gắn chặt vào cây sẽ sinh nhiều hoa trái, còn cành nào lìa cây sẽ bị khô héo”. Cứ nhìn quả mà biết cây!

3. Lãnh vực thực thi sứ mạng Loan báo Tin Mừng:

Người tín hữu giáo dân thực hiện sứ mạng này trong hai lãnh vực trần thế và thiêng liêng theo ý nghĩa dụ ngôn muối, men và ánh sáng, làm cho Tin Mừng thấm nhập vào cuộc sống giữa đời của họ. 

Tại Hàn Quốc, người Công giáo tham gia vào lãnh vực trần thế, xã hội và chính trị một cách rất tích cực, vì thế mà đem lại nhiều kết quả đáng kể trong công cuộc Loan báo Tin Mừng. 

Có lần tôi được tiếp xúc một giám mục Thái Lan. Ngài cho biết số người có đạo tại giáo phận của ngài rất ít, trong khi đó số linh mục, tu sĩ lại đông. Thế các vị ấy làm gì? Mục vụ giáo xứ chăng? Giám mục này cho biết tại giáo phận của ngài, một số lớn các linh mục và tu sĩ hoạt động trong lãnh vực giáo dục, điều hành trường học Công giáo các cấp, và các trường ấy rất được tín nhiệm. Thái Lan là một nước tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tuy Phật giáo là quốc giáo của họ.

Như trong phần trình bày giáo thuyết, chúng ta đã trích dẫn Tông huấn Christifideles Laici (số 2) (supra, trang 4) nhắc nhở cần giúp người tín hữu tránh thái cực thứ hai là cám dỗ “bào chữa cho sự tách biệt không thể biện minh giữa đức tin và đời sống, giữa việc đón nhận Tin Mừng và hoạt động cụ thể trong các lãnh vực trần thế khác nhau”. Chúng ta nhận thấy nhiều người tín hữu ở Việt Nam lâm vào tình trạng dửng dưng xa rời các thực tại trần thế để chỉ lo giữ đức tin, không quan tâm đến việc đem Tin Mừng vào môi trường trần thế đang rất cần muối, men, ánh sáng của Chúa Kitô để được biến đổi. Sự dửng dưng của người kitô hữu trong vấn đề này cộng với tình trạng xa cách, thậm chí ác cảm, do ảnh hưởng của thuyết vô thần nơi anh em lương dân đối với niềm tin tôn giáo, khiến cho đạo Công giáo không có ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam ngày nay.

4. Sự hợp tác giữa các thành phần dân Chúa trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng:
Phải chăng trong lãnh vực này, sự hợp tác còn ở mức độ lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm đúng mức từ phía các vị chủ chăn, khiến cho hoạt động Loan báo Tin Mừng ít hiệu quả. Sự tôn trọng và phát huy quyền tham gia vào sứ mạng này của người giáo dân chưa được các chủ chăn lưu tâm. Các hội đoàn Công giáo Tiến hành dù được thiết lập và hoạt động, nhưng nếu thiếu sự chăm sóc, huấn luyện, đồng hành, hỗ trợ, thì cũng khó mà có kết quả ; chưa kể tại nhiều nơi, các chủ chăn thờ ơ với sự hiện diện của các hội đoàn và những hoạt động của giáo dân, nại cớ phiền toái, không đi đến đâu, cũng không lo lắng huấn luyện họ đi đúng đường hướng của Giáo Hội. Xin kể một câu chuyện: Tại một giáo xứ, giáo dân xin cha sở cho tái lập Hội Legio Mariae đã bị ngưng hoạt động từ lâu. Cha xứ trả lời: “Tại xứ của tôi chỉ có một Hội mà thôi, đó là Hội Thánh Đức Chúa Trời”! Cha xứ đã không làm, mà người giáo dân muốn làm, cha không cho. Giáo luật khoản 299,1 cho các tín hữu quyền thành lập các Hiệp Hội, qua một sự hợp đồng riêng tư giữa họ với nhau nhằm những mục tiêu như phụng tự công cộng, đạo lý Kitô giáo, thực hành các việc tông đồ như truyền bá Phúc Âm, công tác đạo đức hoặc bác ái, ngõ hầu tinh thần Kitô giáo thấm nhập trật tự trần gian, tuy họ vẫn phải tôn trọng và vâng phục các vị hữu trách trong Giáo Hội.

5. Chứng tá đời sống:
Mọi người giáo dân đều có thể loan báo Tin Mừng bằng đời sống bất cứ ở đâu, lúc nào, và với ai.

Giáo dân Việt Nam cho thấy dù yếu kém về giáo lý, không tự tin và mạnh dạn đủ để nói về đức tin của mình, nhưng họ đang sống niềm tin ấy. Ta có thể thấy điều đó qua sự thực hành đạo rất thành tín, làm xúc động. Nhiều nơi và nhiều lúc, người Công giáo Việt Nam đã can đảm tuyên xưng đức tin, dù phải chịu bất công, thiệt thòi về mặt xã hội. Các anh em dân tộc thiểu số còn nêu gương sáng đức tin và quảng đại, nhẫn nại chịu khốn khó hơn người Kinh nữa.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy hai điều nhức nhối này, là nhiều người giữ đạo theo thói quen, gia truyền, hình thức… ; và nhiều người có đạo, nhưng vì quyền lợi vật chất và địa vị xã hội, hoặc cầu an… đã đành tâm chối đạo, giấu diếm đức tin.

6. Liên đới:
Càng ngày, ta càng thấy ý thức liên đới mạnh mẽ hơn giữa mọi người với nhau trong quyền lợi và nghĩa vụ, về phương diện tôn giáo cũng như xã hội. Tục ngữ có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Lấy ví dụ cụ thể: Trong Giáo Hội, khi linh mục xâm hại tình dục trẻ vị thành niên, thì những người có mối ràng buộc với nhau, như giám mục với linh mục đoàn phải đồng trách nhiệm; trong lãnh vực thể thao, một giải thưởng được trao và chia sẻ đồng đều giữa các cầu thủ trong đội, chứ không phải kẻ ít người nhiều. Trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng cũng vậy, mọi thành phần trong Giáo Hội, ở cấp giáo phận hay giáo xứ, phải đồng chia sẻ sự liên đới và trách nhiệm với nhau, không có cảnh tự tung tự tác và chịu trách nhiệm một mình.
Về điểm này, chúng ta phải nhìn nhận rằng tại Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có não trạng đơn thương độc mã, mạnh ai nấy làm, mình làm mình chịu. Người ta nhận xét rằng một người Việt Nam có thể giỏi giang, trổi vượt hơn chục người nước ngoài trong việc cá nhân; nhưng chỉ cần vài người nước ngoài chung vai thích cánh làm việc tập thể thì bằng cả mấy chục người Việt Nam cộng lại! Não trạng cá nhân nơi người Việt Nam còn rất mạnh. 

Nhận định về tính liên đới trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hiện nay không cho chúng ta lạc quan lắm. Lấy một trường hợp điển hình: Các Hội dòng địa phương hay quốc tế đang hiện diện tại Việt Nam mà có linh đạo hay hoạt động hướng đến sứ mạng Loan báo Tin Mừng thì rất đông, các tu sĩ cũng nhiều, nói lên Hội Dòng đó đáp ứng nguyện vọng của các tu sĩ muốn dâng cuộc đời cho công cuộc quan trọng này, nhưng trong thực tế nhiều Hội Dòng chưa mạnh dạn gửi tu sĩ dấn thân vào sứ mạng này, các dòng hoạt động riêng rẽ, không liên kết với nhau. Cách đây ba năm (2016), UBLBTM đã tổ chức hội thảo với các Hội Dòng về đề tài: “Chung tay loan báo Tin Mừng đến vùng ngoại vi”, mời gọi các Hội Dòng liên kết với nhau để thi hành sứ mạng này. Nhưng không thấy có chuyển biến gì! 

7. Cổ võ và huấn luyện sứ mạng Loan báo Tin Mừng cho giáo dân:
Đây là một vấn đề nhức nhối. Phải nhận rằng cho đến nay, người ta thích trưng các biểu ngữ “Ra đi loan báo Tin Mừng”, “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian”, “đến vùng ngoại vi”…, rồi thôi. Việc huấn luyện người tín hữu để họ tham gia vào sứ mạng này với sự hiểu biết và ý thức cũng như tâm huyết… chưa được chú trọng mấy. Trong các chủng viện, môn Truyền Giáo học (Missiologie) tuy có, nhưng mang tính lý thuyết và ít để ý đến bối cảnh đa văn hóa, đa tôn giáo của Á Châu. Các linh mục bằng lòng với công việc mục vụ cho người đang giữ đạo chứ chưa nhiệt huyết ra đi loan báo Tin Mừng cho người lương dân, hoặc cũng chưa nhiệt tâm đi tìm các chiên lạc, tân Phúc-Âm hóa những người đang hờ hững với niềm tin và thực hành đạo. Việc đào tạo người tín hữu giáo dân để tham gia sứ mạng này hầu như không có gì. Chưa thấy có trường đào tạo giáo dân về các môn Khoa học thánh (Học viện Công giáo mới hoạt động được vài năm, chủ yếu cho linh mục, tu sĩ, và một vài giáo dân! Trung tâm Mục vụ của Tổng Giáo phận Saigon có một số chương trình hoạt động nhằm đào tạo giáo dân…

Một câu chuyện điển hình: Tại một giáo xứ, trong cuộc họp Legio Mariae, một bà báo cáo công tác thăm lương dân. Thấy trên bàn thờ trong nhà đó có bát hương, ly nước, bà giẫm chân bẹt bẹt, chỉ vào bàn thờ mà nói: “Bây giờ mà còn thờ chi ba thứ này. Dẹp đi, rồi tôi dẫn đến nhà thờ xin theo đạo thờ Chúa muôn loài” ! Chết thật cái cách loan báo Tin Mừng như thế này, chỉ vì không được huấn luyện!

8. Hội nhập văn hóa và LBTM.
Như Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu đề nghị, không thể mong sứ mạng LBTM tại Việt Nam đem lại kết quả nếu không lưu ý đến vấn đề hội nhập văn hóa trong bối cảnh nước Việt Nam là một nước Á Châu, nơi giao thoa nhiều nền văn hóa như Trung Hoa, Ấn Độ, pha một chút ảnh hưởng từ Campuchia, với ba tôn giáo lớn là Khổng-Lão-Phật đã cắm rễ lâu đời tại Việt Nam, với các tập tục mang tính tín ngưỡng dân gian, với lòng tôn kính tổ tiên sâu nặng nơi người Việt Nam. Trước đây, cuộc tranh luận về nghi lễ ở Trung Hoa (la querelle des rites), việc thờ kính Khổng Tử và tổ tiên đã gây bao thiệt hại cho việc loan báo Tin mừng ở Trung Hoa lẫn Việt Nam cho đến gần đây. HĐGMVN, từ năm 1974, đã cho phép người Công giáo Việt Nam được thực hành và chủ động tham dự một số nghi lễ tôn kính tổ tiên, vì coi đó là những việc làm hợp với chữ Hiếu, để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ, biết ơn các bậc sinh thành. Việc hội nhập văn hóa là việc vẫn còn phải được tiếp tục nghiên cứu, đào sâu và thích nghi tại Việt Nam. Được biết Ủy ban Văn hóa đang soạn thảo một văn bản áp dụng một số thích nghi nữa trong phụng vụ liên quan đến tang lễ và cưới hỏi.

Chúng ta nhận thấy tại Việt Nam, nhiều giáo dân, kể cả linh mục, tu sĩ, vẫn lúng túng không biết phải xử trí thế nào khi đối diện với những trường hợp nghi vấn về quan niệm và niềm tin tín ngưỡng trong các lãnh vực quan hôn tang tế, sợ va vấp vào mê tín dị đoan, tôn thờ ngẫu tượng, làm cho lương dân và tôn giáo bạn mất thiện cảm… Vì thế, các chủ chăn phải hướng dẫn, huấn luyện dân Chúa để tránh những đổ vỡ, mất mát. 

Từ ít lâu nay, việc đối thoại liên tôn tại Việt Nam có nhiều nỗ lực tích cực từ phía Công giáo, nhằm xích lại gần với các tôn giáo bạn, nói lên thiện ý tôn trọng, hòa đồng, tránh hiểu lầm đố kỵ, nhưng phải nhận rằng kết quả còn rất nhỏ bé và vẫn còn khoảng cách rất lớn với các tôn giáo bạn. 

9. Cộng đoàn cơ bản:
Tại Việt Nam, có những cộng đoàn cơ bản và phong trào canh tân đoàn sủng đang hiện diện hoạt động, tuy âm thầm nhưng tích cực, như các nhóm gia đình trẻ, nhằm giúp sống đức tin, bảo vệ hôn nhân và gia đình nhờ nối kết tình thân, suy niệm Lời Chúa. Những cộng đoàn này cần được cổ vũ và phát triển. Chỉ cần lưu ý đến điều mà Đức Gioan Phaolô II đã nói lên (supra, trang 7), là giúp các cộng đoàn này hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ và địa phương, với hàng giáo phẩm, không đối lập hay tách rời, bất chấp hay coi thường các cơ cấu Giáo Hội đã có.

10. Hội đoàn CGTH:
Đây là một điểm son của Giáo Hội Việt Nam, các hội đoàn là môi trường để các tín hữu tham gia sứ mạng LBTM cách rõ ràng nhất. Như một vườn trăm hoa đua nở, các phong trào CGTH tại Việt Nam rất đa diện, từ những hội đoàn mang tính thuần túy đạo đức, đến các hội đoàn mang tính xã hội, nghề nghiệp, bác ái từ thiện, và nổi bật là tính truyền giáo. Mọi lứa tuổi cũng có hội đoàn riêng, từ thiếu nhi, đến thanh niên, giới gia trưởng, hiền mẫu, lão ông lão bà… Nói chung các hội đoàn được giáo dân đón nhận và sẵn sàng tham gia. Việc tổ chức cơ cấu và điều hành hội đoàn được các chủ chăn quan tâm. Việc sinh hoạt hội đoàn theo nội quy được tuân giữ. Phải nhìn nhận rằng các hội đoàn đã góp công rất nhiều trong việc thực thi sứ mạng LBTM.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một số hội đoàn còn hạn chế ở chỗ nặng hình thức bên ngoài, mới chú trọng đến phương diện đạo đức qua việc kinh kệ, lễ lạy, mà chưa sống linh đạo của hội đoàn, nhất là mở ra với tình bác ái, hiệp thông, sứ vụ. Việc huấn luyện đào tạo các hội viên vẫn chưa được thật sự quan tâm, chưa kể một số hội đoàn xem ra phải tự lực tự cường mà chưa được quan tâm đúng mức, đến nỗi sống dở, chết dở, vì thế mà việc thực thi sứ mạng LBTM vẫn chưa có nhiều kết quả đáng kể.

Trong chiều hướng canh tân, nối kết và khích lệ các hội đoàn CGTH tham gia vào sứ mạng này, UBLBTM đã tổ chức một cuộc Hội thảo năm 2017 với chủ đề “Các Hội đoàn CGTH và sứ mạng Loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hiện nay”.

 
Đức cha Anphong NGUYỄN HỮU LONG
Giám mục giáp phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng
Thông tin khác:
Ghi công quân đội và thanh niên (29/07/2019)
Thư Chung gửi Gia Đình Giáo Phận Về Môi Trường (29/07/2019)
Diện mạo mới ở khu dân cư quê chè (25/07/2019)
Theo lời bài hát “Vàm cỏ đông” đi tìm mộ thân nhân liệt sĩ (25/07/2019)
Bác hồ với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ (25/07/2019)
Hai động cơ thúc đẩy người Công giáo dấn thân phục vụ (24/07/2019)
Giáo xứ Sầm Sơn (24/07/2019)
Khóa họp Hội đồng Song Nguyền thế giới (23/07/2019)
Đổi mới công tác phối hợp dân vận, MTTQ, các tổ chức Chính trị - Xã hội (22/07/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log