Tin tức - Hoạt động

Đêm thánh vô cùng

Cập nhật lúc 14:30 24/12/2019
Nhà thờ Con gà Đà Lạt đêm Noen. Ảnh: Lê Quyên.
Nhà thờ Con gà Đà Lạt. Ảnh: Lê Quyên.
Một chiều lập đông, Đà Lạt buồn mênh mong sương khói... Những con đường Dã quỳ vàng óng đang mùa thai nghén dâng bông, rộn rã những cánh bướm khoe dáng, khoe màu. Bên bờ hồ Xuân Hưởng trầm mặc những cội Mai Anh đào già nua khép nép trong cái lạnh se thắt đến nao lòng, vài cơn gió nhẹ qua đường lặng lẽ thung thăng lên đồi cỏ, lên những cánh rừng thông ba lá khổ hạnh, rồi mất hút sau những lùm hoa dại... những lùm hoa Trinh Nữ, hoa Mùa tim tím trải gấm lốm đốm lên tấm da xanh ngắt của đại ngàn...

Hồi chuông nhà thờ ngân vọng thanh thoát... chạy dài theo chiếc bóng hoàng hôn, mặc cho bầu không khí ồn ào náo nhiệt thường ngày của thành phố trẻ trên cao nguyên đầy chất thơ này chùng xuống, trầm tư... bởỉ lát nữa thôi, màn đêm sẽ tiễn chân ngày để đón Chúa thượng ngàn uy linh giáng thế.

Đêm Thánh vô cùng.

Con dường Hồ Tùng Mậu quanh co khúc khuỷu đã thay chiếc áo vooan mới nõn nà bởi màu đỏ thắm của hoa xác pháo ven đường, điểm xuyết từng cụm Marguerite trắng toát khoe những cánh môi mỏng loanh sương khói... làm cho người qua đường xao xuyến mãi không thôi. Phải, nói không ngoa rằng Đà Lạt là xứ sở của thần tiên, xứ sở của tình yêu và hạnh phúc. Đến đây ta mới thật sự cảm thấy mình được thanh thản, bình yên bởi lẽ nhiều nhà nghiên cứu đều quả quyết rằng: Chính cái khí hậu lạnh và trong lành cộng với khung cảnh thiên nhiên dịu dàng của điệp trùng rừng núi, của hoa lá, của mây nước đã tạo cho con người Đà Lạt cái bản tính hiền hoà thân thiện. Bởi thế, đã hàng trăm năm qua cứ đến ngày Noen là du khách trên khắp mọi miền đất nước lại rần rần kéo nhau về đây để đón cho mình một mùa Giáng sinh như ý nguyện. Có người đã đến Đà Lạt nhiễu lần mà vẫn thấy thiêu thiếu điều gì, mà vẫn cứ mãi hoài khát khao hội ngộ...

Điều này tôi tự kiểm chứng với mình hơn hai mươi năm trước, hai mươi tuổi tôi đến Đà Lạt trong sự tò mò hơn là ngoạn lãm. Quê hương tôi là miền Trung nghèo xa xôi khô cằn sỏi đá, mùa hạ nắng cháy da người còn mùa mưa thì bão tố phong ba. Ngày đó mỗi khi nghe bài hát “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên là lòng tôi cứ nao nao mơ mộng... Cho đến một ngày cánh cửa thiên đường cao nguyên đã mở ra trong tôi. Tôi đến đây và đã gặp những người cùng cảnh ngộ, cùng tha phương cầu thực và cùng mong ước mọi sự tốt lành như mình... Ở nơi này ai cũng cần cù lao động, ai cũng sống đơn giản, tiết kiệm và cầu mong có ngày về thăm cố xứ xa xôi... Hồi ấy Đà Lạt lạnh lắm, đất rộng người thưa...thật là chim kêu vượn hú tứ bề núi non...hiu quạnh. Các cô gái ra đường lúc nào cũng khăn vu la quấn kín cổ, áo măng tô dày che thân. Các chị, các mẹ bán hàng lúc nào cũng áo dài tha thướt, môi phớt giấy điều... Có lẽ vì cái lạnh rưng rức quanh năm ấy mà người Đà Lạt thường ăn mặc kín đáo, trang nhã hay chăng? Điều này hẳn là vậy rồi, hơn nữa Đà Lạt đã từng có một thời là Hoàng triều cương thổ, là nơi ở và làm việc của vua Bảo Đại. Ngày ấy, những o, những mệ, những mệnh phụ phu nhân lúc nào ra đường mà chẳng tươm tất, chẳng áo lụa quần là... Tướng đi phải thật cốt cách phương phi, phải thật yểu điệu thục nữ thì mới quí phái. Tất cả những điều ấy đã giao thoa, đã hội tụ, đã tạo nên một phong cách Đà Lạt rất riêng, rất nên thơ mà chẳng nơi nào có được.

Rồi như không cưỡng nổi số phận của mình, tôi đành tự nguyện làm công dân lương thiện nơi đất rừng này...

Thường là sau bữa cơm chiều của ngày Noen, mọi công việc trong ngày dường như ngưng lại. Đó là thời gian dành cho trang điểm, cho phấn son áo lụa quần là, cho những đôi tình nhân, những mái ấm hạnh phúc có dịp hẹn hò nhau. Các con đường vốn dĩ hiền hoà thầm lặng của thành phố mang tiếng là buồn này lại trở nên vắng vẻ một cách thần kỳ... Lác đác vài chuyến xe khách đi ngược về xuôi vội vã lên đường bỏ lại những cụm khói co ro lầm lì như thách thức với cái lạnh. Màn sương bắt đầu buông xuống, phố đã lên đèn… Cảnh quan phố núi giờ đây được tô vẽ thêm những sắc màu lung linh huyền ảo bởi những ngọn đèn Harion vàng rực trầm tư hắt mình xuống mặt hồ lăn tăn nhảy múa. Người ta tràn nhau xuống phố đông nghịt.., các loại phương tiện giao thông đã được phân luồng từ trước để nhường lối cho khách bộ hành. Người người chen nhau cả trên hè phố, lẫn dưới lòng đường, chen nhau trong cái lạnh se sất của đêm đông, lẫn với sự nặc nồng của hơi thở. Người ta xích lại gần nhau, cời mở và thân thiện với nhau mặc cho những va chạm dẫu có hoặc không cố ý của ai đó. Chẳng mấy ai quan tâm tới chuyện của người khác làm gì, sự tự nhiên sẽ dành cho những cặp tình nhân tay trong tay, vai kề vai e ấp... lang thang qua những con đường rực rỡ ánh đèn tiến về hướng nhà thờ trung tâm.

Trong sân nhà thờ, một biển người lao xao dưới tháp chuông cao vòi vọi hết đứng lại ngồi. Có vài người cô đơn thật sự, họ có thể không là giáo dân, họ đến đây chỉ để hoà mình vào niềm vui chung của cộng đồng. Chọn một gốc khuất cho mình, lặng lẽ nhìn mọi người qua lại, lặng lẽ nhìn những đôi trai gái yêu thương nhau... hình như họ đang tìm kiếm một điều gì đó đã không còn thuộc về mình. Một nỗi buồn se se trong lòng họ đã dâng lên đỉnh điểm, át đi niềm kiêu hãnh vốn có của cõi vô thường và họ nhận ra mình rất quá đỗi cô đơn. Tôi là một trong số ít những người không may mắn đó. Tôi theo mọi người vào hang đá Bélem, ngắm Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ,...

Nơi tôi trọ trên tầng ba căn gác cũ mái ngói rêu phong nằm trong khuôn viên xóm đạo, ngự trên đồi Du Sinh cao cao lộng gió. Bên dưới cánh cửa sổ duy nhất của căn phòng ấy là cái ban công gỗ cũng đã cũ kĩ, tồi tàn. Chính nơi đây tôi thường nhìn sang đồi bên kia có ngôi nhà thờ xinh xỉnh màu hồng nhàn nhạt, lấp loáng sau rặng thông xanh với tháp chuông cao nhọn hoắt như bút tháp vẽ lên trời, trên đỉnh có tượng con gà trống Gô loa xoay theo chiều gió. Vào những sáng sớm tinh mơ, khi mà sương bạc mang máng khắp thành phố, nhà thờ lúc này như một con tàu lênh đênh trên sóng trắng, đẹp và huyền ảo vô cùng. Mùa thu, khi những chiếc lá thông nâu rụng đầy ngõ vắng, len lỏi vào từng căn gác hẹp, găm lên áo lên tóc của người qua đường...Và, khi những bước chân xào xạc chơi vơi trên muôn trùng lá rụng, dễ làm cho ta nhớ nhung về một thời xa xăm nào đó thì tiếng chuông nhà thờ ngân vọng du dương trong lúc ấy mới thật sự làm cho ta rưng rức thiết tha...

Đêm Giáng sinh năm này cũng vậy, trời Đà Lạt thật lạnh, thật hiền hoà... 
 
Đêm nay cũng là đêm của hai mươi năm đã qua trong tôi như thế, tiếng chuông nhà thờ vẫn lạnh lẽo trong Đêm Thánh vô cùng... 
Phan Thành Minh
Thông tin khác:
Tưng bừng mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Chuyện vui về Mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Giáng sinh – Lễ hội và hội lễ (24/12/2019)
Đón Mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Thư chúc mừng Lễ Chúa Giáng sinh 2019 (24/12/2019)
Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023 (24/12/2019)
30 năm hang đá sống ở Postumia, Slovenia (18/12/2019)
ĐTC khích lệ các bạn trẻ Công giáo tiến hành tiếp tục lý tưởng (17/12/2019)
ĐTC tiếp Hiệp hội công nhân cao niên của Ý (17/12/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log