Tin tức - Hoạt động

Lễ Giáng sinh có thật là kế tục một gnày lễ của dân ngoại không?

Cập nhật lúc 14:27 25/12/2019
Trong hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Ảnh: CTV
Ba Vua phương Đông tới Bê-lem tìm vị Cứu Thế và họ đã thấy Con Thiên Chúa ở cùng chúng ta.                                     Ảnh: CTV
 

Bằng chứng sử học

Theo sử liệu, hoàng đế Aurelianô của La Mã đã sáng lập lễ “Sinh nhật Mặt Trời hùng mạnh” vào ngày 25/12/274 SCN, nhằm cố gắng thay thế một ngày lễ quan trọng của Kitô giáo đã có trước đó. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, xuất hiện một học giả Tin Lành Đức, tên là Paul Ernst Jablonski, khẳng định lễ Giáng sinh là một ngày lễ du nhập từ dân ngoại, để chỉ trích Công giáo đã làm suy thoái Kitô Giáo thời ban đầu. Không lâu sau đó, một tu sĩ dòng Biển Đức tên là Dom Jean Hardouin cũng khẳng định lễ Giáng sinh 25/12 là ngày được tiếp nhận từ dân ngoại, nhằm bênh vực cho Giáo hội Công giáo đã hội nhập văn hoá mà không làm sai lệch Tin Mừng. Thực tế, trước năm 274, lễ Mặt Trời được tổ chức vào ngày 9/8 và 28/8 và không phải là những lễ hội quan trọng. Hơn nữa, đó còn không phải là các lễ hội tôn giáo. Chính vua Aurelianô, người có ác cảm với Kitô Giáo, đã dời những lễ đó vào ngày 25/12 để đồng hoá một ngày lễ tôn giáo của người Kitô giáo. Dù vậy, khi lập lễ này, nhà vua không có ý mừng ngày đông chí như nhiều người vẫn nghĩ.

Hơn nữa, Rôma thời đó có rất nhiều lễ hội lớn, trải dài suốt 12 tháng trong năm, nên nói người Kitô giáo nhất định đã chọn 25/12 làm lễ Giáng sinh là không thuyết phục. Quả vậy, trong lịch tôn giáo Rôma cổ, ngày 5/1 là lễ thần Vica Pota, 9/1 lễ thần Janus, 27/1 lễ thần Song Tử, 1/3 lễ năm mới, 15/3 lễ thần Mercury, 21/4 lễ thành lập La Mã, 19/10 thần Mars, 17/12 thần Saturn, 25/12 thần Mặt Trời. Đó đều là các lễ hội lớn, không nhất thiết người Kitô giáo phải chọn 25/12 để tổ chức Giáng sinh.

Từ lâu trước đó, ngay từ những năm 100 SCN, các Kitô hữu đã bắt đầu cố gắng xác định ngày Chúa Giáng sinh. Thời đó, truyền thống Do Thái cho rằng tất cả các ngôn sứ của Thiên Chúa đều có ngày được thụ thai hoặc ngày sinh trùng khớp với ngày qua đời. Do vậy, người ta cố gắng xác định ngày Chúa chịu chết để biết ngày Người được sinh ra hoặc được thụ thai. Kết quả, dựa vào thời điểm lễ Vượt Qua theo Tin Mừng mô tả, Giáo hội Tây phương xác định 25/3 chính là ngày Chúa chịu đóng đinh, cũng là ngày Người được thụ thai trong lòng Mẹ, do vậy mà lễ Giáng sinh phải rơi vào 25/12; trong khi các Giáo hội Kitô Đông phương tin rằng ngày Người thụ thai là 6/4 và họ tổ chức Giáng sinh vào 6/1. Thánh Augustinô ủng hộ quan điểm của Giáo hội Tây phương, ngài viết: “Phải tin rằng Người đã được thụ thai vào ngày 25 tháng Ba, vào ngày đó Người cũng chịu khổ hình; như thế, lòng dạ của Đức Trinh Nữ đã cưu mang Người, nơi không có con người phải chết nào được cưu mang nữa, cũng phù hợp là ngôi mộ mới chôn cất Người, nơi không một người nào khác được chôn cất nữa, trước hay sau Người” (Augustine thành Hippo, “Về Chúa Ba Ngôi”).

Năm 204 SCN, thánh Hippôlitô thành Rôma đã viết: “Trong lần đến thứ nhất của Chúa chúng ta trong xác thịt, Người sinh ra ở Bethlehem, là vào ngày 25/12, một ngày thứ tư trong tuần, khi Augustô đang ở năm thứ 42 của ông.” Thánh Hippôlitô viết những đoạn này 70 năm trước khi Aurelianô thiết lập lễ sinh nhật Mặt Trời, và thánh nhân không nói gì về lễ Mặt Trời nào cả, chứng tỏ khi đó nó chưa tồn tại vào ngày 25/12. Như vậy, trước khi có lễ Mặt Trời, người Kitô giáo đã cử hành một ngày độc lập với mọi cử hành ngoại giáo. Năm 221, sử gia Kitô giáo có uy tín Sextus Julius Africanus cũng xác nhận Chúa Giêsu sinh ra vào ngày 25/12.

Cuộc cử hành lễ Giáng sinh đầu tiên được ghi nhận vào 25/12/336 SCN, sau khi La Mã đã thiết lập lễ Mặt Trời. Năm 350, Giáo hội thiết lập lễ sinh nhật Chúa Kitô chính thức vào ngày 25/12, dưới thời Đức Giáo hoàng Julius I. Thánh Gioan Kim Khẩu (349-407) viết rằng: “Nhưng Chúa chúng ta, cũng vậy, đã sinh ra vào tháng Mười Hai, tám ngày đếm về trước tính từ ngày đầu tháng Giêng... Nhưng nhiều người gọi đó là 'sinh nhật của hùng mạnh'... Thực sự thì ai hùng mạnh bằng Chúa chúng ta?... Hay họ cũng gọi đó là 'sinh nhật của Mặt Trời', chính Chúa là Mặt Trời Công Chính!”

Xét về thần học, các đấng giáo phụ vẫn thường nói: Chúa Giêsu chính là Mặt Trời Công Chính, Mặt Trời cứu độ. Sách tiên tri Malakhi có nói: “Với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, Mặt Trời công chính sẽ mọc lên cho các ngươi” (Ml 4,2). Tin Mừng Luca thì nói: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Dương tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1,78). Và trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu phán rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chính vì vậy, nếu có chọn ngày đông chí - ngày mà dân ngoại tôn vinh thần Mặt Trời - để làm ngày Giáng sinh, thì cũng là để nhấn mạnh Chúa Giêsu quả thật là Mặt Trời soi sáng thế gian.
 
Trong hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Ảnh: CTV
Trong hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Ảnh: CTV
Bằng chứng Kinh Thánh

Bây giờ đến bằng chứng Kinh Thánh. Chúng ta biết rõ Thiên sứ Gabriel hiện ra với ông Dacaria để truyền tin sinh Ngôn sứ Gioan khi ông vào Đền thờ để dâng hương. Truyền thống thánh, được thánh Gioan Kim Khẩu ủng hộ, xác nhận ông vào Đền thờ vào lễ Xá Tội, Yom Kippur, ngày mồng 10 tháng Tishrei Âm lịch Do Thái, thường rơi vào giữa tháng 9-10 Dương lịch. Khi bà Êlisabét có thai được 6 tháng thì Thiên sứ Gabriel hiện ra với Đức Maria để truyền tin Mẹ chịu thai, như Tin Mừng Luca chương 1 kể. 6 tháng sau tháng Tishrei là tháng Nissan, tương đương giữa tháng 3 và tháng 4 Dương lịch; lễ Truyền Tin được chọn vào 25/3 là hợp lý. Đức Mẹ mang thai 9 tháng thì sinh con, rơi vào tháng Tevet, tức khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1 Dương lịch. Vậy là tương ứng với truyền thống Giáng sinh 25/12. Tuy có nhiều lập luận khác phủ nhận việc ông Dacaria vào Đền thờ dâng hương đúng vào lễ Xá Tội, khiến Giáng sinh vào 25/12 là không đáng tin cậy, nhưng truyền thống kể trên do chính thánh Gioan Kim Khẩu khẳng định, nên đáng tin tưởng hơn các nguồn khác.

Nhiều người dựa vào việc có các người chăn chiên ở ngoài đồng vào đêm Chúa sinh ra, theo Tin Mừng tường thuật, để cho rằng ngày Giáng sinh không phải là vào mùa đông. Tuy nhiên, một chuyên gia viết trên Aleteia rằng: các mục đồng được nhìn thấy cùng với đàn chiên của họ vào mọi thời điểm trong năm, do vậy chi tiết về mục đồng không khẳng định được vấn đề thời gian. Có điều là mùa đông ở Do Thái không có tuyết như người ta tưởng tượng.

Kết luận

Như thế, nguồn gốc việc tổ chức lễ Giáng sinh vào 25/12 có trước khi La Mã xưa chào mừng lễ thần Mặt Trời của họ, nhưng trớ trêu là người hiện đại, nhất là người Công giáo, thường tin điều ngược lại, cho rằng ngày Giáng sinh “kế tục” một ngày mừng của dân ngoại. Lầm tưởng này phần nào khiến lễ Chúa Giáng sinh mất phần ý nghĩa và giá trị, vì thiếu tính chân thực. Điều nên tin là Hội Thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng, và như Chúa Giêsu hứa rằng Thánh Thần sẽ “dẫn đưa anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13), Hội Thánh hẳn không mừng một lễ ngoại đạo tưng bừng như vậy. Dù sao, việc Chúa có thực sự sinh ra vào ngày 25/12 hay không vẫn còn là vấn đề được tranh luận. Chỉ cần biết đó là một sự thật lịch sử, không phải là huyền thoại; điểm nhấn của câu chuyện ở đây không phải là nó khi nào xảy ra mà là nó đã xảy ra. Lễ Giáng sinh phản ánh một chân lý rằng: Thiên Chúa trên trời đã xuống làm một con người dưới đất, để con người dưới đất được lên nơi của Thiên Chúa trên trời (Thánh Athanasiô).

Giankim Nguyễn
Thông tin khác:
Giáng sinh về! (24/12/2019)
Ba niềm vui trong Mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Đêm thánh vô cùng (24/12/2019)
Tưng bừng mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Chuyện vui về Mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Giáng sinh – Lễ hội và hội lễ (24/12/2019)
Đón Mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Thư chúc mừng Lễ Chúa Giáng sinh 2019 (24/12/2019)
Hội nghị lần thứ 3 của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023 (24/12/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log