Tin tức - Hoạt động

Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp

Cập nhật lúc 12:51 27/12/2019
Cộng đoàn Công gáo Việt Nam tại Lille (Pháp). Ảnh: CTV
Cộng đoàn Công gáo Việt Nam tại Lille (Pháp). Ảnh: CTV
Theo truyền thuyết về tổ tiên người Việt Nam chúng ta là Lạc Long Quân và Âu Cơ, chúng ta là con rồng cháu tiên. Chúng ta được sinh ra trong cùng một bào thai 100 trứng, và nở ra 100 con. Nên chúng ta gọi nhau là đồng bào, là anh em ruột thịt. Chữ “Tổ quốc” diễn tả đất nước chúng ta là một cái tổ, nơi chúng ta được sinh ra. Nên chúng ta là anh em ruột thịt. Vì vậy chúng ta yêu thương nhau và cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình. Chính vì vậy mà Tổ quốc chúng ta tồn tại đến ngày nay. Chúng được sinh ra ở một nơi nào đó, gọi là làng, là quê, là cội, là nguồn. Những người cùng ở chỗ đó gọi nhau là đồng hương khi chúng ta phải tha phương goi là xa quê, và chúng ta liên lạc với nhau, tập họp lại để lập “hội đồng hương” để chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Chúng ta đi ra nước ngoài sinh sống. Nơi đó có tiếng nói riêng, chúng ta phải biết và nói tiếng nói của họ. Nhưng khi chúng ta gặp nhau nơi đất khách quê người, ôi sung sướng biết bao khi chúng ta nói với nhau bằng tiếng Việt! Chúng ta là đồng hương Kitô giáo Việt Nam, là người tin vào Đức Kitô, ôi sung sướng gấp nhiều lần khi chúng ta tụ tập nhau cùng cầu nguyện, cùng hiệp dâng thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta! Chính vì vậy, tôi xin được thông tin và chia sẻ về cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp mà tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, tìm hiểu.

Cộng đoàn giáo xứ Công giáo Việt Nam tại Pháp được manh nha từ 1946, do sáng kiến và góp sức của các giáo sĩ du học và anh chị em giáo dân sinh sống tại Pháp vào thập niên 40, sau đệ nhị thế chiến, trong bầu không khí đấu tranh giành độc lập cho quê hương. Ở buổi đầu, từ những năm 1946 đến 1975, Liên đoàn Công giáo Việt Nam và Thừa sai Công giáo Việt Nam được thành lập và tùng phục trực tiếp các Đấng bản quyền Đông Dương. Cha Pacifique Nguyễn Bình An (1952-1955) thuê một căn nhà làm cơ sở sinh hoạt tại số 36bis, Bd Raspail, 75007. Sau đó cha Phanxicô Trần Thanh Giản (1955-1971) thay thế cha Pacifique Nguyễn Bình An, ngài dời về 32 Ave de l’Observatoire đến năm 1968 lại dời về 15, rue Boissonade, 75014.

Cộng đoàn Công giáo Việt Nam (CGVN) hình thành sớm nhất tại Toulouse. Có thể nói, Toulouse là cái nôi của cộng đồng CGVN tại Pháp, nhưng chính Paris lại chủ động trong những bước tiến mới khẳng định vị trí của cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Pháp.

Sau ngày 30/4/1975, tình hình di dân của người Công giáo Việt Nam tại Pháp đã thúc đẩy Hội đồng Giám mục Pháp áp dụng những chỉ thị của tự sắc “Mục vụ Di dân” (Pastoralis Migratorum Cura). Ngày 28/5/1976, với tư cách là Giám mục đặc trách về các đồng bào châu Á, Ðức cha André Rousset đã bổ niệm cha Michel Nguyễn Quang Toán phụ trách cộng đoàn CGVN. Ngày 13/9/1997, Ðức cha Daniel Pérézil, Giám mục phụ tá Paris bổ nhiệm cha Samuel Trương Ðình Hoè kế vị cha Michel Nguyễn Quang Toán. Cũng trong thư này, Ðức cha Pérézil xác định: “Giáo xứ Việt Nam Paris phải là cộng đoàn cầu nguyện, bí tích, tương trợ huynh đệ, sống đạo theo truyền thống và văn hoá Việt Nam”. Năm 1979, cha Trương Đình Hoè từ chức vì dòng Phanxicô cần ngài để lo liệu công tác văn hoá và huấn luyện của dòng. Cha Denis Lương Tấn Hoàng lên thay, nhưng ngày 02-9/11/1980, cha Denis Hoàng đã đệ đơn xin từ chức Giám đốc giáo xứ vì lý do sức khoẻ, nên Ðức Giám mục Daniel Pérézil bổ nhiệm cha Giuse Mai Ðức Vinh. Ngày 16/11/1980, Đức cha Daniel Pérézil đã chủ lễ và bổ nhiệm chính thức cha Giuse Mai Ðức Vinh vào chức vụ Giám đốc giáo xứ... Nhưng đến kỳ hạn, vì không tìm ra người thay thế nên Đức cha Claude Frikart nói với cha Mai Ðức Vinh rằng: ‘Bây giờ không tính số năm, điều quan hệ là cha còn khỏe không ? ‘Địa phận muốn cha vui lòng tiếp tục nhiệm vụ làm cha sở giáo xứ Việt Nam, không cần bổ nhiệm lại nữa’. Thế là cha Mai Ðức Vinh làm Giám đốc tới 37 năm!

Từ 1975, với số người Việt Nam tại Pháp đông hơn, có tới 200.000 kiều dân Việt Nam tại Pháp, trong đó, vùng Paris chứa tới 40.000, và số tín hữu Công giáo là 15.000. Một con số đáng kể khiến Hội đồng Giám mục Pháp phải lưu ý. Số các cộng đoàn mục vụ cũng tăng hẳn lên. 

Theo bản điều tra của tuyên úy đoàn, năm 2019 có 45 cộng đoàn CGVN trong đó có 31 cộng đoàn có cha tuyên úy trên 45 giáo phận tại Pháp. Tuyên úy đoàn hiện nay gồm 31 linh mục, 5 thầy phó tế, 5 sư huynh và 4 nữ tu.

Như thế, ngoài các cộng đoàn vùng Toulouse và Paris có một quá trình hình thành lâu dài, tất cả các cộng đoàn khác đã xuất hiện sau ngày 30/4/1975. Các cộng đoàn đều được phân bố rộng khắp, theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau của các cộng đồng di dân. Tình hình cụ thể của một số Cộng đoàn từ Bắc xuống Nam như sau:

1. Cộng đoàn CGVN tại Lille. Cộng đoàn hình thành khi di dân Việt Nam ngày càng đến đông từ 1976, tạm trú tại các trại tạm cư ở Lille, Monts en Baroeul, Tourcoing và Wasquehal. Giáo phận Lille chỉ định nữ tu Elisabeth Trương Thị Nhàn, thuộc tu viện dòng Chúa Quan Phòng Portieux coi sóc cộng đoàn. Cộng đoàn CGVN tại Amiens. Cộng đoàn này hình thành sau ngày 30/4/1975 với khoảng 10 gia đình di dân Việt Nam đến Amiens cuối năm 1975, trong số đó chỉ có vài tín hữu Công giáo. 

2. Giáo xứ Công giáo Việt Nam tại Paris. Địa bàn hoạt động của cộng đoàn Paris khá rộng lớn, bao trùm sang 5 giáo phận Paris, Pontoise, Meaux, St. Denis và Nanterre. Ngoài Paris là cộng đoàn chính, giáo xứ Việt Nam còn 5 cộng đoàn phụ thuộc: Sarcelles, Marne-La-Vallée, Cergy, Villiers-Le-Bel và cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại vùng Rennes- Saint Brieuc (Trung Tây Bắc). Với 160 người thuộc 62 hộ, cộng đoàn Rennes hình thành ngày 1/11/1979. Rennes là thành phố chính của tỉnh Ille-et-Vilaine, thủ phủ của vùng Bretagne, cách Paris 360km về phía Trung Tây Bắc nước Pháp. Linh mục Đỗ Minh Lộ (Lorry) (OP) là người sáng lập ra cộng đoàn này,...đến Đức ông Giuse Mai Đức Vinh và nay là linh mục Gilbert Nguyễn Kim Sang. Liên cộng đoàn CGVN tại Stras-bourg (Đông Bắc). Liên cộng đoàn này gồm có ba cộng đoàn: Strasbourg (Đức Mẹ La Vang), Colmar và Mulhouse. Số tín hữu hiện nay là 750 người phân bố trong 158 gia đình. Cộng đoàn CGVN tại Nancy (Đông Bắc). Là một cộng đoàn đa chủng tộc đa văn hóa nhưng thích ứng khá nhanh trong tinh thần đoàn kết và hiệp thông. Toàn thể cộng đoàn có 280 gia đình, với tỷ lệ tín hữu so với tổng số kiều dân, phân bố như sau: Việt Nam 40/100, Lào 10/80, Campuchia 4/100. Cộng đoàn CGVN St-Étienne. Giáo phận St. Étienne là 1 trong 11 giáo phận thuộc vùng Trung Đông Pháp, cách Paris 506 km và cách Lyon 56 km. Tỷ lệ Công giáo và không Công giáo trong số 1.182 người di dân ở St. Étienne như sau: Việt 127/252, Campuchia 7/531, Lào 2/399. Cộng đoàn CGVN vùng Grenoble (Đông Nam). Số tín hữu trong cộng đoàn có 163 người, gồm những thành phần tương đối trẻ. Cộng đoàn CGVN tại Toulouse. Trong những thánh lễ thường có khoảng 100 người đến dự, nhưng vào các dịp lễ như Giáng sinh, Tết Nguyên đán, Các thánh tử đạo Việt Nam, có tới 300 người tham dự. Thành phần chủ yếu hiện nay lại là những di dân sau năm 1975, những tín hữu trước năm 1975 đã lớn tuổi, đi lại khó khăn, hoặc do nghề nghiệp hay cuộc sống, đã dần dần tan biến vào xã hội kiểu phương Tây. Còn giới trẻ Việt Nam thuộc thế hệ năm 1975 lớn lên trong khung cảnh phương Tây đã trở thành Tây hơn, sống theo kiểu Tây và chỉ vào nhà thờ một năm đôi ba lần.

Các cha phải kiêm nhiệm nhiều cộng đoàn: cha Gilbert Nguyễn Kim Sang 4 cộng đoàn, cha Phaolô Maurice Lâm Thái Sơn 4 cộng đoàn, cha Clément Nguyễn Văn Thể 2 cộng đoàn, cha Giuse Trần Văn Dũng 2 cộng đoàn, cha Jean Vũ Minh Sinh 2 cộng đoàn. Nữ tu làm tuyên úy cộng đoàn Chalon-sur-Saône là nữ tu Thérère Nguyễn Thọ Mười, nữ tu Elisabeth Trương Thị Nhàn tuyên úy công đoàn Nacy, giáo dân làm trưởng cộng đoàn Amiens (không có linh mục) là ông Lê Minh Quang, Marc Lai Thế Vinh Quang làm trưởng cộng đoàn Orléans, ông Nguyễn Ngọc Long Quang làm trưởng cộng đoàn Reims.Đặc biệt nữ giáo dân bà Marie-Denise vivienne Ung Quang làm trưởng cộng đoàn Clermont-Ferrand (không có linh mục),và bà Anh Tôn Linh Đan Quang làm trưởng cộng đoàn Orléans.

Người Công giáo Việt Nam tại Pháp, ngoài những sinh hoạt như lớp giáo lý, lớp Việt ngữ, các đoàn thể Công giáo Tiến hành, vẫn thường xuyên tích cực tham gia các sinh hoạt đấu tranh chính trị, những hoạt động văn hoá và xã hội với mọi người trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Trong lĩnh vực truyền thông, từ nhiều năm nay người ta thấy xuất hiện tập san nghiên cứu nghị luận “Định Hướng” do Trung tâm Văn hoá Nguyễn Trường Tộ tại Strasbourg phát hành ba tháng một số. Trong tinh thần Đại Kết, vào mùa Vu Lan 2005, cộng đoàn giáo xứ CGVN tại Paris đã cùng các tôn giáo Việt Nam khác, như Phật giáo, Hoà Hảo, tổ chức ngày lễ liên tôn ngày 10/9/2005 tại nghĩa trang Père Lachaise, cầu cho tổ tiên. Có thể cho rằng mục vụ phụng tự đang hội nhập vào lòng dân tộc qua những hình thái và khuôn khổ văn hoá hơn, xã hội hơn. Phụng tự không chỉ là những hành động tôn giáo dành riêng cho tín hữu Kitô, nhưng có thể được cử hành trong đám đông không Công giáo, trước những người chưa biết đến hoặc chưa có lòng tin vào Ðức Kitô. Cộng đoàn giáo xứ Việt Nam Paris tiếp tục truyền thống hiếu thảo và tôn kính các bậc cao tuổi. Năm 1998 đánh dấu một bước ngoặt không gian. Sau nhiều năm chật chội ở số 15, rue Boissonade, 75014 Paris, giáo xứ đã được Toà Tổng Giám mục Paris tặng một cơ sở khác rộng rãi và khang trang hơn. Ngày 15/8/1998, giáo xứ đã dọn về cơ sở mới, toạ lạc ở số 38, rue des Epinettes, 75017 Paris. Ba tháng sau, ngày 15/11/1998, Ðức Hồng y Jean Marie LUSTIGER đã đến cơ sở mới cử hành thánh lễ chính thức trao nhượng quyền sử dụng cơ sở cho giáo xứ và công bố quyết định ngày 12/11/1998 của Phủ Quốc vụ khanh ân thưởng tước vị Ðức ông cho linh mục Giám đốc Giuse MAI ÐỨC VINH. 

Trong tương quan của giáo xứ Việt Nam Paris với các cộng đoàn CGVN tại Pháp đi vào tổ chức hơn. Ở lĩnh vực tuyên úy có cuộc họp hằng năm của các tuyên úy Việt Nam tại Pháp.Ở cấp quốc gia Pháp, cộng đoàn giáo xứ Việt Nam Paris tham gia vào ba tổ chức của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp: Ủy ban mục vụ Giới trẻ, Ủy ban mục vụ Giới trưởng thành và Quỹ tương trợ cộng đoàn. Ban Giám đốc giáo xứ Việt Nam Paris cộng đoàn giáo xứ CGVN tại Paris hiện nay: Từ ngày 10/9/2017 linh mục Gilbert Nguyễn Kim Sang là Giám đốc cộng đoàn giáo xứ Công giáo Việt Nam tại Paris, trong Ban Giám đốc gồm: linh mục Giuse Trần Anh Dũng, linh mục Gioan Vũ Minh Sinh, thầy Phêrô Phạm Bá Nha, thầy Anrê Tạ Đình Chung, thầy Gioan Nguyễn Sơn, thầy Phêrô Cao Trọng Nghĩa, thầy Giuse Giang Minh Đức, thầy Vinh Sơn Nguyễn Văn Châu, nữ tu Têrêsa Thân Kim Liên, nữ tu Maria Nguyễn Thị Kim Thoa.

Ban Mục vụ giáo xứ Việt Nam Paris: Trưởng ban Đại diện: Ông Lê Đình Thông. Phó Ban Đại diện: Ông Võ Tri Văn. Thư ký: ông Loch Sotha Khoa. Các thành viên: Các anh chị Charles Hồng - Phạm Tay Hải - Nguyễn Minh Dương - Nguyễn Mạnh Hiếu - Nguyễn Đức Thiệp – Many Hùng - Trần Anh Dũng - Nguyễn Thị Nhựt Thu - Đào Kim Phượng - Jean-Michel Souppaya - Dương Quỳnh Châu - Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Xuân Chương - Nguyễn Thị Tắc - Pierre Veaux - Trần Thị Trúc Tiên.

Cộng đoàn giáo xứ Việt Nam tại Pháp, từ ngày thành lập, quả thật đã và đang sinh sống và phát triển mạnh mẽ trong sự liên lạc mật thiết với Giáo hội. Với một lịch sử 73 tuổi đời. Với một sức sống luôn vươn lên, cộng đoàn giáo xứ Việt Nam luôn luôn cải tiến với những sinh hoạt dồi dào, theo sát những chỉ dẫn của Tổng giáo phận Paris. Cộng đoàn giáo xứ Việt Nam suy nghĩ, tìm tòi để đưa cho mình một tổ chức hữu hiệu và đơn sơ, thực tế mà trong sáng, góp phần liên hệ với các cộng đoàn địa phương mà không quên nguồn gốc văn hóa Âu Lạc, Bách Việt, và tam giáo Á châu. Xin Chúa là Mục Tử Nhân Lành hướng dẫn giáo xứ để cộng đoàn CGVN tại Pháp luôn đi đúng đường, đi theo cửa chính, để luôn “được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Chúa”.
 
LẠI VĂN MIỄN
Thông tin khác:
Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn - Điểm đến du lịch nổi tiếng (27/12/2019)
Đồng bào Công giáo Nghệ An luôn phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc (27/12/2019)
Dư âm cõi thế (26/12/2019)
Tóm lược niên lịch phụng vụ năm 2020 (25/12/2019)
Thánh lễ tạ ơn 50 năm linh mục (25/12/2019)
Lễ Giáng sinh có thật là kế tục một gnày lễ của dân ngoại không? (25/12/2019)
Giáng sinh về! (24/12/2019)
Ba niềm vui trong Mùa Giáng sinh (24/12/2019)
Đêm thánh vô cùng (24/12/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log