Để chứng minh cho Đức Tổng Giám mục những gì ông đã thấy, Đức Mẹ bảo ông leo lên đỉnh đồi để hái hoa. Khi lên tới nơi, Juan Diego tìm thấy những bông hoa hồng Castilian, vốn không nở vào mùa này và cũng không phải là loài sống được nơi đây.
Đức Mẹ đã sắp xếp số hoa tìm được vào chiếc áo tilma bằng sợi xương rồng của Juan. Và khi ông đến dinh thự của giám mục, mở chiếc áo choàng ra thì hoa rơi xuống sàn, trên bề mặt áo bỗng xuất hiện hình ảnh Đức Mẹ mà ngày nay được gọi là là “Đức Mẹ Guadalupe”. Chiếc áo tilma với hình ảnh Đức Mẹ chỉ trong vòng 7 năm đã tác động lên hàng triệu người, khiến họ chuyển sang đạo Công giáo.
Bên cạnh đó, chiếc áo hiện được trưng bày tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở thành phố Mexicô, Mexicô còn có nhiều điều lạ lùng mà các khoa học gia chưa thể giải thích.
Dưới đây là 4 sự thật đáng kinh ngạc về chiếc áo tilma in hình Đức Mẹ. 1) Chất liệu và màu sắc đặc biệt mà loài người không thể tái tạo Chiếc áo tilma được làm chủ yếu từ sợi cây xương rồng, một chất liệu có chất lượng rất kém và bề mặt thô ráp. Vì thế rất khó để mặc chúng, và thậm chí còn khó hơn nếu muốn giữ được hình ảnh đã vẽ lên vải. Tuy thế, hình ảnh Đức Mẹ trên tấm áo tilma nói trên vẫn còn cho đến ngày nay. Các nhà khoa học nghiên cứu vải tấm nhấn mạnh rằng, bề mặt tấm vải đã không được xử lý bằng bất kỳ kỹ thuật nào. Bề mặt trên tấm tilma có in hình Đức Mẹ khi chạm vào thì mềm như lụa, trong khi những phần còn lại tilma vẫn thô ráp.
Hơn nữa, các chuyên gia nhiếp ảnh hồng ngoại nghiên cứu vào cuối những năm 1970 xác định rằng, trên chiếc tilma không có bất kỳ nét cọ nào (hoàn toàn không), như thể ảnh Đức Mẹ được sáp nhập vào làm một với tấm vải. Tiến sĩ Phillip Callahan, một nhà sinh lý học tại Đại học Florida phát hiện ra rằng, khi đưa bức ảnh ra xa một chút thì có sự khác biệt về diện mạo của kết cấu và màu da của Mẹ, mà con người không thể tái tạo được:
“Kỹ thuật đó không thể là do bàn tay con người làm nên. Nó chỉ thường xảy ra trong tự nhiên, như màu của lông chim hay cánh bướm và những màu tươi tắn trên bọ cánh cứng … Nếu từ từ lùi ra xa bức ảnh, đến một khoảng cách nhất định thì các sắc tố tự nhiên và bề mặt có in hình Đức Mẹ sẽ hòa quyện vào với nhau, vẻ đẹp tuyệt vời nơi chân dung Đức Trinh Nữ có màu của trái olive hiện ra như thể đó là ma thuật.”
Ngoài ra, tấm vải có in hình Đức Mẹ còn thay đổi nhẹ màu sắc tùy tùy vào góc nhìn của người xem. Màu sắc của bức ảnh cũng không thể tìm thấy nơi các loài động vật hay trong các nguyên tố khoáng chất (vào năm 1531, chưa có màu tổng hợp), khiến nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Thật tuyệt vời!
2) Mọi người cho đây chỉ là một bức vẽ, nhưng chiếc áo tilma ấy đã đánh bại mọi bức vẽ bản sao cả về thời gian lẫn chất lượng Mỗi khi có ai muốn tạo ra một bản sao để thay thế bức ảnh gốc, thì kết quả là bản sao ấy sẽ nhanh chóng phai mờ, trong khi bản gốc dường như không bao giờ phai.Miguel Cabrera, một nghệ sĩ sống giữa thế kỷ 18, người đã sao chép ra ba trong số những bản sao nổi tiếng nhất (một dành tặng Tổng giám mục, một dành tặng Đức giáo hoàng và một cho chính ông) đã từng viết về sự khó khăn trong việc sao chép bức ảnh, dù là với những chất liệu tốt nhất:
Ông nói: “Tôi tin rằng dù một họa sĩ tài năng và cẩn thận nhất đi chăng nữa, nếu anh ta sao chép bức ảnh thánh thiêng này trên tấm vải vẽ có chất lượng kém [như chiếc áo tilma gốc], thì dẫu anh có cố gắng khó nhọc đến mấy để họa lại 4 chất liệu trên bức ảnh, thì cuối cùng cũng phải mệt mỏi thừa nhận rằng mình không thể làm được. Điều này có thể được chứng minh rõ ràng qua rất nhiều bản sao đã được tạo nên, nhờ vào lợi thế của việc sử dụng véc-ni, tấm vải vẽ được chuẩn bị cẩn thận nhất và chỉ sử dụng một chất liệu là dầu – môi trường thuận lợi nhất cho việc vẽ tranh…”
Tiến sĩ Adolfo Orozco, nhà nghiên cứu và nhà vật lý học tại Đại học Quốc gia Mêxicô, vào năm 2009 đã so sánh việc chiếc áo tilma được bảo quản quá hoàn hảo so với những bản sao của nó. Ví dụ, một bản sao năm 1789 được vẽ trên một bề mặt tương tự với các kỹ thuật tốt nhất vào thời điểm đó, sau đó bản sao được bọc kính và lưu trữ bên cạnh chiếc áo tilma gốc. Lúc đầu, trông bản sao thì đẹp khi mới sơn, nhưng chỉ 8 năm sau với khí hậu nóng ẩm của Mêxicô, người ta đã phải gỡ bỏ bản sao này bởi màu sắc đã phai mờ và có những vết nứt.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Orozco cho biết, không có bất kỳ lời giải thích khoa học nào lý giải cho sự thật là “chiếc áo tilma gốc đã được trưng bày ngoài trời trong gần 116 năm mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Tấm áo đã hấp thu tất cả những tia hồng ngoại và tia cực tím từ phát ra từ hàng chục ngàn ngọn nến gần đó, đồng thời tiếp xúc với không khí ẩm ướt và mặn trong ngôi đền.”
Thật tuyệt vời!
3) Chiếc áo tilma giống như một cơ thể sống Năm 1979, khi Tiến sĩ Callahan phân tích áo tilma bằng công nghệ hồng ngoại, ông cũng phát hiện ra rằng chiếc áo luôn duy trì một nhiệt độ không đổi là 98,6 độ F (tương đương 36,6 – 37 độ C), giống như nhiệt độ của một cơ thể sống.
Khi bác sĩ Carlos Fernandez de Castillo, một bác sĩ phụ khoa Mêxicô, kiểm tra áo tilma, đầu tiên ông thấy một bông hoa bốn cánh nằm ở vị trí là dạ con của Mẹ Maria. Người Aztec gọi loài hoa này là Nahui Ollin, đây là biểu tượng của mặt trời và còn là biểu tượng của sự sung túc. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng hơn, tiến sĩ Castillo kết luận rằng kích thước của cơ thể Đức Mẹ Guadalupe trong bức ảnh, tương tự với kích thước của một bà mẹ mang thai. (ngày 9/12, ngày Đức Mẹ hiện ra với Juan, chỉ hai tuần lễ trước Giáng sinh…).
Cuối cùng, một trong những phát hiện nổi tiếng nhất, đó là những khám phá nằm trong đôi mắt của Đức Mẹ trong bức ảnh. Tiến sĩ Jose Alte Tonsmann, một bác sĩ nhãn khoa người Peru đã tiến hành một nghiên cứu, và một trong những thí nghiệm của ông là phóng đại 2.500 lần hình ảnh đôi mắt Đức Mẹ. Với hình ảnh phóng đại này, nhà khoa học này phát hiện có hình ảnh 13 người ở cả hai mắt với các tỷ lệ khác nhau, giống như mắt của con người khi nhìn sự vật gì đó. Đôi mắt dường như đã chụp lại cảnh tượng khi thánh thánh Juan Diego trải chiếc áo tilma của mình ra trước mắt vị Tổng giám mục.
Thật tuyệt vời!
4) Bức ảnh dường như không thể bị phá hủy Qua nhiều thế kỷ, có hai sự kiện đã đe doạ sự nguyên vẹn của chiếc áo tilma. Một xảy ra vào năm 1785 và một vào năm 1921. Năm 1785, khi một công nhân đang lau dọn bề mặt kính của bức ảnh, ông đã vô tình làm tràn 50% dung dịch a-xít nitric lên phần lớn bức ảnh. Vì thế, hình ảnh Đức Mẹ và những nơi còn lại của áo tilma ngay lập tức bị dung dịch ăn mòn gần hết. Tuy nhiên sau 30 ngày, bức ảnh tự phục hồi và còn nguyên vẹn cho đến này nay, ngoại trừ các vết bẩn nhỏ trên tấm vải không in hình Đức Mẹ.
Năm 1921, một nhà hoạt động chống giáo sĩ đã giấu một quả bom có chứa 29 thanh thuốc nổ trong một lọ hoa hồng, và đặt nó trước bức ảnh bên trong Vương cung thánh đường ở Gadalupe. Khi quả bom phát nổ, hầu như tất cả mọi thứ từ bàn thờ bằng đá cẩm thạch, sàn nhà cho tới cửa sổ cách đó 150m đều bị vỡ… nhưng bức ảnh và khung kính xung quanh vẫn không ảnh hưởng gì. Thiệt hại duy nhất xảy ra gần với áo tilma là một cây thánh giá bằng đồng thau bị xoắn và uốn cong bởi vụ nổ.
Thật tuyệt vời!
Anna Huê (theo Church Pop)