Là một giáo phận vùng Tây Nguyên, tuy non trẻ nhưng Ban Mê Thuột có nhiều dấu ấn đặc sắc. Hạt giống đức tin được phôi thai tại đây từ thập niên 70 của thế kỷ 18 và kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20, qua những lần viếng thăm của các thừa sai ngoại quốc. Tháng 1.1934, sau chuyến thị sát của phái đoàn GP KonTum, thầy Phaolô Đỗ Hữu Hiền được cử xuống Ban Mê Thuột để chuẩn bị và xây dựng một nhà nguyện. Năm 1935, giáo họ Ban Mê Thuột được thành lập và năm 1937 được nâng lên hàng giáo xứ. Trong giai đoạn 1955 - 1967, một loạt các xứ đạo được thành lập theo dòng người di cư…
Khi thành lập vào năm 1967, GP Ban Mê Thuột có khoảng 56.719 giáo dân, 33 giáo xứ và 55 linh mục. Hiện nay, giáo phận có khoảng 445.000 tín hữu, 106 giáo xứ, 138 linh mục. Đặc biệt, số tín hữu dân tộc tăng trưởng nhanh trong cộng đoàn Dân Chúa nơi đây. Từ 7 tân tòng được lãnh nhận bí tích Rửa Tội vào năm 1956 tại Ban Mê Thuột, đến nay số tín hữu người dân tộc Stiêng, Xơ Đăng, Mnông, Êđê… có khoảng 91.000 người, chiếm 21% số giáo dân trong giáo phận; và cộng đoàn giáo hữu này cũng được giáo phận quan tâm hàng đầu trong dịp mừng Kim khánh 50 năm.
Trong Thư chung gởi cộng đoàn Dân Chúa dịp Kim khánh, Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản mời gọi: “Trong các giáo xứ có cả người Kinh lẫn anh chị em sắc tộc, cộng đoàn người Kinh cố gắng nâng đỡ và đồng hành với anh chị em đồng bào sắc tộc, cả về tinh thần lẫn vật chất. Trong những giáo xứ hoàn toàn người Kinh, xin quý cha và anh chị em kết nghĩa với một giáo xứ sắc tộc hay một buôn làng, để thực hiện tinh thần nâng đỡ, sẻ chia này. Trong cộng đoàn anh chị em đồng bào sắc tộc, có những người già không nơi nương tựa, cũng như các em mồ côi không được chăm sóc. Trong Năm Thánh này, toàn thể giáo phận chúng ta sẽ cố gắng chung tay xây dựng một nhà dưỡng lão và một cô nhi viện tại giáo xứ Mẫu Tâm, trung tâm phục vụ anh chị em sắc tộc. Ngoài ra, còn có những nhà lưu trú của các hội dòng thiết lập dành cho những thanh thiếu niên đồng bào sắc tộc, cũng cần được các giáo xứ trong địa bàn hỗ trợ vật chất thường xuyên”.
Ngoài dấu ấn này, trong đời sống đạo, có lẽ nhiều chủ chăn cũng như cộng đoàn Dân Chúa GP Ban Mê Thuột còn có thể quan tâm đến nhiều khía cạnh mục vụ thiết thực khác nữa…
Dễ dàng nhận ra trên địa bàn giáo phận hiện nay, gồm địa giới hai tỉnh Đaklak, Đắc Nông và một phần Bình Phước, đa số giáo dân sinh sống bằng nông lâm nghiệp, chăn nuôi, và hiển nhiên, trong vài thập niên gần đây, không thể không nhạy cảm trước các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nạn chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, lạm dụng hóa chất… luôn là tình trạng được các ngành chức năng ngoài xã hội và các vị chủ chăn trong Giáo hội cảnh báo và gây ý thức, nhất là đối với những giáo dân hoặc tín hữu dân tộc sinh sống kề cận núi rừng.
Trong Năm Thánh hồng ân, ngoài các sinh hoạt thiêng liêng, đạo đức, chăm lo cho đồng bào dân tộc theo lời mời gọi của vị chủ chăn giáo phận, các giáo hữu Ban Mê Thuột còn có thể làm chứng trong đời sống đạo về trách nhiệm trước các vấn đề nóng bỏng của thời đại như môi trường, vệ sinh thực phẩm…, nhất là những vấn đề đó gần đây luôn được ĐTC Phanxicô nhắn nhủ và cũng thật gần gũi với mình trong môi trường sống thường nhật.
HOÀNG ANH
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc