Ngày 08/01/1938, Toà Thánh Vatican ban Sắc chỉ thành lập giáo phận Vĩnh Long. |
Từ Thành phố Hồ Chí Minh khách về Vĩnh Long có thể đi theo đường quốc lộ 01 hoặc theo đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang. Xe qua địa phận các tỉnh Long An, Tiền Giang. Tới Mỹ Tho khách tiếp tục đi theo quốc lộ hay chuyển sang cao tốc Mỹ Tho - Mỹ Thuận. Qua cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 125 km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1, trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long là bước vào địa giới tỉnh Vĩnh Long, cũng là nơi Trung tâm của giáo phận Vĩnh Long cách Thành phố Hồ Chí Minh 148 km với khoảng gần 3 giờ chạy xe.
Giáo phận trải dài các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, và một phần tỉnh Đồng Tháp (Sa Đéc). Giáo phận Vĩnh Long nằm hai phía tả hữu sông Cổ Chiên, phía Đông Bắc giáp giáo phận Mỹ Tho, phía Tây Bắc giáp giáo phận Long Xuyên, phía Nam giáp giáo phận Cần Thơ và phía Đông giáp Biển Đông. Toàn giáo phận nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho nên có nhiều sông ngòi chằng chịt. Người dân sống trong giáo phận đa số là người Kinh, một thiểu số người Khơ Me (Trà Vinh, Vĩnh Long), ngoài ra còn có một số Hoa kiều tập trung nơi các phố chợ. Toà Giám mục hiện ở địa chỉ 103 đường 3 tháng. P. 1. Thành phố Vĩnh Long.
Theo dòng giáo sử, vào khoảng thế kỷ XVII, có sự hiện diện của Kitô giáo ở giáo phận Vĩnh Long và sau đó được phát triển theo thời gian: Nhiều họ đạo và nhà thờ được xây dựng, các Hội dòng Mến Thánh giá Cái Nhum và Cái Mơn và dòng Kitô Vua được thành lập, các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres và dòng Xitô Phước Vĩnh cũng đến sinh hoạt trong giáo phận. Giáo phận Vĩnh Long trải qua các thế kỷ với những sinh hoạt mục vụ luôn nhắm đến việc hướng mọi người nhìn về Đức Kitô, dĩ nhiên cũng có những kết quả tốt đẹp còn tồn tại.
Giáo phận Vĩnh Long được khai sinh với lý do giáo phận Sài Gòn quá rộng, hơn nữa, Tòa Thánh cũng muốn thúc đẩy việc địa phương hoá hàng giáo sĩ và để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả hơn nên vùng Vĩnh Long được tách khỏi giáo phận Sài Gòn và được Tòa Thánh thành lập giáo phận ngày 8/01/1938 (có Tông sắc) và giao cho Đức Giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục cai quản. Ngài là vị Giám mục người Việt Nam thứ ba, sau Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (được tấn phong ngày 11/6/1933 tại Rôma) và Giám mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn (được tấn phong 1935 tại Huế). Ngày 23/6/1938 Đức cha Phêrô chính thức nhận giáo phận với khẩu hiệu Miles Christi. Ngài là vị Giám mục tiên khởi của tân giáo phận Vĩnh Long. Khi thành lập, giáo phận gồm 47 linh mục Việt, 3 thừa sai, 24 chủng sinh, 61 tiểu chủng sinh, 45.318 giáo hữu và 1.780 tân tòng. Giáo phận chia làm 7 hạt, 35 Họ chánh, 106 Họ nhánh 36.
Năm 1960, Tòa Thánh thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam và cử Đức cha Phêrô ra giáo phận Huế và tấn phong ngài là Tổng Giám mục giáo tình Huế.
Người kế nhiệm Đức cha Phêrô coi sóc giáo phận là Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện (1960 - 1968). Năm 1961, Đức cha lập Trung tâm Truyền giáo tại Ngã Ba Cần Thơ (cơ sở II Tiểu Chủng viện) để huấn luyện những người có năng lực đi giúp việc truyền giáo: dạy giáo lý, đi thăm viếng... Năm 1964 Trung tâm được sửa chữa để làm Đại Chủng viện cho 3 giáo phận trong vùng (Cần Thơ, Vĩnh Long và Mỹ Tho) và Trung tâm Truyền giáo được di dời về Cầu Vồng (nhà thờ phường 3). Cũng năm 1964 Đại Chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long khai giảng khoá đầu tiên dưới sự hướng dẫn và đào tạo của các linh mục Tu hội Xuân Bích.
Từ cuối năm 1964, Đức cha Antôn đã cho xây cất nhà thờ Chính Tòa ở Ngã Ba Cần Thơ, theo mô hình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ phỏng theo mẫu con tàu to lớn của ông Noe trong sách Cựu Ước.
Năm 1965, Đức cha Antôn cho thành lập Trung tâm Hành hương Fatima, thu hút giáo hữu gần xa hành hương để thêm lòng yêu mến và tôn kính Đức Mẹ.
Năm 1968, ngài bị bệnh khiến gây lòa cả hai mắt nên xin về hưu và được tòa Thánh chấp thuận. Sau khi Đức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện từ giả Vĩnh Long về nhà hưu dưỡng Cần Thơ rồi sang Pháp nghỉ hưu, Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu (1968-2001) được tấn phong Giám mục Chính tòa Vĩnh Long (19/9/1968). Đức Giám mục Giacôbê là vị Giám mục thứ ba của giáo phận Vĩnh Long. Lúc này giáo phận Vĩnh Long có khoảng 50.0000 giáo dân.
Năm 1969 Tu hội Xuân Bích giao Đại Chủng viện Xuân Bích lại cho Giáo hội địa phương lãnh trách nhiệm. Thiếu Giáo sư, vì thế giáo phận phải vất vả về vấn đề này, phải mời các cha giáo từ các giáo phận bạn giảng dạy.
Khánh thành Trung tâm Phaolô VI, do Tòa Thánh trợ cấp để đào luyện nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn. Thêm một trung tâm toàn quốc cho thiếu nhi Thánh Thể, do cha Phaolô Nguyễn Văn Thãnh, Tổng tuyên úy xin tài trợ và thực hiện.
Ngày 15/8/1975, Đức cha Giacôbê tấn phong Giám mục phó Raphae Nguyễn Văn Diệp (1975-2000) để cộng tác với ngài điều hành giáo phận trong hoàn cảnh sống mới. Sau 25 năm phục vụ giáo phận Vĩnh Long trong cương vị Giám mục phó, ngày 10/5/2000 Toà Thánh đã chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của ngài với tuổi 75. Cùng ngày này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm cha Tôma Nguyễn Văn Tân làm Giám mục phó giáo phận Vĩnh Long. Lễ tấn phong Giám mục ngày 15/8/2000, do Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu chủ phong và hai Đức cha Raphae Nguyễn Văn Diệp và Phêrô Nguyễn Soạn phụ phong.
Đức cha Raphae nghỉ hưu tại dòng Đồng Công Thủ Đức và đã được Chúa gọi về lúc 21 giờ 30 ngày thứ năm 20/12/2007. Ngày 24/12/2007, thánh lễ an táng của ngài được tổ chức tại nhà thờ Chính Toà Vĩnh Long và phần mộ của ngài nằm trong khu vực nhà thờ Chính Toà hiện nay.
Ngày 3/7/2001, Đức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu được Toà Thánh chấp thuận cho nghỉ hưu vào tuổi 87, sau 33 năm làm Giám mục giáo phận Vĩnh Long. Ngài trao giáo phận lại cho người kế vị là Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân. Thời gian này, giáo phận có 191.909 người Công giáo, 84 giáo xứ và 125 họ lẻ, 154 linh mục thường trú trong giáo phận và 4 linh mục thường trú ngoài Giáo phận, 36 tu sĩ nam, 534 nữ tu và 65 dòng tu.
Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân mang đến cho giáo phận Vĩnh Long sức sống mới dần được hình thành cách vững vàng hơn. Tiếc thay, ngày 17/8/2013, Đức Giám mục Tôma Nguyễn Văn Tân qua đời sau một cơn đột quỵ. Vì chưa có giám mục phó nên giáo phận Vĩnh Long trống tòa. Hội đồng linh mục bầu linh mục Phêrô Dương Văn Thạnh làm giám quản.
Ngày 7/10/2015, Văn phòng Báo chí Tòa Thánh loan báo Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Huỳnh Văn Hai làm Giám mục giáo phận Vĩnh Long.
Giáo phận Vĩnh Long vào thời điểm bổ nhiệm Đức Giám mục Phêrô Huỳnh Văn Hai có diện tích gần 7.000 nghìn km², với số giáo dân khoảng 200.000 người. Giáo phận có 176 linh mục, gần 600 nam nữ tu sĩ, 60 chủng sinh và 471 giáo lý viên. (Thống kê năm 2017)
Hiện nay, giáo phận Vĩnh Long gồm 10 giáo hạt, 211 giáo xứ và giáo họ. Về các dòng tu, giáo phận có Hội dòng Mến Thánh giá Cái Nhum, Hội dòng Mến Thánh giá Cái Mơn, dòng Kitô Vua, Đan viện Phước Vĩnh. Ngoài ra, giáo phận còn có các Hội dòng bên ngoài đến phục vụ trong giáo phận như: dòng Chúa Cứu Thế, dòng Don Bosco, dòng Ngôi Lời - Giuse, dòng Thánh Phaolô thành Chartres (Mỹ Tho), dòng Chúa Chiên Lành, Tu hội Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh Sơn, dòng Chúa Quan Phòng, dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ - FMA,.....
Như vậy, kể từ khi thành lập giáo phận Vĩnh Long năm 1938 đến nay, giáo phận đã trải qua 5 đời Giám mục Chính tòa với 6 vị Giám mục, trong đó có một Giám mục phó. Ngày 03/7/2023 vừa qua, tại Trung tâm hành hương Đình Khao Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Giám mục giáo phận đã cử hành thánh lễ mừng kính 170 năm thánh Philipphê Phan Văn Minh tử đạo, bổn mạng giáo phận và Mừng 85 năm thành lập giáo phận Vĩnh Long với cả ngàn giáo dân tham dự. Nhân dịp này Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho mọi người tham dự hành hương mừng Đại lễ.
Xin Chúa ban muôn ơn lành xuống trên Đức Giám mục Phêrô, hàng giáo sĩ, tu sĩ và toàn thể giáo dân giáo phận, nhờ lời bầu cữ của Thánh Philiphê Phan Văn Minh tử đạo luôn nhiệt thành hăng say và sống chứng nhân Tin Mừng nơi vùng sông nước Cửu Long.