Có những sự kiện đã mãi mãi thuộc về quá khứ, chẳng hạn: Việt Nam hoàn thành trọng trách ủy viên không thường trực và chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ; Chương trình kích thích kinh tế nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng GDP...
Có những sự kiện sẽ còn kéo dài đến những năm sau: vấn đề Biển Đông, kế hoạch khai thác bauxite...
Có những sự kiện dù được chọn nhưng cũng chỉ đáng quan tâm ở mức... giới hạn: Thể thao Việt Nam nâng tầm vị thế, Hà Nội cấp sổ đỏ theo mẫu mới...
Có những sự kiện được đưa vào danh sách “tiêu biểu” có lẽ chỉ nhằm khích lệ, động viên.
Tổng kết cuối năm như một cơ hội nhìn lại và xét mình, phân tích mọi khía cạnh đúng sai, hay dở. Cũng là dịp tái xác định hướng đi, điều chỉnh những bất cập, hàn gắn những đổ vỡ, chỉnh đốn mọi sai lệch và củng cố tinh thần.
Ở Hà Nội, ngay trước lễ Giáng sinh, vừa diễn ra sự kiện chưa kịp... tổng kết, nhưng đã kịp gieo vào lòng người niềm vui mừng và hy vọng.
Đó là sự kiện phái đoàn chính quyền Thủ đô Hà Nội đến Tòa Tổng Giám mục chúc mừng lễ Giáng sinh và Năm mới Đức TGM Ngô Quang Kiệt, Đức cha phụ tá Chu Văn Minh và toàn thể Dân Chúa Tổng giáo phận Hà Nội.
Bài đáp từ của Đức TGM có thể coi là một sự kiện ấn tượng cuối năm.
Ngài bày tỏ sự quan tâm đối với những hoạt động hướng đến đại lễ 1000 năm Thăng Long đang diễn ra tại thủ đô, đồng thời nói lên suy nghĩ và mong ước về vai trò “gương mẫu” của Hà Nội - thủ đô: “Kỷ niệm 1000 năm Thăng long, chúng tôi tâm đắc nghe ông phó Bí thư cho biết những phấn đấu của đất nước và của riêng thành phố Hà Nội trong dịp kỷ niệm này, phấn đấu để trở thành một thủ đô gương mẫu về văn minh tiến bộ. Chúng tôi luôn mong ước thủ đô của chúng ta xứng đáng với công trình 1000 năm xây dựng của tổ tiên, cha ông chúng ta. Tôi nhớ một câu của văn hào người Anh: Một thành phố lớn không phải chỉ có diện tích lớn nhưng cần phải có những con người tốt, những con người vĩ đại. Chúng tôi rất mong muốn thành phố Hà Nội của chúng ta trở thành một thành phố lớn không chỉ có kinh tế, nhưng còn có văn minh, có công bằng, có những con người tốt, có tâm huyết, có tấm lòng rộng, có trí thức cao, có đạo đức... để làm gương mẫu cho các thành phố khác” (Dẫn theo Website của Tổng giáo phận Hà Nội).
Cũng trong dịp này, Đức TGM chia sẻ với các vị trong chính quyền Thủ đô về người- công-giáo: “Đối với chúng tôi, chúng tôi luôn coi trọng phần tâm linh. Phần tâm linh ràng buộc con người không chỉ sống với nhau bằng bề mặt mà còn phải sống với nhau bằng sự thật trong tâm hồn, bởi vì ngày nào chúng tôi cũng phải đối diện trước mặt Chúa để duyệt xét tâm hồn nên lúc nào cũng phải sống ngay thẳng, không có gì gian dối. Chắc chắn, nếu quý vị chính quyền nhìn thấy người Công giáo có xấu có tốt thế nào thì trong lòng như thế, nó lộ ra, nên khi quý vị đối diện với người Công giáo quý vị được an tâm vì người ta có sao nói thế, không giấu giếm. Chúng ta cùng nhau xây dựng một thủ đô thật đẹp, đẹp không chỉ bề ngoài mà cả bên trong. Đằng sau những căn nhà cao tầng, vẫn còn có những căn nhà ổ chuột, chúng ta hãy làm cho nó cũng đẹp lên; và nhất là sau những khuôn mặt vui tươi, những con người tốt đẹp phải có những tâm hồn thật sự tốt đẹp” (bđd).
Phát biểu của Đức TGM Hà Nội không chỉ là đáp từ trong xã giao mà còn là một cách “tổng kết” nhân dịp cuối năm. Tổng kết về Hà Nội 2009 qua những điều nhìn thấy. Tổng kết về người-công-giáo 2009 từ những điều trải nghiệm.