Hội nghị đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc lớn, đặc thù tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021-2025) tại các địa phương; nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2024, 2025 để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cho cả giai đoạn; các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị về cơ chế, chính sách và đặc biệt là những đề nghị điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và cả nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024-2025 của các địa phương.
Các vị lãnh đạo chủ trì Hội nghị |
Đã phân bổ cho các tỉnh Nam bộ hơn 2,277 tỷ đồng Phát biểu tại Hội nghị, ông Hầu A Lềnh- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nhấn mạnh: Việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi là quyết sách lịch sử, lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính riêng tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021-2025), Chương trình đã được bố trí gần 115 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước với phần vốn vay tín dụng dự kiến gần 20 nghìn tỷ đồng - chiếm tỷ trọng lớn nhất về nguồn lực cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia để thực hiện 10 dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc. Các nội dung thành phần của Chương trình đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số như đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề.
Khu vực Nam bộ gồm 13 tỉnh với 308 xã, chiếm khoảng 9% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước, tuy nhiên chỉ có 8 tỉnh có xã, thôn đặc biệt khó khăn, chiếm khoảng 3,6% tổng số xã đặc biệt khó khăn và 2,7% thôn đặc biệt khó khăn của cả nước với 55 xã và 356 thôn. Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn đã phân bổ của Chương trình cho khu vực các tỉnh Nam bộ là hơn 2,277 tỷ đồng, chiếm hơn 5,4% tổng nguồn lực của cả Chương trình. Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, trên cơ sở nguồn lực của Chương trình và sự nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai Chương trình, đến nay nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ổn định và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay Nam bộ đang đối mặt với nhiều thách thức tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng ngập mặn, đồng thời ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động của Chương trình.
Cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry đánh giá, vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước, với quy mô dân số trên 17 triệu người, chiếm khoảng 18% dân số cả nước; dân tộc thiểu số có 1.310.403 người, chủ yếu là đồng bào Khmer, chiếm tỷ lệ 7,6% dân số vùng và chiếm tỷ lệ 9,28% DTTS cả nước, đồng bào DTTS sinh sống tập trung phần lớn tại các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN nói chung và trên địa bàn vùng ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban dân tộc quan tâm thực hiện chỉ đạo của Đảng tại Kết luận 65 về công tác dân tộc, triển khai thực hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 88, Nghị quyết 120 của Quốc hội.
Đồng thời, sớm có giải pháp khắc phục, hạn chế tác động của các Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đến việc thực hiện chính sách dân tộc ở vùng DTTS&MN tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến đồng bào DTTS, trong đó chịu tác động nhiều trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL, nhất là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các tỉnh vùng ĐBSCL, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS sinh sống, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất cho phù hợp với từng địa bàn vùng đồng bào DTTS tại địa phương… đồng thời, cần cụ thể hóa nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" vào trong điều kiện cụ thể, chú trọng phát huy dân chủ, phát huy tối đa vai trò chủ thể của đồng bào DTTS và cộng đồng tham gia trực tiếp thực hiện, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá trong suốt quá trình tổ chức thực hiện chương trình, chính sách.
Cần Thơ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn 0,38% trong năm nay Cũng tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ có 38.028 người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng dân số toàn thành phố. Trong thời gian qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố quan tâm thực hiện, xác định rõ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc Khmer tại TP.Cần Thơ |
Thành phố Cần Thơ luôn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời giải quyết, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và kích động gây chia rẽ dân tộc, chống Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí thành phố thường xuyên có chuyên mục định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố quan tâm đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ và duy trì các loại hình văn hóa như: múa lâm thôn, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer, múa lân sư rồng của người Hoa.
Nhờ sự tập trung, chăm lo và sự phấn đấu vươn lên nên đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 1,14% tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,38%.