Tin tức - Hoạt động

Bình Phước tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cập nhật lúc 19:52 08/10/2023
Trong những năm qua, ngoài chính sách chung của cả nước, Bình Phước đã cân đối, tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tại tỉnh Bình Phước có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với gần 204 nghìn người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh; sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố.

Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh, định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch giao chỉ tiêu xóa 1.000 hộ nghèo DTTS.

Tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, ưu tiên triển khai, thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS nhằm phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

Nhờ đó, số xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giảm mạnh. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 9 xã Khu vực III, 51 thôn đặc biệt khó khăn. Đến nay, Bình Phước chỉ còn 5 xã Khu vực III. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 24,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2018 lên mức 34,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2023.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, công tác giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo là đồng bào DTTS trong đó có người Khmer đã được chú trọng và triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Qua 4 năm thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS (2019 - 2022), toàn tỉnh giảm 5.198 hộ nghèo DTTS, đạt 129,8% chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra (mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS).

Riêng vào năm 2022, do áp dụng chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025, số hộ nghèo DTTS có tăng lên 2.820 hộ, chiếm tỷ lệ 57,91% trong tổng số hộ nghèo (4.870 hộ nghèo). Tuy nhiên, ngay trong năm 2022, địa phương đã giảm được 1.166 hộ nghèo DTTS, đạt 115% so với kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công tác đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ học tập, giảng dạy được quan tâm thực hiện. Hiện nay, tỉnh có 07 trường dân tộc nội trú. Đa số các trường được đầu tư xây dựng mới, đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, ký túc xá, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và ăn ở của học sinh.
 

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Các trường dân tộc nội trú phân bố ở huyện Đồng Phú (01 trường THCS), huyện Đồng Xoài (01 trường THPT), huyện Bù Đăng (01 trường THCS và THPT), huyện Bù Gia Mập (01 trường THCS và THPT), huyện Bù Đốp (01 trường THCS), huyện Lộc Ninh (01 trường THCS), huyện Bình Long (01 trường THCS).

Tổng số học sinh dân tộc thiểu số theo học tại các trường dân tộc nội trú là 2.319 em, gồm: 1.452 học sinh cấp THCS, 748 học sinh cấp THPT. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng THCS, THPT đạt trên 99%.

Triển khai Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông”, năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh hợp đồng dạy tiếng Khmer 01 tiết/tuần/lớp cho học sinh từ khối 6 đến khối 8 theo hình thức ngoại khóa. Các trường phổ thông dân tộc nội trú còn lại chủ yếu dạy ngôn ngữ giao tiếp trong sinh hoạt đời sống hàng ngày nhằm tạo điều kiện cho các em hòa nhập, trao đổi học tập.

Chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS, hỗ trợ cho trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được tỉnh thực hiện đầy đủ theo quy định.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho con em DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tiếp tục được duy trì. Tỉnh thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ cho học sinh DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên có hộ khẩu thường trú từ 03 năm trở lên tại các xã biên giới và các xã thuộc vùng khó khăn.

Năm học 2022 - 2023, các địa phương đã chi hỗ trợ cho học sinh dân tộc rất ít người theo quy định. Huyện Bù Đăng chi hỗ trợ cho 01 trẻ em dân tộc Chứt (mẫu giáo), chi trả cho 02 học sinh dân tộc Ngái. Huyện Bù Gia Mập chi trả cho 02 học sinh dân tộc Pu Péo.

Đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Phước đã bố trí việc làm cho 03 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho người DTTS được thực hiện theo chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người DTTS nói chung, trong đó có dân tộc Khmer luôn được Bình Phước quan tâm thực hiện tốt. Toàn tỉnh hiện có 90/25.426 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 0,353% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh (cấp tỉnh là 0,75%, cấp huyện là 0,2%, cấp xã là 0,42%); có 35 người được đưa vào diện quy hoạch cán bộ.

UBND tỉnh Bình Phước đã giao Ủy ban Dân tộc tỉnh tiếp tục hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác dân tộc các cấp. Các ngành; mở các lớp đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ trực tiếp làm công tác dân tộc đối với đồng bào Khmer; tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ cho già làng và người uy tín tiêu biểu các dân tộc ở cụm hoặc vùng.

Bùi An
Thông tin khác:
Đồng bào Công giáo buôn B’Lao Sirê xây dựng họ đạo bình yên (07/10/2023)
Hạn chế trong chăm sóc sức khỏe trẻ em và phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (07/10/2023)
Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thăm, làm việc tại quận Tây Hồ (06/10/2023)
400 đại biểu chính thức sẽ tham dự Đại hội (04/10/2023)
Kinh tế- xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt (03/10/2023)
Thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam (30/09/2023)
Bình Dương đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số (28/09/2023)
Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (28/09/2023)
Phát huy những giá trị tốt đẹp của đồng bào Công giáo (28/09/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log